Tượng đài Quan Công “siêu to khổng lồ” xây 600 tỉ đồng, di dời hết 540 tỉ

(CLO) Sau khi Bắc Kinh ra lệnh chấn chỉnh công trình tượng Quan Vũ nặng 1.200 tấn do “hoang phí đến chướng mắt”, chính quyền tỉnh Hồ Bắc mới đây chính thức ra quyết định di dời bức tượng khổng lồ này đến một vị trí khác “hợp lý hơn” với chi phí hàng trăm tỷ đồng.

Bức tượng nhiều cái “khủng”

Bức tượng khổng lồ hoành tráng bên ngoài và còn dẫn vào một viện bảo tàng rộng hơn 8.000m2 bên trong. Ảnh: SCMP
Bức tượng khổng lồ hoành tráng bên ngoài và còn dẫn vào một viện bảo tàng rộng hơn 8.000m2 bên trong. Ảnh: SCMP

Bức tượng Quan Vũ khổng lồ nặng hơn 1.200 tấn, có chiều cao 5,73 mét tương đương với tòa nhà 19 tầng, được dát bởi khoảng 4.000 miếng đồng. Chỉ tính riêng thanh kiếm Thanh Long Yển Nguyệt Đao của tượng cầm trên tay đã nặng tới hơn 136 tấn.

Công trình “siêu khủng” này được chính quyền thành phố Kinh Châu xây dựng tại công viên thành phố với mục đích thu hút khách du lịch.

Bức tượng Quan Vũ được xây dựng với tổng số vốn đầu tư lên tới 223,4 triệu USD (khoảng hơn 610 tỷ đồng). Được khánh thành từ 5 năm trước, bức tượng được đánh giá là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của Trung Quốc với hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan mỗi năm.

Dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc sở du lịch Kinh Châu, Đài CCTV của Trung Quốc tiết lộ, công trình khổng lồ trên được cấp phép xây dựng do vào thời điểm đó, các tỉnh thành trên cả nước đang đua nhau xây dựng các công trình khổng lồ với hy vọng sẽ được ghi danh vào kỷ lục Guiness Thế giới, nhằm thu hút nhiều khách du lịch hơn.

 “Vô dụng và lãng phí”

Vào năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh đã “tuýt còi” công trình trên, cho rằng tượng Quan Vũ mãnh tướng nổi tiếng thời Tam Quốc khổng lồ đặt ở Kinh Châu, Hồ Bắc là vô dụng và lãng phí, cần phải được chấn chỉnh ngay.

Theo Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn, công trình tượng Quan Vũ khổng lồ của thành phố này “hoang phí đến chướng mắt” và “hủy hoại phong cách văn hóa Kinh Châu”.

Công trình tượng Quan Vũ trong khi được xây dựng. Ảnh: CCTV
Công trình tượng Quan Vũ trong khi được xây dựng. Ảnh: CCTV

Đến cuối tháng 12 năm ngoái, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã chính thức quyết định việc di dời tượng Quan Vũ bằng đồng khổng lồ ra một địa điểm khác hợp lý hơn. Theo Global Times, bức tượng sẽ được tháo dỡ và di dời ra một vị trí mới cách công viên Kinh Châu 8 km.

Cụ thể, kế hoạch di dời tượng Quan Vũ sẽ được tiến hành trong tháng 1 năm nay, và bao gồm các công đoạn tháo dỡ, lắp đặt ở địa điểm mới và cải tạo địa điểm cũ. Với kế hoạch trên, chi phí di dời dự kiến sẽ lên đến 23,75 triệu USD (khoảng 540 tỷ đồng), khiến cho người dân Kinh Châu và khắp Trung Quốc tỏ ra không mấy hài lòng với quyết định này của chính quyền.

“Nực cười đáng sợ. Thay vì tiêu tốn hơn 20 triệu để di chuyển bức tượng đến một địa điểm khác, chính quyền cứ đặt nó ở đó và bắt các bên liên quan chịu trách nhiệm pháp lý là được. Cá nhân tôi không thấy bức tượng trên có vấn đề gì hết”, một người bình luận trên trang mạng xã hội của Trung Quốc.

“Xây cho lớn rồi lại lên kế hoạch di dời. Đây chính là cách giúp ai đó kiếm tiền đây. Thử tưởng tượng xem với số tiền này, có bao nhiêu ngôi trường sẽ được xây dựng cho trẻ em các tỉnh nghèo chứ??”, một bình luận khác cho hay.

Quan Vũ là vị tướng được đánh giá là võ nghệ dũng mãnh, “sức địch vạn người, hổ thần một thời, có phong độ quốc sĩ có tài và có nghề”. Ảnh: Getty
Quan Vũ là vị tướng được đánh giá là võ nghệ dũng mãnh, “sức địch vạn người, hổ thần một thời, có phong độ quốc sĩ có tài và có nghề”. Ảnh: Getty

Quan Vũ là một mãnh tướng nổi tiếng dưới trướng Lưu Bị thời Tam Quốc (năm 220-280 sau Công Nguyên). Quan Vũ được phong thần sớm nhất là vào triều đại nhà Tùy (581-681). Nhờ tính tình cương trực, giỏi võ lập nên nhiều chiến tích, ông được giao bảo vệ Kinh Châu và được người dân hết mực kính nể.

Một trong những trận đánh nổi tiếng của Quan Vũ từng diễn ra ở Kinh Châu. Vào năm 220, vị tướng này đã tử nạn trong trận đánh cuối cùng bảo vệ Kinh Châu và mất thành vào tay quân địch.

Ngày nay, ông vẫn được thờ phụng như một vị Bồ Tát trong Phật Giáo, được đánh giá cao trong Nho giáo và được gọi là Quan Công. Không những vậy, ông là một vị thần hộ mệnh trong tôn giáo và Đạo giáo dân gian Trung Quốc.