Nhà ở xây sẵn chung móng, chung tường: “Mua rồi khó bán, lại đối mặt nhiều rắc rối”

Với giá chuyển nhượng từ 1,2 đến gần 2 tỷ đồng, những ngôi nhà ở xây sẵn chung tường, chung móng trong các khu dân cư đang là lựa chọn của nhiều người muốn mua nhà tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, loại hình nhà ở này chứa đựng nhiều rủi ro như khó bán, khó sửa hay xây mới lại khi căn nhà xuống cấp.

Cùng với sự phát triển của các khu đô thị lớn, hiện nay ở những khu dân cư tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều những ngôi nhà có diện tích vừa phải từ 30-45m2 được xây từ 3-5 tầng theo kiểu “4 chung” (chung móng, chung tường, chung hệ thống cột và mái) để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân muốn sở hữu nhà đất giá rẻ tại thành phố.

Những công trình nhà ở này thường do những chủ đầu tư nhỏ lẻ tổ chức xây dựng. Theo đó, sau khi mua cả một thửa đất rộng, chủ đầu tư sẽ làm các thủ tục tách thửa, xin phép xây dựng để xây lên những căn nhà 3 đến 5 tầng có diện tích từ 30 đến 45 mét vuông mỗi sàn để bán.

Nhà ở xây sẵn đang là lựa chọn của nhiều người bởi không phải chờ đợi thời gian xây dựng mà có thể về ở ngay

Một chủ đầu tư tên Đức (tại Hà Đông – Hà Nội) cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, bên anh đã tổ chức triển khai xây dựng 3 công trình nhà ở liên kề trong các khu dân c ư:một công trình gồm 7 căn, một công trình gồm 10 căn và 1 công trình gồm 13 căn liền kề. Hiện công trình gồm 7 căn đã hoàn thiện xong và đã có 5 chủ nhà mới chuyển về ở với giá bán dao động từ 1,4 đến 1,8 tỷ đồng. Mỗi năm bên anh có thể đưa ra thị trường vài chục căn liền kề với diện tích nhỏ, phù hợp với túi tiền của các gia đình muốn sở hữu nhà đất giá rẻ.

Tương tự, một chủ đầu tư khác tên Lập chia sẻ bên anh cũng vừa hoàn thiện một công trình gồm 5 căn liền kề tại Hà Đông – Hà Nội, mỗi căn 4 tầng, diện tích mặt sàn mỗi tầng từ 38-40m2. Chủ đầu tư này cho biết giá bán mỗi căn từ 1,45 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng.

Theo khảo sát của phóng viên, những căn nhà ở liền kề xây sẵn trong khu dân cư ở các quận, huyện vùng ven đô đang được nhiều môi giới rao bán dao động từ 1,2 tỷ đồng đến 1,9 tỷ đồng. Những căn nhà dạng này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những gia đình trẻ muốn sở hữu nhà mặt đất. Bởi để tìm một căn nhà hoặc chung cư với diện tích tương tự và tầm giá này ở các quận trung tâm bây giờ là rất khó, thậm chí là không thể.

Tuy nhiên, theo những người am hiểu về xây dựng, hầu hết những căn nhà ở xây sẵn từ 3 đến 5 tầng được các môi giới rao bán hiện nay đều được xây dựng theo kiểu “4 chung”. Do chủ đầu tư đã cắt giảm tối đa chi phí xây dựng, đồng thời gia tăng diện tích bán cho khách hàng nhằm thu được lợi nhuận cao nhất.

Một thợ xây tên Lý người Thái Bình, có nhiều năm làm xây dựng cho các chủ đầu tư nhỏ lẻ tại Hà Nội cho biết để giảm thiểu chi phí thì bên cạnh việc xây chung móng, chung tường, chung hệ thống cột và mái chịu lực. Các chủ đầu tư nhỏ lẻ cũng tiết kiệm tối đa những chi phí khác như sắt, gạch, thậm chí cả phế thải đổ nền.

Theo những người trong nghề xây dựng thì những công trình nhà ở xây sẵn trong các khu dân cư hiện nay phần lớn đều bị bớt xén vật liệu xây dựng

Theo đó, hầu hết gạch được sử dụng ở các công trình này là gạch non, giá rẻ. Chủ đầu tư bớt xén sắt ở hệ thống rầm móng, rầm mái, cột chịu lực của ngôi nhà. Trong đó những thanh rầm, cột đôi giữa hai căn nhà liền kề lẽ ra dùng cây sắt loại to thì thay vào đó bằng những cây sắt loại nhỏ hơn. Sắt đai cột, đai rầm mái thường là các loại sắt gia công chứ không phải của các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường,…. vật liệu san lấp nền thường là phế thải ở các công trình khác chuyển vào chứ không phải là cát đen hay đá mạt giống như nhà dân tự xây dựng…. Để qua mắt khách mua, chủ đầu tư thường trang trí cho ngôi nhà một cách “bóng bẩy” nhất như nhà hoàn thiện với đầy đủ nội thất, người mua chỉ việc xách vali đến ở nhằm che đi những vật liệu “rẻ tiền” đã sử dụng.

Theo người thợ với hơn chục năm làm xây dựng này thì việc những ngôi nhà xây chung tường, chung móng, chung hệ thống rầm cột và mái chịu lực có ảnh hưởng không nhỏ đối với chủ nhân sở hữu căn nhà đó. Có nhiều trường hợp do nền đất kém ở một căn hộ nào đó nhưng kéo theo cả khu cùng bị nứt, nghiêng chịu tác động theo.

Sau nhiều năm về ở, một số nhà muốn chỉnh sửa xây mới phải xin phép chủ nhà bên cạnh hoặc phải chấp nhận bỏ đi phần tường cũng như cột thuộc sở hữu chung để đỡ phải đi xin xỏ, đỡ mất thời gian,… bởi đối với hệ thống cột hoặc tường chung thì khi chủ hộ phá phần cột hoặc tường nhà mình sẽ làm ảnh hưởng đến phần móng và kết cấu của cả hai ngôi nhà.

Anh Lý cho biết, cũng do những vấn đề phức tạp kể trên nên những ngôi nhà được làm chung móng, chung tường, chung hệ thống cột,… người mua chỉ có thể yên tâm trong những năm đầu. Khi căn nhà xuống cấp lại rất khó sửa chữa, có thể đối mặt với muôn vàn rắc rối. Đặc biệt, những ngôi nhà này khi đã mua rồi sau này rất khó bán lại. Người bán thậm chí sẽ phải bán dưới giá của thị trường để có thể sang tên được cho chủ mới. Do đó, lựa chọn tốt nhất là mua nhà có tường riêng để có thể dễ dàng xây dựng, sửa chữa, xây mới khi có nhu cầu