Minh Nhí quá t:ủi nhụ:c khi bị tr.ục x.u.ất, từ đỉnh cao danh vọng bỗng m:ất tất cả chỉ sau 1 chuyến đi Mỹ diễn

Từ đỉnh cao danh vọng, bỗng chốc mất tất cả chỉ sau một chuyến đi Mỹ lưu diễn, Minh Nhí đã phải đối mặt với chuỗi ngày đen tối nhất cuộc đời bằng ước mong được chết.

Minh Nhí là một cái tên không lạ với giới nghệ sĩ miền Nam. Thời Minh Nhí nổi đình nổi đám, những Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương , Thu Trang còn chưa có trong tay bất cứ điều gì. Khi mà người người vẫn xài TV trắng đen, đầu thu băng video một nhà phát cả xóm cùng xem thì Minh Nhí đã là thần tượng của biết bao thế hệ khán giả.

Tuổi thơ những đứa trẻ miền Nam lớn lên cùng tiếng cười Minh Nhí, cứ xem đi xem lại mà chẳng thể hiểu vì sao cái ông nhỏ người, giọng nói the thé, mặt lại chẳng điển trai lại có sức hút đến vậy. Chỉ là trong mớ ký ức còn sót lại, đã từng biết đến Minh Nhí như một ngôi sao mà mỗi lần xuất hiện lại vang lên vài ba câu thoại quen thuộc: “Trời ơi cái bà này”, “Tôi là tôi nói cho bà biết”.

Nghệ sĩ Minh Nhí trên trường quay “Tiếu lâm tứ trụ”.

Hẹn gặp Minh Nhí vào cái ngày mà anh đang tất bật trên phim trường để ghi hình trận Chung kết Tiếu lâm tứ trụ , phải đợi mãi Minh Nhí mới có chút thời gian để gặp gỡ người viết. Hết chạy từ phòng hóa trang lại nhảy lên sân khấu duyệt chương trình. Chưa kịp ngơi nghỉ phút giây nào, Minh Nhí lại bị kéo ra một góc quay clip phỏng vấn. Cả một ngày dài quần quật bên dưới ánh đèn sân khấu, gương mặt người nghệ sĩ 52 tuổi ướt đẫm mồ hôi, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên sự tự hào vì được cháy hết mình cùng nghệ thuật.

Minh Nhí mở đầu câu chuyện với cái vẻ thân tình quen thuộc, không câu nệ chuyện bị lấy mất vài ba phút nghỉ giữa giờ ít ỏi, Minh Nhí cười hiền nói với với chúng tôi: “Bữa nay quay cho xong, ngày mai tôi đi Mỹ rồi. Thăm vợ, sẵn đi diễn luôn. Mình tiện thể kết hợp hai thứ cho nó tiết kiệm chi phí. Một năm tôi đi Mỹ cỡ 4 lần, dù không sống cùng nhau nhưng nghĩa vợ chồng thì vẫn giữ. Giờ mình cũng lớn, không phải như con nít mà lúc nào cũng quấn lấy nhau”.

Minh Nhí sinh năm 1964, quê ở Sa Đéc – Đồng Tháp. Minh Nhí là con thứ 7 trong gia đình có 8 người con. Thời còn ở cùng ba má, Minh Nhí được thương yêu bậc nhất. Dù thân hình thấp bé nhẹ cân nhưng bù lại anh có tài văn chương, ba má Minh Nhí hay thủ thỉ bảo nhau rằng: “Thằng Minh có tài, mình ráng đầu tư cho nó”. Chính vì ước vọng đặt trên vai này, Minh Nhí đã từng có ý định thi vào trường y. Anh học ngày học thêm, dùi mài kinh sử chỉ vì mục đích làm cho ba má vui lòng. Nhưng, chuyện đời không được như mong muốn, Minh Nhí thi rớt năm đầu tiên vì thiếu nửa điểm. Thấy anh buồn, ba má đã thu xếp quần áo cho lên Sài Gòn ở nhà ông bà nội để ôn luyện. Xa nhà ở cái tuổi 18, Minh Nhí vừa cô đơn, vừa lạc lõng. Tuy vẫn háo hức với phố thị đường hoa, đèn xanh đèn đỏ nhưng nỗi lo nghĩ vẫn canh cánh bên lòng.

Thế rồi, điều gì đến cũng phải đến. Minh Nhí bỏ học y để đăng ký vào trường sân khấu điện ảnh. Ban đầu chỉ là học cho vui, nhưng càng học thì cái máu nghề lại càng trỗi dậy mạnh mẽ. “Tôi vứt hết sách vở, lao đầu vào những lớp diễn. Đến ngày thi vào trường y, đầu tôi không có một chữ nào. Tôi say mê ánh đèn sân khấu, cháy đến mức có thể thiêu rụi hết những gì ngăn cản phía trước. Tôi hào hứng với giấc mộng sẽ là nghệ sĩ nổi tiếng, sẽ kiếm được nhiều tiền và xây nhà đón ba má về ở chung. Nhưng rồi, tôi sụp đổ hoàn toàn khi thầy giáo nói với tôi rằng ông sẽ chấm rớt nếu tôi thi vào lớp diễn viên. Lý do dễ hiểu thôi, tôi không có ngoại hình, không thể làm kép chánh. Ai cũng nghĩ một người xấu và lùn như tôi sẽ không thể nổi tiếng. Tôi khóc nức nở, hoang mang về lựa chọn của mình.

Vậy rồi Minh Nhí trốn trong một góc tối, lặng lẽ gặm nhắm nỗi đau của riêng mình. Cánh cổng trường y đã khép lại hoàn toàn. Con đường trở thành diễn viên cũng mịt mờ vì không ai cho anh cơ hội. Nhưng, chính người thầy “tạt gáo nước lạnh” vào Minh Nhí lại mở cho anh con đường khác, con đường mà lúc mới nghe qua anh đã hoài nghi với chính bản thân mình: “Lúc vừa tốt nghiệp, tôi được thầy thông báo trường muốn giữ tôi lại làm giảng viên. Một người trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng đã có cơ hội làm việc, tôi nhận ngay. Lúc đưa học trò về quê chơi, ba má tôi mừng lắm. Hồi còn phản đối tôi theo nghề sân khấu, ba đã nói rằng: “Làm bác sĩ thì người ta kêu bằng thầy. Làm diễn viên thì chỉ có gọi bằng thằng. Xướng ca vô loài”. Nhưng lúc đó, thấy học trò một chữ thầy Minh, hai chữ cũng thầy Minh, ba tôi mừng lắm. Má còn chọc ghẹo: “Sướng rồi ha. Nổi tiếng rồi ha”.

 

Say sưa với câu chuyện quá khứ, rồi chợt dừng lại. Phải mất vài giây im lặng, Minh Nhí mới có thể nói tiếp. Lần này, anh nhẹ giọng hơn: “Đời tôi nhiều cái buồn cười lắm, đau mà vẫn phải cười. Lúc mới vào nghề, tôi cùng với mấy anh em lập nhóm đi diễn. Mà thời đó người ta chỉ biết có Hồng Đào , Quốc Thảo, Thành Lộc , ai mà quan tâm Minh Nhí là ai. Diễn vật vã cả đêm được cát xê 10.000 đồng, mấy anh em chia nhau vội vàng tô hủ tíu gõ. Nhưng mà trời cũng còn thương, khổ hoài rồi cũng có lúc bớt khổ. Khi mà tôi bắt đầu nổi tiếng, có đêm diễn tới 4 – 5 suất. Chạy từ sân khấu này tới sân khấu nọ là chuyện quá bình thường. Nhưng đến lúc xây được cái nhà đầu tiên bằng tiền mồ hôi nước mắt thì ba tôi mất”.

“Tôi không bao giờ quên được cái đêm đó, khi vừa diễn xong, có người chạy đến nói là ba tôi qua đời. Giới nghệ sĩ hay chọc ghẹo nhau, tôi nghĩ rằng chỉ là nói giỡn nên không thèm bận tâm, tôi chạy một mạch qua điểm diễn khác. Chỉ đến khi chị gái từ dưới quê nói là ba bị độtquỵ tôi mới chấp nhận sự thật này. Ai đời người như tôi, bước ra sân khấu mua vui cho khán giả, mà phía sau lại đớn đau đến thế. Khán giả còn ngồi chờ mình diễn, mà tôi thì thấy cả đất trời sụp đổ. Tôi chỉ nhớ là mình đã khóc nghẹn trên vai anh Hữu Châu , còn anh ấy thì vỗ vỗ lưng tôi rằng: “Được không Minh ơi?”. Cái nhà đầu tiên tôi xây xong dự định đón ba lên ở, nào ngờ ba mất rồi, nhà không còn trọn vẹn”.

Lau vội giọt nước mắt trên gương mặt, Minh Nhí lặng lẽ đưa đôi mắt về khoảng xa xăm. Không phải nói với người viết, mà anh như nói với chính mình: “Cái nhà thứ hai tôi xây được, má chưa kịp đặt chân vào cũng vội vã nhắm mắt xuôi tay. Tôi mất hết, không ba má, không vợ con. Đời tôi chẳng còn gì. Nhưng mà nhìn anh chị em, khán giả và học trò vẫn thương yêu, tôi gắng gượng sống tiếp. Đã từng có lúc tôi nghĩ mình bất hạnh, cả đời cống hiến cho nghệ thuật nhưng lại lủi thủi đi về một mình. Trước khán giả tôi cười nhiều, nhưng sâu thẩm bên trong không phải vậy”.

Trước khi câu chuyện rơi vào khoảng không im lặng nặng nề một lần nữa, người viết chuyển sang hỏi Minh Nhí về thời điểm anh bị “trụcxuất” khỏi sân khấu. Mở to đôi mắt kinh ngạc, rồi lại làm điệu bộ bối rối, nhưng có một điều kỳ lạ là Minh Nhí chẳng né tránh câu hỏi này. Anh dừng lại nhấp một ngụm nước rồi tiếp tục nói: “Năm 2006, tôi cùng một số anh chị em nghệ sĩ có qua Mỹ lưu diễn. Hết thời hạn biểu diễn, tôi có ở lại Mỹ để lấy vợ. Khoảng thời gian này là cỡ 1 năm. Lúc này, người trong nước hiểu lầm rằng tôi có ý định xấu, cố tình không về Việt Nam nữa. Nhưng câu chuyện phía trong còn nhiều nỗi niềm, đó là những giấc mộng riêng tư, tôi dù có gắng gượng đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là một người bình thường, vẫn có nhu cầu hạnh phúc. Tôi lập gia đình bên Mỹ, cưới và ổn định cuộc sống xong hết, tôi mới đưa vợ về lại Việt Nam. Và điều bất hạnh, tủi nhục nhất cuộc đời đã đến. Tôi bị cấm diễn 6 tháng. Tất cả những gì gây dựng trước đó đều mất sạch. Không có nhiều người tin tôi, ai cũng chỉ trỏ, bêu rếu tôi này nọ. Nhiều người hả hê khi thấy tôi bị cấm diễn, phần vì họ ghét tôi trước đó, phần vì chẳng ai muốn dính líu tới một người đang có hình ảnh cực xấu như tôi”.

“Cấm diễn 6 tháng, khoảng thời gian này tôi chỉ thèm được giải thoát. Sân khấu đã không thể tới mà đến cả trường học, tôi cũng bị cấm luôn. Cái tội tôi bị ghép vào lớn lắm, cảm giác như tôi đi đâu cũng có người theo canh chừng. Nhục nhã, xấu hổ với gia đình, tôi rơi vào đáy sâu tăm tối. Mỗi lần mở TV ra thấy học trò, đồng nghiệp mình đang diễn là tôi lại khóc. Hệ luỵ của việc cấm diễn này nó khủng khiếp đến mức nhiều năm sau tôi vẫn còn ê chề. Không một ai muốn mời tôi đi diễn, họ sợ bị dòm ngó và liên luỵ. Nhưng mà, vẫn có những người thương yêu tôi thật lòng, đó là anh Hữu Châu và Hồng Vân . Tôi không quên được những ngày Hồng Vân chật vật chạy đi khắp nơi cho tôi được đi diễn lại. Quen nhau từ thưở thiếu thời, đến khi lập gia đình rồi có được ngày nay, ơn của Vân với tôi nói sao cho hết”.

Mỗi một người nghệ sĩ đều có những nỗi niềm riêng. Ở trên đỉnh cao danh vọng không có nghĩa là họ đang hạnh phúc. Chìm dưới đáy vực sâu cũng chẳng có nghĩ là họ đã bị lãng quên. Với Minh Nhí, điều này hoàn toàn đúng đắn. Trở lại sân khấu sau thời gian dài bị đóng băng, anh có phần khiêm nhường và chín chắn hơn. Đi qua những thất bại, người ta mới thấu hiểu giá trị của tình thân. Và Minh Nhí của hiện tại, chấp nhận việc hào quang đã bị đánh mất, anh cho rằng bản thân hài lòng với vị trí đang có, không phải là người nổi tiếng nhất, nhưng lại là người an nhiên đúng nghĩa.

 

“Thú thật, nhìn bạn bè đồng trang lứa, và cả những học trò của mình nhận danh hiệu NSƯT, NSND, nói không buồn không tủi thân là nói xạo. Tôi buồn chứ, nhưng biết làm sao được. Bởi mình đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ, chắc là mọi người thấy mình chưa đủ phục thiện nên vẫn chưa đặt để một danh hiệu nào. Cả đời tôi chỉ biết có nghệ thuật, không sống dưới ánh đèn thì cũng là đứng trên bục giảng. Tôi cũng từng ao ước những điều mình làm sẽ có thể sửa sai, có thể rửa sạch nỗi buồn năm xưa”.

Thay đổi tông giọng với nét mặt vui tươi hơn, Minh Nhí giòn tan kể về những dự định hiện tại. Anh say sưa khoe rằng đã đào tạo được cả trăm nghệ sĩ, từ Thu Trang, Việt Hương cho đến Tiết Cương, Hạnh Thuý, Cao Minh Đạt… đều là những học trò do anh cất công dạy dỗ. Trong sự nghiệp làm ông giáo của mình, Minh Nhí đón nhận hàng tá niềm vui, nỗi buồn. Và những câu chuyện đó luôn song hành cùng nghệ thuật. Mỗi năm đến ngày 20/11, nhà Minh Nhí lại rộn rã tiếng cười, có lúc ngập hoa, có khi lại đầy quà của học trò gửi tặng. Song, không phải nghệ sĩ thành danh nào cũng nhớ đến ông giáo già. Có nhiều lúc Minh Nhí nặng lòng, tủi phận vì học trò quên ân sư nhanh quá: “Đó là những ngày nắng mưa tần tảo, mình không dám tự nhận công trạng gì, chỉ là xin được cái chữ tôn trọng. Vậy mà đi diễn tình cờ gặp nhau, học trò xưa cố ý phớt lờ, giống như sợ mình bám lấy sự nổi tiếng. Cái nghề diễn viên coi vậy chứ cũng bạc lắm. Không phải ai thoát khỏi cơ hàn cũng sẽ giữ lấy được lương tâm”.

 

“Tôi đã từng buồn phiền vì điều này nhiều lắm. Có lúc đặt tay lên trán suy nghĩ, mình đã làm gì để học trò làm lơ. Nhưng rồi tôi tự trấn an, thôi thì mỗi người một lựa chọn, mình cứ nghĩ hoài thì làm sao chuyên tâm cho công việc. Tôi bây giờ nhẹ nhàng trong nhiều thứ, chỉ là muốn chút bình yên để chăm chỉ làm việc và lo cho anh chị em trong gia đình. Mình không còn ba má, lại chẳng có vợ con gần bên, may có anh chị chăm sóc, đỡ đần, còn rau cháo sớm hôm khi mình bệnh. Không may mắn chỗ này thì mình tự đi tìm niềm vui nơi khác. Nặng nhẹ thiệt hơn với đời rồi đến khi về với cát bụi cũng chỉ là sự hằn học mà thôi”.

 

Cuộc trò chuyện với Minh Nhí khép lại khi trời chiều đã bắt đầu tắt nắng. Sân khấu phía xa rộn vang tiếng người cười nói và nô đùa. Không khí làm việc tấp nập khiến cho người nghệ sĩ già cũng không thể ngồi yên. Gửi đến chúng tôi lời chào, Minh Nhí giòn giã cười vang, anh bảo rằng nơi nào còn cần ông giáo này, thì nơi đó sẽ có anh. Bắt tay nhẹ nhàng rồi quay lưng trở lại trường quay, Minh Nhí cất bước vội vã như cái cách mà bao lâu nay anh vẫn vậy. Bóng dáng khuất dần xa, ánh đèn sân khấu được bật lên lóe mắt, Minh Nhí thoát cái đã đứng dưới ống kính máy quay để tiếp tục làm công việc của mình. Chàng hề tiếp tục bán niềm vui. Dẫu cho cái niềm vui đó được ẩn sau nhiều tủi hổ, nhưng khi đã chấp nhận nép mình dưới ánh hào quang, chàng hề vẫn không thoái thác, không chọn đường lui bất cứ phút giây nào…