Viện kiểm sát: Cần loại trừ bà Trương Mỹ Lan khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn

Sáng 19-3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo bước vào phần tranh luận. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đang phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa 19-3 - Ảnh: HỮU HẠNH 

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa 19-3 – Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về 3 tội danh: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bà Trương Mỹ Lan ngoan cố, phạm tội với thủ đoạn tinh vi

Theo Viện kiểm sát, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố.

Về việc xác định thiệt hại: bị cáo Trương Mỹ Lan đã lập hồ sơ vay khống, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, hoán đổi tài sản giá trị thấp để rút tài sản đảm bảo có giá trị lớn hơn ra khỏi SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt của SCB.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, hậu quả của hành vi phạm tội được xác định trên cơ sở dư nợ của các khoản vay trừ đi tổng giá trị tài sản bảo đảm được phân bổ cho các khoản vay đã được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá và được Ngân hàng SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro. Từ đó hậu quả vụ án được xác định là hơn 498.000 tỉ đồng.

Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-12-2017, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17-10-2022 còn dư nợ 132.000 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi.

Hành vi trên của bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64.600 tỉ đồng, đã phạm vào tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cần loại khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn đối với các bị cáo Trương Mỹ Lan, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Đinh Văn Thành

Từ ngày 9-2-2018 đến ngày 7-10-2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.000 tỉ đồng lãi phát sinh. Hành vi này của bị cáo Lan đã phạm vào tội tham ô tài sản.

Bị cáo Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng.

Tuy nhiên theo Viện kiểm sát, bị cáo Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ngoan cố, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải.

Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại số tiền đặc biệt. Từ đó đại diện Viện kiểm sát cho rằng cần loại trừ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo tại SCB như Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung được xác định có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, tự nguyện.

Tuy nhiên các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên, giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn nên cần hình phạt tương xứng.

Viện kiểm sát cho rằng cần có mức hình phạt nghiêm trị, cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội đối với các bị cáo Đinh Văn Thành (Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Bùi Anh Dũng (Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Tạ Chiêu Trung (nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB).

Hậu quả đặc biệt lớn

Theo đại diện Viện kiểm sát, trong thời gian qua các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng tội phạm kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có những đối tượng cấu kết, mua chuộc cán bộ Nhà nước để làm trái công vụ.

Việc đưa vụ án Trương Mỹ Lan và cùng các đối tượng ra xét xử công khai là để răn đe, phòng ngừa giáo dục chung, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, thể hiện tinh thần xử lý tội phạm “không có vùng cấm”.

“Những ngày xét xử qua đã thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan đã lợi dụng chính sách của Nhà nước, lợi dụng việc hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém để tìm cách thâu tóm, sở hữu hơn 91% cổ phần tại SCB qua chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB trong đó có hoạt động cho vay”, đại diện Viện kiểm sát trình bày.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 19-3 -Ảnh: HỮU HẠNH

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 19-3 -Ảnh: HỮU HẠNH

Tiếp đó, bị cáo Trương Mỹ Lan tuyển chọn, bố trí nhân sự để nắm quyền chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB; Thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bị cáo Trương Mỹ Lan;

Chỉ đạo thành lập, sử dụng các Công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ rút, nộp tiền để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB;

Câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các Công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB; Tạo lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB;

Thông đồng, câu kết với công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, đưa vào hồ sơ vay vốn; đưa tài sản đảm bảo không đủ pháp lý.

Không đăng ký giao dịch bảo đảm, rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn;

Lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân và Bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ các khoản cấp tín dụng trả chậm, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu.

Số tiền bị cáo Lan rút ra càng nhiều, gây hậu quả đặc biệt lớn với sự giúp sức của các bị cáo nguyên là lãnh đạo tại Ngân hàng SCB và nhóm bị cáo làm việc trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Ngoài ra, để che giấu thực trạng yếu kém của Ngân hàng SCB, để SCB tiếp tục được tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn số tiền 5,2 triệu USD; đưa tiền, quà, lợi ích vật chất cho nhóm bị cáo thanh tra.

Các bị cáo thanh tra đã vì vụ lợi đa chỉ đạo lập báo cáo không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa- Ảnh: HỮU HẠNH

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa- Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Trương Mỹ Lan là chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết.

Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, bà Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB trong đó có hoạt động cho vay.

Từ trước thời điểm hợp nhất, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng. Sau khi hợp nhất, bà Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên Cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên hơn 91%.

Bà Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của bà Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB, trả mức lương cao từ 200 – 500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của SCB, trong đó có hoạt động cho vay.

Bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.

Để rút được tiền từ Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá để rút tiền từ SCB.Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB phát hiện qua thanh tra, để SCB không bị đưa vào diện Kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong Đoàn thanh tra. Trên cơ sở đó, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong Đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.