Nợ đầm đìa vì xây nhà 1 tỷ đồng khi chỉ có 300 triệu: Nhà to nhưng bên trong rỗng tuếch

510

Dù mang tiếng nhà tiền tỉ nhưng bên trong chẳng có gì đáng giá vì bao nhiêu vốn liếng và tiền nợ đã mất vào việc xây nhà to.

Nợ 'đầm đìa' vì xây nhà 1 tỷ đồng khi chỉ có 300 triệu: Nhà to nhưng bên trong 'rỗng tuếch

Xây nhà là việc quan trọng, có câu “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Cả ba việc đấy thật là khó thay”. Tuy vậy việc xây nhà đang có rất nhiều bất cập. Chẳng hạn như chuyện rất nhiều gia đình nông thôn miền Bắc phải nợ nần khổ sở vì xây nhà quá to.

Đúng vậy, căn nhà anh tôi gần đó là một ví dụ. Nhà rất to và hoành tráng nhưng không đẹp. Trước khi xây tôi có góp ý anh chị nên thuê kiến trúc sư để thiết kế giúp nhưng ông anh không nghe.

Theo tôi thì ở nông thôn hay ở thành phố khi xây nhà cũng nên có bản vẽ. Thuê thiết kế có thể tốn kém ban đầu nhưng thực ra lại rất tiết kiệm. Bởi vì khi có thiết kế thì vì những thiết kế hợp lý nên trong quá trình xây dựng sẽ hạn chế chuyện sửa chữa, ngoài ra kiến trúc sư cũng sẽ tính toán vật liệu xây dựng một cách hợp lý.

Nhà ông anh tôi có thể vì không có bản vẽ nên xây dựng rất tốn kém nhưng lại không hề đẹp. Không có bản vẽ nên đập đi sửa lại lung tung, ai nói gì thấy hay hay là sửa, thành ra ngôi nhà tiền tỷ mà chắp vá linh tinh, rất xấu xí. Ông anh tôi có khoảng 300 triệu nhưng xây nhà hơn 1 tỷ, thảnh nợ nần đầm đìa. Nhà thì rõ hoành tráng nhưng bên trong chẳng có thứ gì đáng giá, thậm chí nợ đầm đìa. Khi kinh tế mình chưa mạnh thì không nên xây nhà quá to, nợ nần vất vả.

Chuyện này cũng giống như chuyện nhà anh chị hàng xóm nhà tôi. Vợ chồng anh làm nghề đục phá bê tông, đào đất, bốc mộ… toàn những công việc vất vả, nguy hiểm và độc hại. Làm bao nhiêu năm vất vả được bao nhiêu anh chị tập trung hết để xây được ngôi nhà nhưng vẫn còn chưa đủ. Anh chị vừa tổ chức lễ tân gia ngôi nhà rất to đẹp. Rồi đây anh chị sẽ lại đi làm để trả nợ cho ngôi nhà của mình. Không biết với những công việc như thế thì anh chị sẽ tận hưởng ngôi nhà to đẹp của mình trong bao lâu nữa.

Rồi chuyện bao nhiêu gia đình mà vợ chồng phải đi làm ăn xa, đi làm osin ở nước ngoài, gửi con cái ở nhà, sau nhiều năm vất vả về xây được mỗi căn nhà, có khi còn nợ.

Thế thì nhà to để làm gì? Sao không xây vừa đủ công năng sử dụng, nhà to mà có phòng không sử dụng đến, rất phí hoài lại còn mắc nợ.

Trong 20 lời khuyên quý giá của các giáo sư đại học Harvard có lời khuyên: Cố gắng đừng mắc nợ. Xây nhà hợp lý để vừa đỡ mắc nợ, vừa có tiền để đầu tư. Đặc biệt là đầu tư vào việc giáo dục cho con em mình. Hoặc là đi du lịch để tận hưởng cuộc sống.

Ngoài ra thay cho việc lợp tôn, lắp điều hòa chống nóng thì khi xây dựng nếu có thể chúng ta nên trồng cây để không khí mát mẻ. Lắp điện mặt trời để vừa chống được nóng vừa tự sản xuất ra điện sử dụng, không gây thêm áp lực thiếu điện nên lưới điện quốc gia.

Hơn nữa ở nông thôn đất đai rộng, mọi người có thể xem xét xây hoặc chôn bể biogas bằng composite thay cho bể phốt. Bể biogas giúp giảm đáng kể chất thải hữu cơ. Bên cạnh đó cũng cần có quy định mỗi gia đình cần xây hố ga trên đường dẫn nước thải ra môi trường. Nước thải gia đình cần phải chảy qua hố ga này để làm sạch trước khi thải ra môi trường, việc này sẽ giúp làm giảm ô nhiễm môi trường.