Có 3 tỷ vẫn “chịu khổ” mua nhà rộng 20 m2 ở trung tâm thành phố

127

Họ hàng tôi vừa bán được căn nhà “nhỏ” trong con hẻm quận 4 (TP HCM), sau đó mua lại căn chung cư cũ.

Nhiều bạn cho rằng một cách để giảm tình trạng sốt đất là giãn dân, bằng cách mua nhà đất ở những quận huyện vùng ven. Điều này là không khả thi vì đất vùng ven cũng đã tăng nhiều lần, thêm nữa là do tâm lý thích ở trung tâm đã ăn sâu vào nhiều người.

Họ hàng tôi vừa bán căn nhà nhỏ 20m2 ở con hẻm thuộc quận 4 (TP HCM) giá 3 tỷ đồng. Sau đó, người này mua chung cư cũ quận 7 giá 1,4 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra tại sao người có 3 tỷ dư sức mua đất vùng ven 100m2 lại mua nhà trung tâm 20m2 để ở?

Chính vì thuận tiện làm ăn hơn nên nhiều người vẫn bám trụ tại trung tâm. Sức hút ở trung tâm vì thế không bao giờ hạ nhiệt cho dù vùng ven có phát triển thế nào.

Những ai đã ở vùng lõi trung tâm thì thường không thích ra sống ở ngoại ô. Đây là tôi chỉ nói người có cuộc sống bình thường thôi. Vậy nên đừng hỏi tại sao ở các khu như Bùi Viện chẳng hạn, chung cư sắp sập mà họ còn chẳng chịu đi? Vì ở đây thuận tiện đủ thứ và buôn bán dễ dàng.

Chỉ những người nhà quá tệ, nợ nần hoặc đông con thì mới bán nhà ở trung tâm để chia của. Nếu mua căn nhà to ở vùng ven nhưng lại chẳng có việc làm ở gần đó, hằng ngày vẫn phải chịu kẹt xe hàng ngày vào trung tâm làm việc.

Nếu bạn là doanh nghiệp mà văn phòng đặt tại Hóc Môn thì ai tới? Tôi biết một văn phòng của một siêu thị lớn nhất nhì thành phố lúc trước đặt ở quận Bình Tân, về sau thấy bất tiện họ phải rời về Phú Nhuận mà giá thuê với giá cao gấp chỗ cũ nhưng họ vẫn chuyển.

Có thể nói, thành phố hơn quê ở chỗ công việc thượng vàng hạ cám đều có cho mọi người. Vì thế giá nhà thành phố phải cao ngất và luôn là mơ ước của nhiều người. Như vậy việc giá đất tăng liên quan tới phát triển là đúng quy luật.

Câu chuyện sốt đất là do “cò” mua đi bán lại nhiều lần gây nhiễu loạn chắc chắn cơ quan chức năng sẽ có biện pháp ngăn chặn để giá đất phải đúng với giá trị của nó.