Chồng ngoại tình, cách hành xử đầy nhân văn của vợ khiến chàng hồi tâm chuyển ý

399

Cả hai câu chuyện phía dưới đây đều hoàn toàn có thật, người viết chỉ ghi lại qua trí nhớ của mình, nhưng đọc lên cảm giác như truyện cổ tích. Nếu câu chuyện đầu tiên là “phi thường”, thì câu chuyện thứ hai phải là “siêu thường”.

Lẽ thường, khi biết tin bị chồng phản bội, phụ nữ sẽ cảm thấy tổn thương sâu sắc. Trong tâm trạng đó, họ có thể có phản ứng bộc phát như: Làm nháo lên, tìm “tình địch” để đánh ghen, đòi ly hôn, oán trách chồng, hoặc là yếu nhược lặng lẽ khóc trong đau khổ…

Nhiều người mang vết thương lòng rỉ máu, phụ nữ khó có thể vui vẻ bình hoà làm các việc như thường ngày, tâm trí của họ ngập tràn cảm giác cô đơn, giận dữ, đau thương, chỉ mong vấn đề được giải quyết càng nhanh càng tốt.

Tuy vậy, những cách xử lý nóng vội thường khó mang tới kết quả tốt đẹp. Ngay cả khi người chồng muốn giữ gìn gia đình và nghĩ cho con cái, quyết định chấm dứt với người phụ nữ kia, thì những tổn thương và xáo trộn gây ra vì cơn ghen cũng vĩnh viễn không thể xoá nhoà.

Dưới đây là câu chuyện có thực của 2 người phụ nữ nhưng cách hành xử của họ như trong truyện cổ tích:

‘Em đối xử với anh như vậy, anh không thể nào chịu được!’

Người phụ nữ tên Ngọc Lan khi biết tin chồng mình có mối quan hệ ngoài luồng, phản ứng của cô vô cùng kỳ lạ.

Những buổi tối, anh lấy cớ đi tiếp khách hàng về muộn, cô sinh nghi, sau khi gọi điện thoại hỏi thăm đồng nghiệp của chồng, cô biết rằng anh nói dối. Nhưng cô lẳng lặng không nói gì.

Đồng nghiệp hỏi han câu chuyện, chồng Ngọc Lan mới vỡ lẽ rằng thì ra vợ mình đã biết. Tối ấy, anh chờ đợi cơn thịnh nộ từ vợ, những giọt nước mắt chua xót và bữa cơm lạnh nhạt. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Thế nhưng anh ta chờ mãi không có điều gì xảy ra cả. Anh về tới nhà, thấy vợ ra đón, bàn ăn ấm cúng và cô vẫn săn sóc anh như mọi khi, chỉ có điều hình như trong mắt vợ có một nỗi buồn chất chứa. Anh ấp úng không nói nên lời. Nhưng cô không mảy may đề cập gì tới chuyện ấy cả.

Thà rằng em mắng anh, em đánh anh, anh còn thấy dễ chịu hơn! (Ảnh minh họa)

Thà rằng em mắng anh, em đánh anh, anh còn thấy dễ chịu hơn! (Ảnh minh họa)

Mấy ngày liền diễn ra như vậy, cho tới một ngày, vừa về đến nhà, anh đã lao tới nắm chặt tay cô và thốt lên:

“Em đối xử với anh như vậy, anh không thể nào chịu được! Thà rằng em mắng anh, em đánh anh, anh còn thấy dễ chịu hơn! Đằng này, em lại đối tốt với anh như vậy, khiến anh cảm thấy nếu mình còn có lỗi với em, thật anh không đáng làm người! Em à, anh xin lỗi! Anh quyết định cắt đứt với người con gái kia, mong em và con tha thứ cho anh…!”.

Lúc này, anh mới thấy giọt nước mắt lăn trên má cô. Cô đã nhẫn nại và bao dung anh, lặng lẽ dùng tình yêu thương ấm áp của một người vợ để đánh thức bản tính thiện lương trong anh, cuối cùng anh đã thức tỉnh.

‘Anh có chết cũng không đền hết tội!’

Nếu như người phụ nữ trong câu chuyện đầu tiên đã nhẫn nại trong nhiều ngày để tìm lại hạnh phúc, thì người phụ nữ trong câu chuyện là Diệu Liên đã nhẫn nại, bao dung và bền bỉ trong nhiều năm để hoá giải oán thù.

Có lẽ không phải ai cũng làm được như cô ấy, cô ấy là một người đặc biệt, nhưng vẫn xin kể ra câu chuyện của cô để quý vị thấy rằng cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều kỳ diệu.

Chồng của Ngọc Lan ngoại tình một cách vụng trộm, ít ra trong lòng anh còn có sự trân quý gia đình, nể mặt vợ. Chồng của Diệu Liên còn không được như thế. Anh ta công khai bồ bịch, thậm chí dẫn cả người phụ nữ kia về nhà sống.

Nghĩa là hai người họ trơ trẽn đi lại với nhau ngay trước mặt Diệu Liên. Giống như công khai tuyên bố: Cô là vợ cả, giờ tôi có vợ hai, cô phải chăm sóc cả hai chúng tôi.

Rơi vào nghịch cảnh này, đầu tiên Diệu Liên nhắc mình phải nhẫn nại. Cô tự nhủ bản thân: Mỗi một cảnh ngộ xảy ra đều có quan hệ nhân duyên, là nhân quả báo ứng, có lẽ kiếp trước cô từng đối xử tệ bạc với họ, kiếp này cô phải hoàn trả; nên cô cần nhẫn nại, thiện lương, dùng lòng chân thành của mình để cảm hoá họ.

Cô cần nhẫn nại, thiện lương, dùng lòng chân thành của mình để cảm hoá họ. (Ảnh minh họa)

Cô cần nhẫn nại, thiện lương, dùng lòng chân thành của mình để cảm hoá họ. (Ảnh minh họa)

Đáp lại, chồng cô và người phụ nữ kia có con với nhau, họ bỏ đứa trẻ ở nhà cho cô nuôi, còn họ dọn ra ngoài sống vui vẻ.

Một lần nữa, Diệu Liên lại nhắc mình nhẫn chịu. Cô coi đứa bé là sinh mệnh bé bỏng, đáng thương có tiền duyên với cô, cô đã không quản vất vả khó nhọc mà nuôi nấng bé như con đẻ của mình.

Ngày qua ngày, đứa bé lớn lên, hồn nhiên nghĩ rằng Diệu Liên chính là mẹ ruột. Tuy thiếu vắng sự săn sóc của cha, nhưng nhờ sự nuôi dưỡng tận tâm và thiện lành của mẹ, đứa bé lớn khôn mà không cảm thấy quá thiệt thòi.

Ông Trời có mắt, đến một ngày, người chồng phụ bạc và người phụ nữ vô trách nhiệm kia cùng đổ bệnh nặng. Họ phải nhập viện, tính mạng như ngọn đèn trước gió.

Lúc bấy giờ, Diệu Liên thấy rằng phải nói cho con sự thật, để con tới nhận cha mẹ đẻ, khuyên cậu làm việc của bổn phận làm con trước khi không còn kịp nữa.

Cậu bé thăm hỏi cha mẹ, kể lại những gì mẹ nuôi đã làm cho cậu, đã khuyên nhủ cậu. Nghe đến đó, bỗng người cha dùng hết sức bình sinh giật đứt dây truyền nước, ông lăn khỏi giường, quỳ mọp xuống đất khóc lớn, vái lạy Diệu Liên. “Anh không phải là người! Anh có chết cũng không đền hết tội! Tạ ơn em!…”