Một cách đi bộ giúp sống thọ thêm 10-15 năm, ai đi bộ thấy xuất hiện 3 dấu hiệu này dễ đoản thọ

914

Theo các bác sĩ, những bạn trẻ phải ngồi làm việc trên máy tính cả ngày, nếu dành ra 30 –  60 phút đi bộ sẽ ngừa được nhiều bệnh. Nhưng khi đi bộ thấy chóng mặt, đau đầu, đi loạng choạng… thì nên đi khám ngay.

Đi bộ ngày 30 – 60 phút giúp giảm cân, ngừa ung thư, tốt cho xương khớp

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, đi bộ là cách vận động đơn giản phù hợp cho mọi người, từ già tới trẻ, cả những ai mới ốm dậy. Việc đi bộ mỗi ngày 30-60 phút sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giúp ngủ ngon, tăng cường trí nhớ, lưu thông máu, hạ huyết áp, giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc ung thư, ngừa táo bón và tốt cho xương khớp…

Đối với những người muốn giảm cân, đi bộ 1 giờ/ngày tương đương quãng đường 5km sẽ đốt được năng lượng dư thừa. “Thực hiện đi bộ nhanh mỗi ngày cũng là cách giúp bạn giảm cân, nhưng bạn cần chú ý tới năng lượng nạp vào và tiêu thụ”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Đi bộ là bài tập dễ thực hiện. Ảnh minh họa.

Đi bộ là bài tập dễ thực hiện. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, đi bộ nhanh đạt vận tốc khoảng 4,8km/giờ sẽ giúp bạn sống thọ hơn 10-15 năm. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, người đi bộ 100 bước/phút có tuổi thọ cao hơn hẳn. Trung bình, nữ giới đi bộ nhanh khoảng 5km/h có thể sống thọ tới 87 tuổi còn người đi bộ chậm tuổi thọ trung bình chỉ 72 tuổi. Ở nam giới, những người đi bộ nhanh có tuổi thọ lên tới 86 tuổi, đi bộ chậm là 65 tuổi. Vì vậy, bác sĩ Hoàng cho rằng, khi đi bộ hằng ngày, bạn nên cố gắng đạt tốc độ nhanh để tăng hiệu quả, giúp kéo dài tuổi thọ.

Dù đi bộ tốt cho sức khỏe và có thể áp dụng với mọi người, nhưng trong quá trình thực hiện nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng sau thì nên đi khám bệnh ngay:

Dáng đi loạng choạng

Những người khỏe mạnh thường ngẩng cao đầu, chân sải bước về phía trước, di chuyển linh hoạt và nhanh nhẹn khi đi bộ. Tuy nhiên, nếu cơ thể có bệnh sẽ khiến việc di chuyển bị ảnh hưởng, dáng đi loạng chạng, đổ nhiều về phía trước.

Đây cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe não bộ, bệnh thần kinh trung ương hoặc chứng mất điều hòa tiểu não.Vì vậy, nếu xuất hiện trạng thái đi lảo đảo, không vững vàng thì bạn cũng nên đi kiểm tra để tìm hiểu rõ nguyên do.

Đi bộ mà thấy loạng choạng thì có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe não bộ và hệ thần kinh. Ảnh minh họa.

Đi bộ mà thấy loạng choạng thì có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe não bộ và hệ thần kinh. Ảnh minh họa.

Chóng mặt và đau đầu khi đi bộ

Cảm giác chóng mặt, đau đầu khi đi bộ có thể là do các bệnh lý nội sọ gây ra. Khi mạch máu não bị thu hẹp hoặc thậm chí có dấu hiệu đột quỵ sẽ dễ gây thiếu máu cục bộ và thiếu oxy nên bạn sẽ dễ bị chóng mặt và đau đầu.

Chóng mặt khi đi bộ có thể cho thấy bạn đang mắc nhiều bệnh khác nhau. Ảnh minh họa.

Chóng mặt khi đi bộ có thể cho thấy bạn đang mắc nhiều bệnh khác nhau. Ảnh minh họa.

Đau tức ngực, khó thở khi đi bộ

Nếu khi đi bộ bạn luôn cảm thấy tức ngực thì cần cảnh giác với những tổn thương ở tim, trong đó thường gặp nhất là những cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành tim dễ gây ra khi sinh hoạt. Người mắc bệnh này sẽ phải tiết chế hoạt động, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm.

Đau tức ngực là dấu hiệu cần chú ý khi đi bộ. Ảnh minh họa.

Đau tức ngực là dấu hiệu cần chú ý khi đi bộ. Ảnh minh họa.

Trường hợp khó thở khi di chuyển thì cần cảnh giác các bệnh về phổi, nhất là những người có tiền sử hút thuốc lá lâu năm. Bệnh về phổi thường gặp nhất là phổi tắc nghẽn mãn tính nếu người bị có thói quen hút thuốc lá lâu ngày làm tổn thương cấu trúc của phổi dẫn đến chức năng phổi bị suy giảm nghiêm trọng, từ đó, dẫn đến hiện tượng hụt hơi, khó thở khi vận động.