Nhà hàng mà gia đình tôi thường ăn tối cuối tuần nằm ở phía bên kia đường, tức theo chiều di chuyển, tôi sẽ phải quay đầu. Nhiều năm nay tôi vẫn lái xe như vậy. Nhưng cách đây vài tháng, chiếc xe cầu vượt hoàn thiện. Vài ngày đầu khi chưa chính thức thông xe (nhưng vẫn mở cho các phương tiện di chuyển), ở nơi tôi thường quay đầu, cũng là đoạn từ cầu vượt xuống, có biển cấm quay đầu cắm ngay dải phân cách giữa đường. Tôi hiểu rằng khi có cầu vượt, nếu các phương tiện dừng ở đây để quay đầu sẽ gây ùn tắc giao thông. Hợp lý. Tôi đi lên điểm phía trên để quay đầu.
Nhưng chuyện xảy ra vào tuần sau đó, khi cầu đã thông xe chính thức, tôi quay lại đây ăn tối, thì tấm biển báo cấm quay đầu đã không còn ở dải phân cách giữa đường nữa. Tôi hí hửng quay đầu thì bị chặn xe. Hóa ra vẫn có biển cấm, nhưng nó đã di chuyển sang lề đường bên phải, và một chiếc xe buýt to lớn đã chắn hết tầm nhìn của tôi.
Vậy đấy, từ chỗ rất hiệu quả, chiếc biển báo được di chuyển ra chỗ kém hiệu quả hơn rất nhiều. Mà không chỉ trong phố, trên đường cao tốc cũng vậy. Khi ô tô chạy ở làn sát dải phân cách ở tốc độ 120 km/h, ở phía bên kia đường xuất hiện biển báo 80 km/h, tài xế phanh dúi dụi.
Tại sao việc đơn giản là cắm biển ở ngay dải phân cách để các phương tiện, đặc biệt là người lái ôtô dễ quan sát mà chúng ta không làm? Mà nếu để cẩn thận hơn, ở những nơi đường rộng, ví dụ 3-4 làn trở lên, cắm cả hai bên là tốt nhất. Biển báo hiện nay cứ như những cái bẫy giao thông.
Một lần khác tôi đi với bạn, khi vào khu vực dân cư, ứng dụng bản đồ đọc thông báo giới hạn tốc độ 50 km/h, nhưng bạn tôi lái xe không hiểu vì sao. Lúc ấy tôi mới nói có biển báo khu dân cư thật, nhưng nó nằm ở lề đường và một lùm cây um tùm bọc bên ngoài. Ở các góc khác nhau, có thể không nhìn thấy.
Tôi lái xe ở nước ngoài, biển báo của họ thường đặt ngay ở giữa đường, rất dễ quan sát, không đánh đố cho những ai không quen đường. Việc dễ như vậy, sao ta không làm?