Mặc dù gừng là một phụ liệu nấu ăn phổ biến trong cuộc sống, nó cũng là một vị thuốc Đông y, cả lõi gừng và vỏ gừng đều có thể dùng làm thuốc, tuy nhiên dược tính của chúng khác nhau. Điều này quyết định câu hỏi về việc bạn có nên gọt vỏ gừng khi sử dụng hay không.
Lợi ích của gừng
Gừng có khả năng xua tan cảm lạnh, ví dụ như sau khi chúng ta đi mưa, hoặc sau khi bị cảm, uống một cốc nước gừng sẽ rất tốt cho cơ thể. Hoặc khi chúng ta say tàu xe, nôn mửa do lạnh bụng, ăn một ít gừng có thể giúp giảm nôn mửa.
Theo “Dược điển Trung Hoa”, gừng có vị chát, tính hơi ấm, công dụng chủ yếu là xua tan cảm lạnh, ôn trung cầm nôn, giải đờm, giảm ho, trị cảm mạo phong hàn, lạnh bụng nôn mửa, ho có đờm.
Lợi ích của vỏ gừng
Vỏ gừng có tính chất cay và mát, công dụng chủ yếu là khử nước và tiêu sưng, giúp giảm chứng tiểu tiện khó. Ngoài ra, vỏ gừng có tác dụng chống đổ mồ hôi.
Như vậy, gừng và vỏ gừng có tính chất hoàn toàn trái ngược nhau. Gừng có tính ấm trong khi vỏ gừng có tính lạnh. Khi sử dụng bạn cần chú ý, nếu dùng không đúng cách có thể gặp phải những vấn đề về sức khỏe.
Nếu cần toát mồ hôi như khi trúng gió, cảm mạo, nôn mửa… thì nên cạo bỏ vỏ trước khi sử dụng, hiệu quả sẽ tốt hơn. Nếu không loại bỏ vỏ gừng sẽ cản trở chức năng giải cảm cho cơ thể, không có lợi cho việc toát mồ hôi.
Nhưng nếu bạn muốn dùng nước để giảm sưng tấy như phù nề, tiểu ít thì lúc này nên dùng gừng cả vỏ thay vì thịt gừng vì tác dụng của gừng nguyên vỏ đối với vết sưng tấy mạnh hơn gừng đã gọt vỏ.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu dùng gừng để nấu ăn thì không cần thiết phải gọt vỏ, như vậy sẽ giữ được dược tính của gừng trong việc cân bằng giải nhiệt và thanh nhiệt. Đặc biệt khi nấu một số thức ăn có tính nóng như thịt chó, thịt bò, thịt cừu… nếu cạo vỏ gừng sẽ chỉ làm cho tính nóng tăng thêm. Còn khi nấu thức ăn lạnh như cua, mướp đắng, người tỳ vị hư hàn, dạ dày yếu thì nên bỏ vỏ gừng.