Những kiểu tranh chấp chỗ sạc xe điện của tài xế Việt – tìm cách rút cổng sạc của xe khác, hoặc đỗ chặn lối vào.

Để chiếm đoạt chỗ sạc, nhiều tài xế tìm cách rút cổng sạc của xe khác, hoặc đỗ chặn lối vào.

Sau 3 năm dùng ôtô điện, Hoàng Lâm (Hà Nội) luôn sạc xe khá suôn sẻ, nhưng vẫn có vài lần gặp những tình huống oái oăm. Hồi đầu năm, anh sạc ở một trụ công cộng, rồi ghé quán cafe. Khi pin đạt 90%, ứng dụng điện thoại thông báo sạc bị ngắt kết nối. Lâm kiểm tra thì dây sạc của mình đã bị rút, và thay vào đó là một xe khác.

Trên các mẫu xe điện, dây điện luôn được khóa cứng với trụ trong quá trình sạc, vì vậy sẽ không thể tùy tiện rút ra. Lâm tham khảo vấn đề này cùng một số người dùng kinh nghiệm hơn thì được biết trên trụ sạc luôn có nút “dừng khẩn cấp”. Khi vặn nút này, sạc sẽ ngắt kết nối, dây được mở khóa và rút ra dễ dàng.

Nút Reset trên một trụ sạc tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng

Nút Reset trên một trụ sạc tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng

“Họ dùng cách này để ngắt sớm sạc trên xe tôi, và gắn vào xe họ”, Lâm cho biết. Anh đã trình báo sự việc qua tổng đài chăm sóc khách hàng, nhằm đưa ra chế tài xử lý trường hợp trên.

Xe điện đang là phương tiện được khuyến khích trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Đã có hàng chục nghìn người Việt sử dụng loại xe này, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Hầu hết tài xế đi xe điện cho rằng, khi sử dụng xe điện, cần thay đổi thói quen so với xe xăng, đó là lựa chọn, tính toán thời gian và địa điểm sạc phù hợp, khoảng thời gian sạc vừa đủ nhu cầu để chia sẻ cho người khác. Thông thường pin đạt 80% nên rút, để đảm bảo tuổi thọ cho pin. Tuy nhiên, vẫn không ít tài xế vấp phải nhiều trường hợp “khôn lỏi” như Hoàng Lâm đã gặp.

Nếu xe của Lâm bị ngắt kết nối để “cướp chỗ sạc”, thì xe của Minh Tú (TP HCM) cũng bị ngắt kết nối với cách tương tự, nhưng là để “cướp dòng điện”. Trong một lần sạc xe, khi quay về bãi sạc, Tú thấy xe của mình bị rút dây, trong khi xe taxi bên cạnh vẫn cắm (một trụ sạc có hai cổng). Tài xế taxi nói do “đang rất vội”, nên rút sạc xe Tú, để tập trung điện cho taxi, vì khi hai xe cùng cắm sạc ở một trụ, dung lượng điện nạp vào pin sẽ giảm so với chỉ một xe.

“Tài xế xin tôi không báo với tổng đài, sau khi tôi nói toàn bộ hành động của anh ta đã bị ghi lại bởi camera hành trình xe tôi”, Tú kể lại.

Xe xăng đỗ vào những vị trí dành cho xe điện tại một chung cư ở Hà Nội. Ảnh: Lê Minh

Xe xăng đỗ vào những vị trí dành cho xe điện tại một chung cư ở Hà Nội. Ảnh: Lê Minh

Không chỉ để chiếm chỗ sạc hay chiếm dung lượng sạc, một số tài xế còn bị mất chỗ chỉ vì những người khác không chịu di chuyển xe dù đã sạc xong từ lâu. Quy định của các hãng hiện nay đều có chế tài về việc quá giờ, ví dụ VinFast phạt 1.000 đồng/phút nếu pin đã đầy mà tài xế không ngắt kết nối. Tuy nhiên, một số người dùng lách luật, ngắt kết nối, và tiếp tục đỗ tại chỗ. Ngoài ra, không ít lần những chủ xe xăng vẫn đỗ trong vị trí dành cho xe điện “không chút xấu hổ”, theo lời Minh Tú.

Tại Việt Nam, có khoảng hơn 150.000 cổng sạc chính hãng của hãng xe điện nội địa VinFast, có mặt tại 63 tỉnh thành toàn quốc. Số lượng trạm, trụ sạc của bên thứ ba ít hơn rất nhiều, chỉ khoảng dưới 100 điểm sạc, số liệu được đăng tải trên website, ứng dụng chính thức của của công ty. Trụ sạc VinFast độc quyền, các trụ sạc bên thứ ba mở cho mọi loại xe điện.

Những lưu ý khi sử dụng trạm sạc công cộng

Hoàng Lâm, Minh Tú hay nhiều tài xế xe điện khác đều cho rằng, việc sạc điện không chỉ cần các chế tài từ nhà cung cấp, mà bản thân người sử dụng ôtô cũng cần có ý thức tôn trọng lẫn nhau. Lâm cho rằng, ngay cả xe xăng, trong những lúc thiếu xăng hoặc giờ cao điểm, tài xế cũng phải xếp hàng đợi, trong khi với xe điện, trạm sạc đã khá nhiều, nhưng vẫn trong quá trình phát triển, chưa thể đáp ứng được tất cả nhu cầu cùng một lúc.

Khi dừng đỗ để sạc xe điện nơi công cộng, các tài xế nên xem trước về số lượng đầu sạc còn trống trên ứng dụng, nhằm tránh mất thời gian tìm ô sạc. Bên cạnh đó, trong quá trình sạc, cần nắm rõ khoảng thời gian sẽ đầy pin, được hiển thị trong ứng dụng điện thoại, nhằm đưa xe ra khỏi ô đỗ khi đã đầy. Cần để số điện thoại bên trong xe trong quá trình sạc, để người khác có thể liên hệ nếu có sự cố.

Một khu sạc xe điện (khoanh vàng) bị chắn lối vào bởi các phương tiện khác ở Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lâm

Một khu sạc xe điện (khoanh vàng) bị chắn lối vào bởi các phương tiện khác ở Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lâm

Khi sạc, không tự ý nhấn nút dừng khẩn cấp trên trụ sạc, trừ những trường hợp nguy hiểm, không thể kiểm soát như xe báo lỗi, hệ thống pin có vấn đề, có mùi lạ… Trường hợp có xe đỗ sai vị trí, chắn đường các phương tiện ra vào bãi sạc, hoặc chiếm dụng trái phép cổng sạc, chủ xe cần ghi hình bằng chứng, và thông báo với ban quản lý bãi sạc để xử lý.

Theo người dùng, với những điểm có số lượng trụ sạc lớn, nhà cung cấp nên bố trí nhân viên an ninh để hướng dẫn cũng như kiểm soát người vào sạc, và cũng cần có những quy định, chế tài mạnh tay hơn với người không tuân thủ.

Nếu trụ sạc chính hãng không còn chỗ, chủ xe có thể đưa xe đến các bên thứ ba, hoặc chọn giờ thấp điểm để sạc. Thông tin về trạm sạc, như số trụ, thời gian mở cửa có thể tìm thấy trên ứng dụng bản đồ Google Maps, hoặc trên website của nhà sản xuất.

Hồ Tân