Theo lời người đàn ông này, năm 20 tuổi, ông lên đường nhập ngũ chống quân xâm lược. Sau 20 năm chiến đấu, đến 1980 ông trở về quê nhà, nhưng lúc này mẹ ông đã mất, những di chứng của cuộc chiến tàn khốc đã khiến ông giống như người mất trí. Ông lúc nhớ lúc quên rồi đi lang thang hết nơi này đến nơi khác.
Mãi đến năm 1990, ông Học mới dần phục hồi trí nhớ và trở về mái nhà xưa của mẹ già để lại cho sinh sống nốt phần đời còn lại. Hàng ngày, cuộc sống của người đàn ông ngoài 70 tuổi chỉ quanh quẩn với việc nhặt ve chai để kiếm kế sinh nhai.
Sống một mình đơn độc trong căn nhà nhỏ rách nát, ông Học vẫn thầm ao ước về một mái ấm gia đình, dẫu biết rằng ước vọng đó quá xa xôi.
Thế rồi, thương người đàn ông một mình vất vả, người con gái gần 30 tuổi xinh đẹp cạnh nhà ông Học thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ.
Họ dần trở nên thân thiết và hiểu nhau hơn và rồi cả hai tiến đến hôn nhân vào năm 2010, cô dâu lúc đó mới 29 còn chú rể thì đã 72 tuổi. Nghe tin này, người thân, hàng xóm đều ra sức phản đối.
“Lúc đó, họ hàng hai bên phản đối, hàng xóm điều tiếng nhiều lắm, họ nói thẳng với vợ tôi rằng lấy cái thằng già đó về làm gì, có sinh con đẻ cái được gì không. Nhưng chúng tôi đều bỏ ngoài tai, quyết định làm đám cưới“, ông Học nói.
Sau niềm hạnh phúc ngắn là những khó khăn, vất vả ập đến
Cuộc sống vợ chồng với nhau trải qua đến nay đã gần 8 năm, hạnh phúc của đôi vợ chồng đũa lệch này càng viên mãn hơn khi chị Bích sinh hạ được cho ông ba đứa con (2 gái, 1 trai).
Nhưng rồi giờ đây, cuộc sống của gia đình nhỏ này đang gặp vô vàn khó khăn, vất vả. Ở thời điểm hiện tại, ông Học không còn được khỏe nữa, ốm đau liên miên nên không thể đi lượm ve chai như trước, cả gia đình 5 người sống nhờ số tiền trợ cấp 1,6 triệu đồng/tháng của ông.
Hàng tháng hai người con của ông đi nhà trẻ, phải đóng tiền học gần 1 triệu đồng, số tiền lương còn lại của ông chẳng là bao, vì thế những người con của ông chịu rất nhiều thiệt thòi.
Không có tiền, làm nhà, cả gia đình ông phải sống trong căn nhà tranh lụp xụp, nhếch nhác.
Thương tình, hàng xóm, người thân đã góp tiền xây cho ông một căn nhà cấp 4 bằng gạch để ở. Trong căn nhà nhỏ ấy, chẳng có một tài sản đáng giá nào ngoài chiếc ti vi cũ và hai chiếc xe đạp cà tàng. Hai bên nhà, đồ đạc để ngổn ngang, luộm thuộm, quần áo cũ vương vãi khắp nơi.
“Giờ phải cố gắng sống tiếp thôi, vì mấy đứa con…”
Tiếp chuyện chúng tôi, chị Bích thở dài, khuôn mặt hiện rõ nỗi buồn, nhìn chúng tôi chị chỉ bảo nhẹ nhàng: “Gia đình như thế nào thì các anh nhìn là biết rồi đấy“.
Sâu thẳm trái tim người phụ nữ này biết rõ chồng đã ở tuổi gần đất xa trời không thể giúp đỡ nhiều, mọi việc trong nhà giờ chỉ mình chị gánh vác từ chăm con tới mọi việc trong nhà. Điều này khiến chị Bích buồn bã, chán nản và thừa nhận nhiều lúc muốn buông xuôi.
Sớm mất bố, chị ở cùng với người mẹ tàn tật, tháng hưởng mức trợ cấp 300 ngàn đồng, bản thân chị cũng bị dị tật ở chân, từ nhỏ sống trong cảnh nghèo khổ.
Cuộc sống của chị giờ vẫn khó khăn như ngày trước, thế nhưng nỗi lo về tương lai của 3 người con sẽ như thế nào càng khiến chị thêm buồn.
“Tôi không muốn nói gì về chuyện cưới xin nữa, vì nói giờ cũng không giải quyết được điều gì, giờ cũng phải cố gắng lo cho các con thôi.
Cũng may thời gian qua, hàng xóm người ta thương tình, có giúp đỡ gia đình, rồi lễ Tết chính quyền địa phương hỗ trợ một ít gạo không thì không sống nổi.
Chẳng biết khi chồng qua đời, tôi có nuôi nổi ba đứa con khôn lớn thành người được không“, chị Bích nói.