Anh chồng phải mất chục năm mới biết tự đánh răng. Cứ nước vào mồm là anh nuốt, mặc kệ cho nước lã, kem đánh răng chui tọt hết vào bụng. Có khi đang đánh răng, anh lại rút phắt bàn chải từ miệng xuống đánh đôi giày dưới chân, xong lại nhanh tay nhét bàn chải trở lại miệng.
Có ai biết rằng, chỉ cách đây chục năm thôi, anh Nguyễn Văn Hạnh (SN 1979) vừa bị Down, vừa câm, vừa điếc, cả ngày chỉ “ngơ ngơ” không thể làm bất cứ việc gì. Còn chị Nguyễn Thị Thêm (SN 1983) dăm bảy năm trước cũng vừa bị Down, vừa bị câm, không thể cầm nổi cái chổi quét nhà.
Ấy vậy mà giờ đây họ đã nên vợ, nên chồng, đã là một gia đình tuy “không đầy đủ” nhưng vẫn yêu thương, hạnh phúc như bất cứ ai. Cuộc tình của họ cứ như một câu chuyện kỳ lạ chỉ có trong cổ tích.
Đôi vợ chồng trẻ trong căn buồng hạnh phúc
Số phận nghiệt ngã
Đón chúng tôi không phải là đôi vợ chồng trẻ mà là mẹ Thanh Hương – người đang chăm sóc 166 người con không được bình thường ở mái ấm Thiện Giao (Đồ Sơn, Hải Phòng). Mẹ cũng là bà mai của đôi vợ chồng mới cưới. Người mẹ đặc biệt vừa lặng lẽ lau nước mắt, vừa nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và cuộc hôn nhân “hiếm hoi” của đôi vợ chồng trẻ.
Anh Hạnh là con trai của một người đồng đội cũ của mẹ Hương bị nhiễm chất độc màu da cam. Sau khi anh Hạnh ra đời, phát hiện con vừa bị Down, vừa câm, vừa điếc, bố mẹ anh ngày đêm khóc lóc, sống trong vật vã và đau khổ.
Khi anh Hạnh được mười mấy tuổi, biết mẹ Hương có mái ấm Thiện Giao, luôn mở rộng vòng tay để đón nhận những đứa con tật nguyền, bố mẹ anh Hạnh đã gửi anh đến cho mẹ Hương nuôi dưỡng và chăm sóc. Đó cũng là cơ duyên để anh gặp, quen và nảy sinh tình cảm với chị Thêm.
Mẹ Hương kể, phải mất chục năm, anh Hạnh mới biết tự đánh răng. Cứ có nước vào mồm là anh nuốt. Có khi nước lã, kem đánh răng đều chui tọt vào bụng hết. Đường ruột của Hạnh kém, sau mỗi buổi đánh răng là bị đi ngoài.
Thương quá, mẹ Hương lại phải đun nước sôi để nguội cho anh dùng, nếu chẳng may có nuốt nước trong khi đánh răng thì cũng không bị nhiễm khuẩn. Rồi mẹ lại phải hướng dẫn cho anh cách nhổ nước ra ngoài.
Để động tác này thuần thục cũng phải mất đến 2 năm. Dần dà, mẹ Hương mua kem đánh răng của trẻ em về cho anh Hạnh sử dụng. Thế mà cũng có khi đang đánh răng, anh rút phắt bàn chải trong miệng ra, cúi xuống đánh đôi giày ở chân, chớp nhoáng lại nhanh tay nhét bàn chải trở lại miệng.
Khi gặp anh Hạnh, chị Thêm vừa tròn 22 tuổi. Từ một cô bé bị Down, tóc tai rối bù, toàn thân cóc cáy, bẩn thỉu, chị Thêm được đưa về gia đình Thiện Giao nuôi cách đó 6 năm. Mẹ Hương phải dùng hết ba gói dầu gội đầu mà đầu chị vẫn không có tí bọt.
Dù bị câm nhưng chị vẫn ê a ca hát, nhảy múa suốt ngày. Ngày mẹ Hương mới đón nhận, Thêm còn không biết tự đánh răng, thay quần áo. Thế mà sau 6 năm, chị đã biết tự làm mọi thứ, thậm chí còn biết giúp đỡ mẹ Hương và lấy được… chồng.
Dạy 4 năm mới biết cầm chổi quét nhà
Mẹ Hương bảo, khó nhất là dạy chị Thêm làm việc nhà. Để chị Thêm nhấc được cái chổi, mẹ phải động viên làm giỏi sẽ được vỗ tay, còn chưa chăm thì bị phê bình. Nhờ thế mà sau 4 năm, chị Thêm đã biết tự cầm chổi quét nhà. Đến giờ cả hai anh chị đều biết sàng mùn trồng nấm giúp mẹ Hương, riêng anh Hạnh còn biết cả khuân vác. Đối với những người bình thường thì đấy là chuyện hiển nhiên, nhưng với những người mắc bệnh Down như anh chị thì dường như đó là cả một kỳ tích.
Tình yêu và hạnh phúc lạ kỳ
Những người cùng cảnh ngộ thường tìm được tiếng nói chung và sự đồng cảm với nhau. Có thể với nhiều người, những người bị bệnh Down sẽ không có suy nghĩ bình thường và thứ được gọi là “tình yêu” dường như là một điều quá ư “xa xỉ”.
Nhưng với mẹ Hương và những người từng đến thăm, được chứng kiến tình cảm giữa chị Thêm và anh Hạnh thì sẽ nghĩ khác. Cuộc hôn nhân của anh chị không phải là sự chắp vá, gán ghép mà nó xuất phát từ “tình yêu không lời” và sự cảm thông sâu sắc.
Mẹ Hương nhớ lại, khi chị Thêm mới về gia đình Thiện Giao, mấy ngày đầu vẫn tỏ vẻ sợ hãi, lảng tránh tất cả mọi người. Người duy nhất có thể đến gần chị là anh Hạnh, đến mức mẹ Hương cũng không hiểu và lý giải nổi tại sao.
Chỉ biết mỗi anh Hạnh là có thể đút cơm và chơi được với chị. Dần dà, nhờ anh Hạnh mà chị Thêm bắt đầu mở lòng hơn, ca hát, nhảy múa, thậm chí “nhõng nhẽo” với mẹ Hương cả ngày. Đòi mẹ Hương thay quần áo, bắt mẹ Hương dạy đánh răng và học cả việc nhà. Đến khi cả chị Thêm và anh Hạnh đều biết tự làm vệ sinh cá nhân thì cũng là lúc mẹ Hương “tá hỏa” khi bắt gặp nửa đêm anh Hạnh mò sang giường chị Thêm ôm chị ngủ.
“Dù chúng nó đều có bệnh nhưng vẫn là con trai, con gái. Tôi vẫn phải chia làm hai phòng, con trai ngủ một nơi, con gái ngủ một nơi. Nếu mọi người nghĩ rằng những người bị Down không hiểu lý lẽ, không biết yêu thì không đúng. Người Down cũng biết yêu, cũng biết thương và cũng biết giận hờn. Bắt gặp thằng Hạnh chui sang giường cái Thêm ngủ tôi “sốc” lắm. Rồi từ sốc chuyển thành giận dữ, tôi la mắng cả hai đứa và chỉ dạy biết bao điều. Chúng nó đều không nói được nhưng tôi biết chúng nó hiểu. Chính vì hiểu nên thằng Hạnh giận tôi, cứ nhìn thấy tôi là lảng đi, còn cái Thêm thì cả ngày ủ rũ, không chịu làm gì”
Không trở thành gánh nặng
“Những đứa con bị Down, với người khác là “con bỏ đi”, nhưng tôi vẫn phải cố uốn nắn chúng. Dù không giúp được chúng thành người có ích thì ít ra cũng không trở thành gánh nặng của mọi người.”
Mẹ Thanh Hương tâm sự
Nuôi dưỡng, chăm sóc, gần gũi và thương yêu các con nên mẹ Hương hiểu những biểu hiện của anh Hạnh và chị Thêm. Từ hôm đó, đêm nào mẹ Hương cũng đi kiểm tra nhưng không bắt gặp anh Hạnh “lẻn” sang phòng chị Thêm lần nào nữa.
Mẹ Hương cảm thấy yên tâm dần. Song, thấy biểu hiện u buồn khác thường của hai con, mẹ nghĩ lại mọi chuyện và chợt nhận ra, hai đứa đã thương yêu nhau tự lúc nào.
Mẹ Hương gọi cả anh Hạnh và chị Thêm lại hỏi: “Hạnh đã yêu Thêm rồi phải không?”. Anh Hạnh gật đầu. “Thêm có yêu Hạnh không?”. Chị Thêm gật đầu. Mẹ lại hỏi: “Thế bây giờ cho hai đứa lấy nhau có tự chăm sóc nhau được không?”. Cả hai cùng gật đầu, và… đám cưới được tổ chức.
Đám cưới của họ có rất đông bạn bè, tình nguyện viên và các nhà hảo tâm đến dự.
Trước ngày đám cưới diễn ra, mẹ Hương phải tất bật đi làm mọi thủ tục. Đưa chị Thêm về nhà hỏi ý gia đình, rồi lại đưa anh Hạnh về nhà hỏi ý bố mẹ.
Được sự đồng ý của cả hai bên, mẹ Hương mới đứng ra cùng gia đình làm đám cưới. Không dừng lại ở đó, tuy bị bệnh Down nhưng sinh lý của anh chị vẫn bình thường, vẫn có thể sinh con.
Để tránh gánh nặng cho xã hội, mẹ Hương phải đưa chị Thêm đi triệt sản, rồi mới dám cho đôi trẻ về chung sống với nhau. Tháng 4.2011, gia đình Thiện Giao tưng bừng tổ chức hôn lễ cho anh Hạnh, chị Thêm với sự tham dự của hàng chục sinh viên tình nguyện TP.Hải Phòng và các nhà hảo tâm. Cũng đi chụp ảnh cưới, cũng mặc váy cô dâu, cũng có đón dâu và ăn uống linh đình.
Mọi thứ đều diễn ra đúng nghi lễ và trình tự của một đám cưới thông thường. Điều đáng mừng hơn cả là anh Hạnh và chị Thêm đều ý thức được những gì đang diễn ra, hiểu và làm theo mọi thứ mà mẹ Hương chỉ bảo.
Từ ngày cưới nhau, anh Hạnh dường như chăm chỉ hơn, biết giúp mẹ Hương trồng nấm, làm việc vặt quanh nhà. Còn chị Thêm cũng biết chăm lo quét dọn, sàng mùn giúp mẹ. Đặc biệt, phòng của anh chị lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng.
Ánh mắt anh chị nhìn nhau lúc nào cũng dịu dàng, nồng ấm. Dường như đó là món quà đặc biệt mà ông trời đã ban tặng cho hai con người đã chịu sự thiệt thòi từ khi mới sinh ra.
Mẹ Thanh Hương nói trong ánh mắt tự hào: “Phải chứng kiến thì mới thấy, Hạnh và Thêm của bây giờ đã khác nhiều lắm, khác xa cái ngày mới về mái ấm Thiện Giao này. Nhìn hai đứa mà tôi cũng phải giật mình, cũng thấy có niềm tin vào tình yêu và cuộc sống.
Có lẽ tình yêu đã giúp Hạnh và Thêm càng ngày càng giống những con người bình thường hơn. Tình yêu đã giúp chúng vượt lên số phận để tìm được hạnh phúc của mình”.