Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lên tiếng trước thông tin bằng tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, không được lưu trong hồ sơ của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Theo công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989, không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6.6.1989 của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Chiều 14.8, trao đổi với Thanh Niên, thượng tọa Thích Thiện Thuận, Phó trưởng ban Trị sự, trưởng ban Hoằng pháp GHPG VN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đã nắm được thông tin từ văn bản số 4811 của Sở GD – ĐT TP.HCM về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của thượng tọa Thích Chân Quang.
Thượng tọa Thích Chân Quang hiện là trụ trì Thiền tôn Phật Quang, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thượng tọa Thích Chân Quang (giữa) trong lễ nhận bằng tiến sĩ của Trường ĐH Luật Hà Nội cấp. HLUTheo thượng tọa Thích Thiện Thuận, thượng tọa Thích Chân Quang không phải là một chức sắc Phật giáo, chỉ là một tu sĩ bình thường của một tu viện. Việc xác minh bằng cấp của thượng tọa Thích Chân Quang thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, không phải của GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục sẽ có trả lời chính thức về vấn đề này.
“Từ trước tới nay thượng tọa Thích Chân Quang chưa từng tham gia vào GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn quản lý thượng tọa Thích Chân Quang với tư cách hành chính, quản lý các tăng ni trong toàn tỉnh. Giáo hội tỉnh cũng đang họp để ra hình thức xử lý sắp tới về những việc gây ồn ào dư luận xã hội trong thời gian qua của một số tu sĩ trong tỉnh, trong đó có thượng tọa Thích Chân Quang”, thượng tọa Thích Thiện Thuận cho hay.
Thượng tọa Thích Chân Quang. ĐỘC LẬP
Cũng theo thượng tọa Thích Thiện Thuận, giáo hội tỉnh quản lý tăng ni nhằm đảm bảo tất cả các hoạt động đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trực tiếp là hiến chương của GHPGVN. Giáo hội tỉnh sẽ có phương thức để góp ý, xây dựng hoặc đưa ra hình thức khen thưởng, kỷ luật với từng cá nhân theo quy định của hiến chương.