Chim trời nếu biết nói chắc sẽ cầu xin con người đừng đua nhau phóng sinh

Nếu biết nói, chim trời chắc sẽ cầu xin con người đừng đua nhau phóng sinh nữa, vì nhiều đồng loại của chúng lẽ ra vẫn còn sống nếu không có “phong trào” này.

Trong mạng lưới bạn bè Facebook hôm nay, tôi chứng kiến chủ một quán nhậu giận dữ “bóc phốt” nhà cung cấp lật lọng khi đã nhận cọc 30% rồi nhưng vẫn hủy hợp đồng cung cấp chim, vì những người thu mua chim phóng sinh trả giá cao hơn. Nhà cung cấp hết lời xin lỗi, hứa sẽ đền bù sau vì thời gian này nhu cầu mua động vật phóng sinh quá lớn, anh phải thúc giục các đối tác là người bẫy chim để họ cố gắng tăng sản lượng: “Sắp rằm tháng 7 rồi, ưu tiên phóng sinh hơn là sát sinh mà chị“.

Câu nói đó của người bán chim hẳn không phải thật lòng, vì những người trong nghề luôn biết rõ nhất, nhu cầu phóng sinh với số lượng lớn chính là nguyên nhân khiến nhiều chú chim đang tung cánh tự do trên bầu trời hay bình an rỉa cánh dưới bóng cây bị cầm tù rồi mất mạng. Nhiều phóng sự, nhiều hình ảnh, clip cho thấy cảnh những chú chim không còn bay nổi sau nghi lễ phóng sinh ở chùa, có những con sau đó được phát hiện nằm lăn trên đất, kiến ăn lõm cả hốc mắt.

Để phóng sinh, nhiều người ra chợ mua cá, mua ốc…, những con vật vốn bị bắt để làm thực phẩm, rồi thả chúng. Nếu biết chăm sóc tốt và thả ra môi trường kịp thời, chọn nơi đủ điều kiện cho chúng tồn tại, những sinh linh này sẽ có cơ hội sống sót, việc phóng sinh thực sự có ý nghĩa. Nhưng không hiểu vì lý do gì, một số người có điều kiện kinh tế lại nhất định muốn dùng chim trời để làm nghi lễ phóng sinh, và số lượng phải lớn để đủ đổi lấy “điểm công đức” mà họ mong muốn. Và thế là những người chuyên bẫy chim lại vô cùng bận rộn.

Thế nhưng, đã đến lúc chim trời cũng chẳng còn nhiều mà bắt. Một người quen của tôi ở quê mọi khi vẫn làm công việc này cho biết, năm nay anh không dám nhận “đơn” vì: “Chịu thôi cậu ạ, chim trời bây giờ ít lắm rồi, chẳng bắt được mấy“.

Có rất lý do khiến chim trời sắp đi đến ngưỡng tận diệt, trong đó có cả nạn phóng sinh biến tướng theo hướng hình thức, thực dụng. Người ta mua chim phóng sinh với hy vọng đổi lấy phúc lộc, tiền tài cho mình, họ đếm số chim được thả trong nghi lễ như đếm một thứ tiền tệ để giao dịch với thánh thần chứ không quan tâm đến việc những sinh vật tội nghiệp ấy có sống nổi hay không, cũng chẳng áy náy vì bản thân là nguyên nhân đẩy chúng đến cái chết. Chúng chết vì bị thương sau dính bẫy, vì kiệt sức trong quá trình cầm tù, và không có tổ để nghỉ, không có thực phẩm để ăn sau khi được thả ra…

Sau lễ phóng sinh, nhiều người rời chùa với sự an tâm, thanh thản vì cho rằng mình đã làm một việc thiện, nhưng nếu có những con chim mất mạng vì bị bắt để phục vụ nghi lễ, cái họ gieo đâu phải là nhân lành nữa, nếu không muốn nói là ác nghiệp đã được tạo.
Chim sẻ chuẩn bị cho "mùa phóng sinh". (Ảnh: Tùng Lâm)Chim sẻ chuẩn bị cho “mùa phóng sinh”. (Ảnh: Tùng Lâm)

Loài chim chẳng thể lên tiếng để kêu cứu hay thanh minh, nên những người bán chim phóng sinh, để quảng cáo và tiếp thị, đã mặc sức gán cho chúng những ý nghĩa nghe có vẻ tốt lành, nhưng ý nghĩa càng hay ho, tốt đẹp bao nhiêu thì sự tồn tại của giống loài chúng càng bị đe dọa nặng nề bấy nhiêu. Nào là phóng sinh chim sẻ thì sẽ nhận lại được sự sung túc, giàu sang và an vui suốt cả năm; phóng sinh chim ri sẽ nhận về tài lộc, thịnh vượng, phóng sinh họa mi sẽ nhận được nhiều niềm vui…

Nếu loài chim biết nói, chắc hẳn chúng sẽ tự gán cho mình những ý nghĩa xui xẻo, hoặc cầu xin loài người đừng phóng sinh nữa. Nếu biết nói, chúng sẽ thống thiết kêu lên rằng, nhiều đồng loại của chúng lẽ ra vẫn còn sống nếu không bị người ta săn bắt, lùng sục để mua lấy phước báu cho con người. Phóng sinh, ý nghĩa ban đầu là cứu sinh linh khỏi cái chết bằng cách trả tự do cho chúng, nhưng sự thực phong trào phóng sinh ồ ạt theo kiểu thực dụng hiện nay là kiếp nạn khủng khiếp của loài chim, chính là đẩy chúng vào chỗ chết.

Nhìn những chiếc lồng chật hẹp bên trong là những con chim tuyệt vọng, sợ hãi đang bấu chân lên thanh sắt, kêu thảm thiết mong được thoát ra, hay những con mệt lả rũ xuống một góc không còn sức để kêu nữa, liệu những vị khách hàng đang chuẩn bị cho lễ phóng sinh có thức tỉnh? Liệu họ có tự đặt câu hỏi, sau nghi thức phóng sinh tại thành phố, những chú chim trời được thả ấy sẽ bay về đâu, tìm chỗ nào để trú ẩn, lấy gì để ăn, tránh đâu cho thoát khỏi cái chết khi xung quanh không hề có môi trường đủ điều kiện cho chúng sống?

Người xưa phóng sinh không hoành tráng mà làm việc đó một cách tự nhiên, không vụ lợi, chỉ đơn giản là hành động từ bi dựa trên đức hiếu sinh. Họ thấy một con thú, một con chim, con cá sắp bị giết hại thì bỏ tiền mua chúng để thả về môi trường sống tự nhiên. Chim được tự do bay lên trời rồi về tổ, cá xuôi theo dòng nước, thú quay lại rừng, tất cả đều an vui. Với hoàn cảnh ngày nay, việc phóng sinh nếu muốn thực hiện trọn vẹn, con người sẽ phải tốn nhiều công sức và tâm tư hơn để có thể thực sự cứu sống những con vật tội nghiệp, chứ không phải cứ làm lễ và tháo cũi sổ lồng cho chúng là xong việc, mặc kệ sống chết.

Lòng từ bi, thiện lành, xót thương chúng sinh thời nào cũng đáng trân quý, và phóng sinh là một biểu hiện của nó, với điều kiện được làm một cách không vụ lợi. Mà nếu vậy, mọi người sẽ làm tùy duyên bất cứ lúc nào gặp phải con vật cần cứu, không nhất thiết phải thực hiện ồ ạt “lấy được” trong tháng 7 Âm lịch. Đừng đem việc thiện ra thương mại hóa nữa kẻo làm nghiệp ác phát sinh.