Mẹ chồng “nhờ” con dâu Rằm tháng 7 xin nghỉ sớm để về làm cơm thắp hương, cô chỉ hỏi ngược thế này khiến bà thôi ngay ý định

Khi mẹ chồng vừa bảo nghỉ việc, ở nhà làm cơm nhân ngày Rằm tháng 7, tôi cảm thấy rất bực. Nhưng sau cùng thì tôi đã cố giữ bình tĩnh, hỏi ngược lại bà 1 điều khiến bà cũng cứng họng.

Nhà chồng tôi có 3 người con, 2 cô út đều đi lấy chồng cả. Một cô thì cách hơn 10km, cô còn lại thì hơn 2km nên ghé qua đều. Tôi là dâu trưởng, vì thế phải sống chung với bố mẹ chồng. Và mỗi dịp lễ Tết, thậm chí cuối tuần rảnh rỗi mẹ chồng tôi vẫn hay gọi các con gái về tụ họp.

Nói thật, chuyện ấy thì cũng bình thường thôi. Tôi là con gái đi lấy chồng còn muốn thường xuyên về nhà đẻ nữa là. Nhưng tôi bực nhất là các cô em chồng không hề biết điều. Còn mẹ chồng tôi tính tình cũng thoải mái và chiều con gái quá đà.

Mỗi khi nhà có việc gì thì hầu như chỉ mình tôi đứng ra lo liệu. Dù biết rằng tôi là dâu trưởng thì tôi cũng phải gánh vác, thế nhưng tới mức tôi lọ mọ nấu nướng còn 2 cô em chồng tìm cớ ngồi chơi, hoặc vào phòng nằm thì có ấm ức không?

Hai đứa em ấy thường hay tới gần bữa mới kéo nhau sang, tới nơi thì giở giọng nhà nhiều việc, rồi con quấy khóc này kia. Mẹ chồng tôi nghe xong thì chỉ thấy xót con. Và sau đó thì mấy mẹ con họ ngồi nói chuyện, vẫn cứ 1 mình tôi lo liệu vài mâm cơm mỗi lần tụ họp.

Nhưng thế nào đã hết, chuyện nấu nướng chúng nó tìm cách trốn tránh đã đành, tới việc rửa bát 2 cô em chồng cũng chẳng buồn động chân động tay. Lúc ăn, lúc chơi chẳng sao, cứ tới lúc phải làm là y như rằng kêu mệt, đau bụng, rồi thì có việc… Đáng trách nhất, chỉ cần tụi nó kêu ca chút xíu là mẹ chồng tôi đã lo sốt vó lên: “Ôi, mệt hả con? Thôi thôi, cứ để đó lát mẹ làm cho, vào nghỉ đi”; “Thôi có tí bát đũa thôi mà, để đó mẹ và chị dâu con lo”…

maxresdefault-1-3

(Ảnh minh họa)

Cuối cùng, khi tàn tiệc, tôi mệt bở hơi tai nhưng lại vẫn tiếp tục ngồi rửa dăm ba mâm bát. Ai nói dại thì nói chứ tôi phận là con dâu, sao tôi dám để mẹ chồng ngồi rửa cả chậu bát đũa được? Mỗi lần khi các con gái của bà về hết, thấy bà lom khom định rửa bát, tôi cáu kỉnh lắm nhưng vẫn phải rửa thay vì thương, vì cho phải đạo:

– Thôi mẹ để đấy con làm.

– Ừ thế con dọn đi nhé.

Cũng chính vì lẽ đó nên tôi rất không thích việc tụ tập ăn uống. Bởi suy cho cùng chỉ có tôi là mệt mỏi. Và sắp tới ngày Rằm tháng 7, tôi đang thở phào nhẹ nhõm vì rơi vào giữa tuần, hy vọng mẹ chồng sẽ không cơm nước gì linh đình. Không biết những nơi khác, vùng khác thì sao, nhưng riêng ở quê tôi, mọi người vẫn hay bảo nhau “Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng” nên tổ chức khá to. Thường thì con cháu sẽ về nhà ông bà, bố mẹ cùng quây quần làm vài mâm cơm thịnh soạn. Thế mà mới tối hôm trước, mẹ chồng gọi tôi lại và bảo:

– Con ơi, năm nay Rằm tháng 7 rơi vào giữa tuần, con xem có nghỉ được không ở nhà làm cơm với mẹ?

– Mẹ ơi, mẹ định làm to lắm ạ? Có những ai mà phải lịch kịch chuẩn bị cả ngày thế mẹ?

– Thì cũng chỉ vợ chồng, con cái 2 cô nó về. Thêm 4 bác nhà bên nữa thôi. Không con xin nghỉ buổi chiều là được.

– Thế thì cũng chỉ có 3 mâm cỗ thôi mà mẹ. Dạo này con bận lắm, công việc bộn bề, khó nghỉ mẹ ạ.

– Ừ 3 mâm thôi. Nhưng 5 rưỡi – 6 giờ con mới về, sợ lại không kịp. Chúng nó sang chưa có gì, mẹ cũng ngại.

Tôi tức quá, nhưng hít 1 hơi dài rồi mỉm cười, hỏi ngược lại mẹ chồng:

– Mẹ, các cô lúc nào chả coi đây là nhà. Từ đồ ăn trong tủ lạnh của cháu, quần áo của chị dâu trong tủ còn tự lấy thì ngại gì dăm ba chuyện vào bếp? Thế nên con thấy hôm Rằm ấy bọn con cứ đi làm bình thường, 5 rưỡi về, cả 3 chị em xúm vào 1 tí thì xong mâm cỗ ấy mà. Còn mẹ ở nhà có hộ chúng con được tí rau cỏ trước thì tốt mẹ ạ.

Mẹ chồng nghe tôi nói thì im re. Có lẽ bà cũng ngại thay con gái khi bị bóc mẽ thẳng thừng chuyện lấy đồ ăn, lấy quần áo của tôi. Rồi bà cũng bối rối, bảo:

– Ừ, thôi con đi làm đi. Mẹ bảo mấy đứa về sớm rồi nấu nướng cùng con.

Tôi bực mình đi thẳng lên nhà. Có lẽ sau vụ này tôi cũng phải chấn chỉnh lại mấy cô em chồng. Không thể nào để họ ngồi chơi xơi nước mãi trong khi chị dâu lọ mọ làm như vậy được!