Tại sao cây cối gãy đổ ngổn ngang sau bão Yagi, chỉ riêng cây cau là đứng vững?

682

Cau có thể tồn tại ở các quốc gia giáp Thái Bình Dương, từ kỷ Phấn trắng cho tới ngày nay, bởi tiến hóa đã trang bị cho loài cây này những đặc tính để đứng kiên cường trong gió bão.

Sau khi bão Yagi đổ bộ và quét qua các tỉnh phía bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội, bạn có thể thấy cây cối đổ ngổn ngang xung quanh khu phố nhà mình. Từ những xây siêu cổ thụ như đa và xà cừ cho đến các cây thân gỗ trẻ hơn như hoa ban, sưa, phượng và sấu, tất cả đều có thể bị gió bão quật đổ.

Thế nhưng, có một loại cây trên khắp thành phố đã tỏ ra kiên cường một cách kỳ lạ trong gió bão. Thân thì mảnh khảnh mong manh, tán xòe rộng lại còn cao lênh khênh tới gần 20 mét, những cái cây này có thể cao hơn cả một tòa nhà 4 tầng, thứ sẽ khiến chúng phải đón gió đầu trong nhiều trận bão.

Ấy vậy mà khi đối mặt với bão Yagi, chúng chỉ vặn vẹo hết bên này đến bên khác. Có những lúc tưởng chừng sẽ bị gió giật gãy làm đôi hoặc đổ rạp, nhưng không, loài cây ấy vẫn đứng lên vững vàng và thần kỳ sau cơn bão.

Nếu bạn không tin, hãy thử đi quanh khu phố mà xem, làm gì có cây cau nào bị đổ, đúng không?

Nhưng tại sao những “anh chàng gầy còm, xanh xao” này lại có sức chống trọi với gió lớn đến thế?

Hóa ra, câu trả lời đến từ nhiều yếu tố như khí động lực học, ứng suất mặt cắt… Thế nhưng, nếu không muốn đi sâu vào bản chất vật lý của một cây cau đứng trong gió bão, bạn chỉ cần hiểu đơn giản một điều: Tại cau không phải là cây thân gỗ.

Cau có danh pháp khoa học là Areca catechu, nó thuộc vào chi Areca, họ Arecaceae bao gồm một nhóm hơn 2.500 loài đã xuất hiện cách đây khoảng 100 triệu năm, kể từ thời kỳ Phấn trắng. Điều đó có nghĩa là tổ tiên của loài cau đã đứng đó và nhìn khủng long đi bộ trên mặt đất.

Tổ tiên của loài cau đã đứng đó và nhìn khủng long đi bộ trên mặt đất.

Về bản chất, cau có họ hàng gần với cỏ và lúa hơn cả cây thân gỗ. Cho nên như bạn có thể thấy, cỏ và lúa chỉ bị rạp chứ không bật gốc hoặc gãy đổ trong gió lớn, một cây cau cũng vậy.

Nếu chặt đôi thân của một cây cau, bạn sẽ không thấy chúng có các vòng gỗ như cây thân gỗ thông thường. Thay vào đó, thân của cau được cấu tạo từ một tập hợp các sợi mảnh, xốp và cứng, nhưng được bao bọc trong những lớp mô mềm dẻo nằm rải rác và có độ đàn hồi cao.

Vì không được làm từ gỗ cứng và to ra theo chiều ngang, ứng suất cắt qua thân của một cây cau khi gió giật sẽ không lớn, khiến cau ít có khả năng bị gãy. Thêm vào đó, các mô đàn hồi của cau đem đến sự dẻo dai cho nó. Dù thân cây có bị nghiêng ngả trong gió, nó cũng có thể khôi phục trở lại vị trí ban đầu.

Cau không phải cây thân gỗ, cấu trúc thân gồm các sợi đàn hồi của cau, cho phép nó giảm ứng suất cắt từ gió.

Và nếu bạn cần thêm một chút kiến thức về vật lý ở đây, thì bản thân cây cau cũng là một kỳ quan của khí động học. Vì thân cau cấu tạo từ các sợi, chúng chủ yếu sinh trưởng theo chiều dọc. Một cây cau có thể cao tới 20 mét và cao hơn một tòa nhà 4 tầng. Tuy nhiên, chúng không hề có cành.

Việc không có cành và thiếu các tán cây xòe to đem đến lợi thế cho cau khi đối mặt với gió bão. Lực cản gió trên tán cau thực ra rất thấp. Các tán lá của nó được cấu tạo từ những chiếc lá có một gân sống lớn, găm trên đó là những lá nhỏ và mảnh dài, dễ dàng cho gió xuyên qua.

Lá cau có thể bị xé rách tả tơi trong gió bão, nhưng bù lại, lực cản gió của nó sẽ giảm xuống khiến cây khó bị đổ. Và những chiếc lá bị xé rách sẽ sớm được thay thế khi lá non mọc ra sau cơn bão.

Lá cau có cấu tạo giúp nó giảm được lực tác động từ gió.

Nói về bộ rễ, cau cũng có lợi thế đứng vững bởi chúng có rất nhiều rễ nhỏ, mọc lan tỏa vào các tầng đất mặt. Những chùm rễ nhỏ này bám chặt vào đất và thường phình to ra thành phần gốc nặng hơn, giúp cân bằng được với chiều cao của thân cau và giữ chúng đứng vững ngay cả trong gió bão.

Đây cũng là đặc điểm của nhiều loài cây khác trong họ Arecaceae cùng với cau, chẳng hạn như dừa, cọ, cau cảnh và cau vua. Cho nên, bạn hiếm khi nhìn thấy cảnh tượng những loài cây này bị bật gốc.

Họa hoằn lắm thì cảnh tượng một cây cau bị bật gốc mới xuất hiện ở khu vực miền núi, khi toàn bộ mảng đất lớn dùng để trồng cây bị sạt lở.

Dừa, một loài cây có họ hàng với cau, thường được trồng ở khu vực ven biển.

Ở các khu vực ven biển, dừa thường được trồng như một loài cây chủ lực để đón bão và giữ đất. Cọ thì thường được trồng ở các khu vực trung du và miền núi nhiều hơn. Do đó, khi đi xung quanh thành phố sau bão Yaki, bạn thường sẽ chỉ bắt gặp sự kiên cường của loài cau.

Trong thành phố, cau thường được trồng để làm cảnh. Trong khi đó ở nông thôn, người ta thường trồng cau để hái quả và lấy hoa, thắp hương như một truyền thống của người Việt.

Cau gắn liền với tuổi thơ của nhiều người ở nông thôn, với những chiếc quạt làm bằng mo cau, chổi làm từ lá cau. Những người già thường ăn quả cau cùng với lá trầu không và vôi. Và ít người biết, hạt cau khi được giã ra còn có thể uống được như một phương thuốc tẩy giun.

Cau gắn liền với làng quê Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, cây cau còn mọc ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Campuchia, Thái Lan. Cau cũng có ở Đài Loan, miền nam Trung Quốc, Sri Lanka, Maldives và một số quần đảo ở Thái Bình Dương.

Những khu vực này nằm trong vùng ảnh hưởng thường xuyên của bão nhiệt đới. Điều này giải thích lý do tại sao cau có thể tồn tại từ kỷ Phấn trắng cho tới ngày nay, bởi tiến hóa đã trang bị cho loài cây này những đặc tính để đứng được kiên cường trong gió bão.

Nguồn : https://thanhnienviet.vn/tai-sao-cay-coi-gay-do-ngon-ngang-sau-bao-yagi-chi-rieng-cay-cau-la-dung-vung-209240809210158142.htm