Không phải 49 hay 53, đây mới là hai “năm tuổi” mà con người dễ ốm đau bệnh tật nhất, theo khoa học

718

Các nhà khoa học đã khảo sát qua 250 tỷ điểm dữ liệu để chỉ ra 2 sườn dốc của cuộc đời mỗi người. Đó là những năm nào?

Trong dân gian thường hay có câu “49 chưa qua, 53 đã tới” để nhắc nhở đó là hai năm tuổi mà con người có thể gặp nhiều vận hạn, đặc biệt là rủi ro về mặt sức khỏe, dễ ốm đau, bệnh tật.

Nguồn gốc của câu nói này xuất phát từ niềm tin vào hệ thống sao hạn của Lão giáo, một tín ngưỡng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, năm 49 tuổi là năm nam giới gặp sao Thái Bạch, nữ giới gặp sao Thái Âm. Năm 53 tuổi thì ngược lại, nam sao Thái Âm, nữ sao Thái Bạch.

Theo Lão giáo, đây là các sao xấu đối với sức khỏe trong hệ thống sao hạn. Khi xuất hiện liên tiếp nhau, chúng sẽ khiến con người dễ ốm đau, bệnh tật.

Trong dân gian thường hay có câu “49 chưa qua, 53 đã tới” để nhắc nhở đó là hai năm tuổi mà con người có thể gặp nhiều vận hạn. Nhưng điều đó có đúng không?

Tất nhiên, tín ngưỡng sao hạn của Lão giáo chỉ là một niềm tin tâm linh, không dựa trên bằng chứng khoa học.

Tuy nhiên, một số người cho rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và năm 49-53 dù gì cũng là độ tuổi đầu trung niên, chứng kiến nhiều thay đổi lớn về sinh lý bên trong cơ thể. Bởi vậy mà trong độ tuổi này, người ta sẽ thấy mình già đi nhanh nhất, dễ mắc bệnh nhất và sức khỏe trở nên sa sút nhất.

Một lần nữa, điều đó có thực sự đúng hay không? Nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Aging bây giờ sẽ cho bạn câu trả lời chính xác. Và đó là câu trả lời của các nhà khoa học, dựa trên dữ liệu thực nghiệm.

Có những “năm tuổi” khi nói đến sức khỏe

Trái với sao hạn của Lão giáo, Phật Giáo có một đúc kết khá phổ quát và chính xác về sinh học của cơ thể người, đó là quá trình “sinh, lão, bệnh, tử”. Cơ thể người là một thể vận động, liên tục biến đổi từ khi sinh ra và lớn lên. Sau đó, không ai có thể thoát khỏi quy luật của lão hóa, mắc bệnh, già đi rồi chết.

Tuy nhiên, tốc độ của lão hóa và bệnh tật có phải là những cột mốc hay đường thẳng tuyến tính theo tuổi tác hay không thì từ lâu, chính các nhà khoa đã nghi ngờ điều đó.

Một số nghiên cứu trước đây cho thấy nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến lão hóa, chẳng hạn như Alzheimer, Parkinson và bệnh tim mạch không tăng dần đều theo thời gian, mà đột ngột tăng sau một số giai đoạn nhất định trong cuộc đời.

Các nhà khoa học cùng đã tìm thấy bằng chứng về sự thay đổi phi tuyến tính trong sự phong phú của phân tử có thể liên quan đến quá trình lão hóa ở chuột và người. Các nghiên cứu về ruồi giấm, chuột nhắt và cá ngựa vằn cũng chỉ ra quá trình lão hóa không phải là một đồ thị tiến dần đầu. Có những độ tuổi xuất hiện trên đó như những bậc thang mà nhiều chỉ số của cơ thể sẽ sụp đổ cùng lúc.

Giáo sư Micchael Snyder, một nhà di truyền học đến từ Đại học Stanford cho biết có những “năm tuổi” thực sự khi nói đến sức khỏe.

Giáo sư Micchael Snyder, một nhà di truyền học đến từ Đại học Stanford cho biết: “Cơ thể chúng ta không chỉ thay đổi dần dần theo thời gian, có một số độ tuổi mà sự thay đổi của cơ thể xảy ra cực kỳ đột ngột và đáng kể”.

Vì vậy, nếu đột nhiên một ngày nào đó bạn thức dậy và cảm thấy hình như dạo này mình có vẻ già đi nhanh chóng, sức khỏe không còn được như trước nữa, thì đó có thể không phải là tưởng tượng.

Theo nghiên cứu của giáo sư Snyder, có hai độ tuổi mà ở đó, hầu hết mọi người phải đối mặt với sườn dốc thực sự của cuộc đời. Vậy đó là những độ tuổi nào?

250 tỷ điểm dữ liệu chỉ ra 2 sườn dốc của cuộc đời mỗi người

Để có thể tìm ra những năm tuổi thực sự của đời người, giáo sư Snyder đã tiến hành thu thập dữ liệu từ 108 người trong độ tuổi từ 25 đến 75. Những người này đồng ý tham gia vào một chương trình theo dõi sức khỏe kéo dài, yêu cầu họ phải xét nghiệm máu và cung cấp các mẫu sinh học từ cơ thể họ trung bình 2 lần trong một tháng.

Sử dụng các mẫu sinh học này, giáo sư Snyder có thể tiến hành phân tích để tạo ra được một bộ cơ sở dữ liệu gồm hơn 135,000 phân tử và chỉ số trên cơ thể mỗi tình nguyện viên, bao gồm RNA, protein, chất chuyển hóa, hệ vi sinh vật đường ruột…

Theo thời gian, bộ dữ liệu tạo ra gần 250 tỷ điểm riêng biệt, cho phép giáo sư Snyder sử dụng để đánh giá quá trình lão hóa xảy ra trên cơ thể họ. Kết quả cho thấy đa số các tình nguyện viên phải trải qua 2 sườn dốc của cuộc đời vào năm 44 tuổi và 60 tuổi.

 

250 tỷ điểm dữ liệu chỉ ra 2 sườn dốc của cuộc đời mỗi người.

Khoảng 81% các phân tử được đánh giá trong nghiên cứu có sự biến động không tuyến tính về số lượng, nghĩa là chúng thay đổi đột ngột hơn ở hai độ tuổi này. “Hóa ra, giữa những năm 40 tuổi là thời kỳ có sự thay đổi mạnh mẽ nhất, cũng giống như đầu những năm 60 tuổi. Và điều đó đúng bất kể bạn xem xét loại phân tử nào”, giáo sư Snyder nói.

Sườn dốc năm 44 tuổi cho thấy nhiều thay đổi trong các phân tử liên quan đến quá trình chuyển hóa chất béo, lipid, caffeine và rượu. Các chỉ số liên quan đến bệnh tim mạch và rối loạn chức năng ở da và cơ cũng biến động mạnh trong khoảng thời gian này.

Trong khi đó, sườn dốc 60 tuổi chứng kiến quá trình chuyển hóa carbohydrate, caffeine bị thay đổi. Các chức năng về da và cơ, điều hòa miễn dịch và chức năng thận cũng suy giảm ở tuổi 60, cùng với đó là các chỉ số tim mạch sụt giảm.

Ban đầu, giáo sư Snyder nghi ngờ những thay đổi ở độ tuổi 44 liên quan đến dữ liệu của phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Nếu quá nhiều phụ nữ tham gia vào nghiên cứu ở độ tuổi này có thể làm lệch bộ dữ liệu.

Tuy nhiên, khi nhìn sang nhóm nam giới cũng vào độ tuổi giữa 40, các nhà khoa học nhận thấy hóa ra nam giới cũng chứng kiến một sườn dốc của cuộc đời họ trong giai đoạn đó.

“Điều này cho thấy một thực tế, trong khi thời kỳ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh có thể góp phần vào những thay đổi được quan sát thấy ở phụ nữ độ tuổi giữa 40, có khả năng còn có những yếu tố khác quan trọng hơn ảnh hưởng đến những thay đổi ở cả nam giới và phụ nữ trong tuổi này. Và chúng ta nên ưu tiên tìm hiểu các yếu tố này trong các nghiên cứu được thực hiện trong tương lai”, tiến sĩ Xiaotao Shen, một nhà nghiên cứu sinh học chuyển hóa đến từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Đa số mọi người sẽ trải qua 2 sườn dốc của cuộc đời vào năm 44 tuổi và 60 tuổi chứ không phải 49 và 53.

Bởi đây là một nghiên cứu quan sát, nghĩa là các nhà khoa học chỉ nhìn vào dữ liệu để suy đoán ra kết quả, họ không thể nói chính xác nguyên nhân tại sao các chỉ số về sức khỏe lại thay đổi đột ngột ở tuổi 44 và 60.

Tuy nhiên, bất kể nguyên nhân có là gì, sự tồn tại của các sườn dốc sức khỏe này cho thấy tất cả mọi người nên chú ý đến cơ thể mình, đặc biệt là ở giai đoạn giữa tứ tuần và ngoài 60.

Các nhà khoa học gợi ý bạn có thể nên tăng cường tập thể dục để bảo vệ tim hoặc duy trì khối lượng cơ ở cả hai độ tuổi. Mọi người cũng nên bắt đầu giảm tiêu thụ rượu và caffeine ở độ tuổi 40, khi khả năng chuyển hóa các chất này của cơ thể chậm lại.

“Tôi tin rằng chúng ta nên cố gắng điều chỉnh lối sống của mình một khi vẫn còn khỏe mạnh”, giáo sư Snyder nói. Đừng để đến khi bị mắc bệnh rồi mới hối hận.

Nguồn : https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/khong-phai-49-hay-53-ay-moi-la-hai-nam-tuoi-ma-con-nguoi-de-om-au-benh-tat-nhat-theo-khoa-hoc-a457200.html