MV mới nhất của Đan Trường bỗng trở thành tâm điểm bàn tán trên khắp các nền tảng mạng xã hội với lý do không ngờ.
Ngày 10/07/2024, Thời báo VHNT đưa tin “Đan Trường ra mắt MV nhưng lượng dislike gấp 3 lần lượt like, lý do vì sao?”. Nội dung chính như sau:
Mới đây, ca sĩ Đan Trường phát hành ca khúc mới mang tên “Em ơi ví dầu”. Theo đó, MV của bài hát nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả vì sử dụng công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) để tạo ra một nhân vật ảo giống hệt Đan Trường với các chuyển động chân thực như con người. Thế nhưng, sau khi ra mắt, MV này đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, cư dân mạng cho rằng hình ảnh trong MV khá giả tạo, nhiều cảnh chỉ là hình ảnh tĩnh với chuyển động khuôn mặt và môi do AI tạo ra hát theo lời bài hát. Dù có thể nhép miệng theo lời bài hát, Đan Trường phiên bản AI đơ cứng, thiếu tự nhiên. Các hình ảnh này thậm chí còn có phần đáng sợ và ghê rợn theo một góc độ nào đó…Nhiều khán giả lớn tuổi không hiểu rõ về AI còn nhận xét Đan Trường trông lạ, nhìn vào là sợ.
Ngoài ra, do dựng bằng AI, hình ảnh trong MV bị nhận xét trông như phim hoạt hình, nhiều cảnh tĩnh ghép lại không mượt. Ở một số khung cảnh, nhân vật được tạo bằng AI có tạo hình lạ. Nhiều đặc trưng văn hóa, địa hình xen kẽ, nhồi nhét trong MV khiến người xem thắc mắc đây có phải là sản phẩm viết về miền Tây Nam Bộ hay không. “Nhìn cây lá với kiểu nhà có chân cao bên dưới giống ở Thái Lan hơn là Việt Nam”, “Lời bài hát có lũy tre, ầu ơ ví dầu, vòng xi-men… nhưng đưa ruộng bậc thang vào là hơi khó hiểu rồi”, người xem nhận xét.
Hiện tại, MV nhận về nhiều ý kiến tiêu cực cùng với lượng dislike khá cao. Nhiều người nhận xét rằng hình ảnh AI của Đan Trường trông không tự nhiên và có phần kinh dị. Một số khác mong muốn được thấy Đan Trường thật xuất hiện trong MV thay vì một nhân vật ảo với gương mặt cứng nhắc và biểu cảm vô hồn. Điều này phần nào cho thấy, khán giả vẫn thích xem Đan Trường thật hơn là Đan Trường ảo.
Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào các sản phẩm âm nhạc không phải là điều tiêu cực, nhưng cần được thực hiện một cách hợp lý. AI có thể được sử dụng để tạo ra những bối cảnh hoặc nhân vật đặc biệt, tuy nhiên, không nên coi đó là phương pháp thay thế sự hiện diện của Đan Trường trong các sản phẩm âm nhạc.
Về khía cạnh tích cực, Đan Trường đã chứng minh khả năng nắm bắt xu hướng công nghệ một cách nhanh chóng. Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Không chỉ trong các ngành công nghiệp nặng, AI còn có những bước tiến vượt bậc trong các lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, điều này vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Trước đó ngày 09/07/2024, Người lao động đưa tin “Vì sao MV Đan Trường gặp ý kiến tiêu cực?”. Nội dung cụ thể như sau:
MV mới ra mắt của ca sĩ Đan Trường “Em ơi ví dầu” gây tranh cãi với luồng dư luận trái chiều.
Cụ thể, khán giả trung thành của ca sĩ Đan Trường không thích hình ảnh của anh trong MV mới này. Bởi lẽ, nhân vật trong MV là nhân vật AI (trí tuệ nhân tạo) chứ không phải Đan Trường thật. Đa số các bình luận cho rằng hình ảnh AI của Đan Trường mang lại cảm giác không được tự nhiên và có phần đáng sợ.
Một số người khác bày tỏ mong muốn được nhìn thấy Đan Trường thật xuất hiện trong MV chứ không phải là một nhân vật ảo với gương mặt cứng đờ và biểu cảm vô hồn. Hiện tại, MV nhận về nhiều ý kiến tiêu cực cùng với lượng không thích (dislike) khá cao. Điều này phần nào cho thấy, khán giả vẫn thích xem Đan Trường thật hơn là Đan Trường ảo.
Đan Trường trong MV
Công nghệ AI được sử dụng
Tuy nhiên, khán giả Đan Trường lại không thích
Họ muốn thấy một Đan Trường thật
Hơn là hình ảnh AI
Trước phản ứng của khán giả, ông bầu Hoàng Tuấn (quản lý ca sĩ Đan Trường) khẳng định: “Chúng tôi muốn tạo nên những điều mới mẻ, là người tiên phong ứng dụng công nghệ AI cho sản phẩm của mình”.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận là người đầu tiên sử dụng AI làm MV nên cũng có những hạn chế nhất định.
Bởi trước đó, chưa có nghệ sĩ nào thực hiện cả một MV sử dụng công nghệ AI, nên việc “giải bài toán khó” là một thử thách mà ê-kíp đã cố gắng.
Trong quá trình tạo MV, các công cụ AI mới nhất hiện nay đều được đưa vào sử dụng. Trong đó đáng chú ý là 2 công cụ chính: Leonardo và Runway (Gen-2).
“Trường biết đây là một rủi ro rất lớn nhưng vẫn muốn thử. Tôi phải nỗ lực mang lại sự mới mẻ thay vì đóng khung bản thân trong sự nhàm chán, một màu. Và MV là cách Trường cho mọi người thấy một Đan Trường luôn miệt mài làm việc dù ở bất kỳ độ tuổi nào” – anh nói.
Theo Đan Trường, làm sao để khán giả nhận biết đây là hình ảnh được tạo bởi AI, nhưng vẫn phải giống chính xác với nhân vật thật là một bài toán khó. Thách thức thứ nhì là dùng AI tạo chuyển động, các công cụ AI hiện tại chỉ hỗ trợ tạo các đoạn video dài 4 giây trong mỗi lần tạo, điều này khiến việc kiểm soát chuyển động trở nên rất khó khăn. Có những hình ảnh rất đẹp nhưng khi chuyển thành chuyển động lại không đạt yêu cầu, buộc phía nam ca sĩ phải sử dụng hình ảnh khác.
Đến nay, Đan Trường vẫn là giọng ca được yêu thích sau nhiều thập kỷ ca hát. Không phải ngẫu nhiên mà Đan Trường được mệnh danh là ca sĩ chăm chỉ của showbiz Việt. Bởi trong quá trình hoạt động nghệ thuật, dù tất bật với công việc biểu diễn song giọng ca 7X luôn nỗ lực để trình làng sản phẩm âm nhạc mới, mang đến sự thỏa mãn về phần nghe lẫn phần nhìn.