Giáo sư cho biết sổ tiết kiệm này ông để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Ông tâm sự hiện tại đang sống một mình nên không chi tiêu nhiều.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ , sáng 10/9, GS.TS Lê Ngọc Thạch – giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ gửi “chút yêu thương” cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ.
Ông tâm sự với báo Tuổi Trẻ : “Tôi ngồi nhà xem tình hình mưa bão mấy ngày qua chịu không nổi. Thấy xót xa cho bà con ngoài đó quá. Ngay khi thấy báo Tuổi Trẻ phát động chương trình ủng hộ, tôi lập tức muốn hưởng ứng, không đắn đo gì hết”.
“Từ hồi xưa tới giờ tôi cũng theo dõi nhiều trận bão lớn nhưng chưa bao giờ thấy có trận nào gây tan hoang như cơn bão số 3” , ông Thạch nói với báo Tuổi Trẻ.
GS.TS Lê Ngọc Thạch cho biết sổ tiết kiệm này ông để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Ông tâm sự hiện tại đang sống một mình nên không chi tiêu nhiều.
Thấy đồng bào miền Bắc đang khổ sở vì bão lũ, ông không kiềm lòng được nên quyết định cầm sổ tiết kiệm của mình ủng hộ hết. Ông chỉ giữ lại phần tiền lãi để lo cho các chương trình thiện nguyện khác.
Ông Thạch nói sổ tiết kiệm của ông còn tám ngày nữa mới tới hạn rút lãi, nhưng sợ không kịp ủng hộ chương trình “Sẻ chia cùng người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 do báo Tuổi Trẻ phát động” nên ông mang đến ngay.
“Có thể 1 tỉ là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu”, ông Thạch xúc động nói với báo Tuổi Trẻ
Là một giảng viên, ông đặc biệt xót xa trước cảnh bão lũ khiến nhiều ngôi trường bị chìm trong biển nước. Ông hy vọng với sự ủng hộ của ông cũng như nhiều bạn đọc khác, đồng bào miền Bắc sẽ khắc phục được phần nào thiệt hại.
Nhận ủng hộ của GS.TS Lê Ngọc Thạch, đại diện báo Tuổi Trẻ cam kết sẽ sớm có phương án hỗ trợ đồng bào các tỉnh thành bị thiệt hại do bão lũ và sử dụng số tiền đóng góp thật hiệu quả.
Qua nhiều chương trình đồng hành, ông Thạch bày tỏ sự tin tưởng đối với các hoạt động mà báo Tuổi Trẻ làm “nhịp cầu”. “Đâu phải tự nhiên mà tôi đem cả tỉ đồng tới đây. Tôi đóng góp rất nhiều rồi, thấy Tuổi Trẻ luôn đưa tấm lòng của bạn đọc tới đúng nơi, giúp đỡ rất hiệu quả”, ông Thạch bày tỏ với báo Tuổi Trẻ.
GS.TS Lê Ngọc Thạch trao ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ cho đại diện báo Tuổi Trẻ – Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Ở tuổi 76, GS.TS Lê Ngọc Thạch vẫn đang là giảng viên thỉnh giảng của Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM). Không chỉ lần này mà ông đã đồng hành với báo Tuổi Trẻ trong nhiều chương trình ý nghĩa khác suốt nhiều năm qua.
Và cũng như mọi lần, ông vẫn tự mình chạy xe máy từ nhà riêng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ để trao gửi những yêu thương.
103 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ sau bão
Theo thông tin từ báo Dân Trí , thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 6h ngày 10/9, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc đã làm 103 người chết, mất tích (63 người chết, 40 người mất tích).
Cụ thể, tỉnh Cao Bằng có 17 người chết, 16 người mất tích; tỉnh Lào Cai 17 người chết, 12 người mất tích; tỉnh Quảng Ninh 8 người chết do bão, 1 người chết do lũ cuốn; TP Hải Phòng 2 người chết do bão; tỉnh Hải Dương 1 người chết do bão; Hà Nội 1 người chết do bão; Hòa Bình 4 người chết do sạt lở đất, Yên Bái 7 người chết, 2 người mất tích do sạt lở đất… tỉnh Phú Thọ 8 người mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu.
Nước ngập sâu tại Thái Nguyên – Ảnh: Báo Dân Trí
Bão, lũ còn làm 752 người bị thương, trong đó tỉnh Quảng Ninh 536 người; Hải Phòng 81 người; Hải Dương 5 người; Hà Nội 10 người; Bắc Giang 5 người; Bắc Ninh 52 người; Lạng Sơn 10 người; Lào Cai 14 người; Yên Bái 10 người; Cao Bằng 12 người; Phú Thọ 5 người,…
Ngoài ra, bão lũ còn làm 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh và 148.632ha lúa, 25.649ha hoa màu, 11.038ha cây ăn quả bị thiệt hại; 1.577 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 1.107 gia súc, 678.945 gia cầm bị chết.