Bỏ lỡ 6 cuộc gọi, cô gái Lào Cai vừa sạc được điện thoại thì nhận tin bố đã mất: Nghe điện thoại của con đi bố ơi!

Không còn từ nào diễn tả được hết nỗi đau mất mát quá lớn này.

“Không phải sự thật đúng không bố. Bố nghe điện thoại con đi bố ơi…”

Thời gian qua, dân tình chứng kiến những thông tin đau xé lòng của đồng bào ở các tỉnh thành phía Bắc. Không chỉ thiệt hại về nhà cửa và tài sản, mà sự ra đi của những người dân đã để lại những tổn thất nặng nề không thể nào quên được.

Không có gì đau xót bằng việc biết tin người thân đã qua đời trong cơn bão lũ. Mới đây, cô gái T.N. (23 tuổi, Lào Cai) đã chia sẻ những dòng tâm sự đau đớn khi biết tin bố đã qua đời lúc 2h sáng giữa cơn lũ.

Bỏ lỡ 6 cuộc gọi, cô gái Lào Cai vừa sạc được điện thoại thì nhận tin bố đã mất: Nghe điện thoại của con đi bố ơi!- Ảnh 1.

Cô gái chết lặng khi thấy họ hàng nhắn bố đã qua đời lúc 2h sáng (Ảnh: T.N).

T.N. thốt lên đau lòng: “Lũ lấy mất bố em đi rồi”. Cô gái cho biết lúc sáng sớm, cô nhận được tin nhắn của người họ hàng: “N. ơi, con gọi lại cho cô ngay. Con ơi, bố con bị sập ta luy lúc 2h sáng rồi. Qua đời rồi”, cùng rất nhiều cuộc gọi nhỡ từ điện thoại của người bố (họ hàng, người thân dùng máy người đã khuất gọi cho con gái báo tin).

Không còn từ ngữ nào đủ diễn tả được hết nỗi đau đớn ấy. T.N. đã liên tục nhắn tin đến bố, nhưng giờ người cha đã đi xa, không còn rep được tin nhắn con gái nữa: “Bố ơi. Không phải sự thật đúng không bố. Bố nghe điện thoại con đi bố. Bố ơi, con sai rồi. Con gái đã quá vô tâm, giờ con hối hận lắm. Bố ơi, nghe điện thoại của con đi bố, con phải làm sao đây”.

Những cuộc gọi và tin nhắn rơi vào vô vọng, khi người cha đã không còn nữa.

Bỏ lỡ 6 cuộc gọi, cô gái Lào Cai vừa sạc được điện thoại thì nhận tin bố đã mất: Nghe điện thoại của con đi bố ơi!- Ảnh 2.

Con gái liên tục nhắn tin cho bố, nhưng giờ bố đã đi xa rồi. (Ảnh: T.N)

Hiện tại, T.N đã về tổ chức đám tang cho bố mình. Cô chia sẻ hình ảnh gục đầu khóc trên quan tài của bố, cùng dòng tâm sự: “Lần gặp bố đầu tiên sau 11 năm bố mẹ ly hôn, khi đó con đưa cháu đến gặp bố. Đây là lần gặp thứ 2, cuộc gặp bất ngờ không nói trước, cũng là mãi mãi không bao giờ gặp lại. Lời ra đi không từ mà biệt hoá ra đau thế này”.

Không nỗi đau nào bằng nỗi đau chia ly với người thân mãi mãi

Sau thời gian ngắn đăng tải, dòng chia sẻ của T.N đã nhận được rất nhiều bình luận động viên của cộng đồng mạng.

Nỗi đau mất đi người thân, đặc biệt là cha ẹ, chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả được hết sự đau đớn ấy. Nhiều người đã gửi lời chia buồn đến gia đình T.N, mong cô cùng người thân có thể bình tĩnh và mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau mất mát lớn này.

Bỏ lỡ 6 cuộc gọi, cô gái Lào Cai vừa sạc được điện thoại thì nhận tin bố đã mất: Nghe điện thoại của con đi bố ơi!- Ảnh 3.

Không có nỗi đau nào lớn bằng chia ly người thân mãi mãi. (Tranh minh hoạ)

Một số bình luận nổi bật của cộng đồng mạng:

– “Bố mình mất cách đây 12 năm do đi làm công trình, cũng bị sập ta luy. Tự dưng đọc đến đoạn sập ta luy mà nước mắt chảy không ngừng. Mình sợ cảm giác đó, nhận cuộc gọi họ hàng thông báo cha mẹ ra đi đột ngột, không một lời từ biệt. Xin gửi cái ôm đến bạn và gia đình thật nhiều”.

– “Thương cậu và gia đình rất nhiều. Đọc tin nhắn thôi mà đau xót quá, mình đã khóc nãy giờ khi nghĩ về những người thân trong gia đình. Xin chia buồn cùng N.”.

– “Mình lướt xem thông tin về lũ lụt, nhìn những con số trên báo đài mà khóc không ngừng được. Vừa thoát ra được một lúc, nguôi nguôi hơn tí thì thấy tin nhắn của bạn. Quá đau xót, nước mắt lại trào ra tiếp. Xin chia buồn cùng N. và gia đình”.

– “Không nỗi đau nào bằng nỗi đau chia ly với người thân mãi mãi. Chia buồn cùng gia đình bạn, mạnh mẽ lên cậu nhé”.

– “Mấy hôm nay khu nhà ba mẹ mình cũng mất liên lạc, mình không gọi được mà còn nóng hết ruột, gọi đủ cho người này người kia, không dám buông điện thoại xuống. Đợi ròng rã mấy ngày mới thấy bố mẹ nhắn vẫn ổn, nhưng đừng gọi nữa kẻo hết pin. Thấy hoàn cảnh của bạn mà đau xót quá, gửi đến bạn và gia đình một cái ôm thật chặt”.

– “Nửa đêm đọc tin nhắn như này làm sao bình tĩnh được. Những người con làm ăn xa quê, thấy gia đình đang mắc kẹt trong cơn lũ. Mình phải xin về nhà ngay sau khi ngớt gió, chỉ sợ sẽ hối hận, không kịp về bên gia đình trong lúc người thân cần mình nhất”.