Từ sáng 9/9 đến nay, hàng chục người thân của các nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) vẫn túc trực ngày đêm bên bờ sông, chờ đợi, hy vọng một phép màu.
Đi dọc sông Hồng tìm kiếm người mất tích
Ngày 14/9, tại khu vực cầu Phong Châu (bắc qua sông Hồng) nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), lực lượng công an, quân đội tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích cũng như lên phương án trục vớt phần dầm cầu bị rơi xuống sông.
Bên dòng sông Hồng chảy xiết, nước đục ngầu, nhiều người thân của các nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu mòn mỏi chờ đợi từ sáng sớm đến tối mịt, với hy vọng mong manh phép màu sẽ xảy ra.
Ngay sau khi biết tin cầu Phong Châu sập vào sáng 9/9, bà Lương Thị Sáu (55 tuổi, trú xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đã vội chạy tới hiện trường.
Gần một tuần qua, bà Sáu cùng người thân đã đi dọc sông Hồng từ khu vực cầu Phong Châu về hạ lưu hơn 40km để tìm kiếm tung tích vợ chồng anh trai là Lương Xuân Thành (56 tuổi, trú xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy) và Nguyễn Thị Hường (48 tuổi, vợ ông Thành).
Ngồi cách chân cầu Phong Châu khoảng 300m, bà Sáu luôn hướng mắt về phía lực lượng chức năng đang tìm kiếm các nạn nhân tại phần dầm cầu bị sập.
“Có tin tức gì chưa chú, gia đình tôi mòn mỏi tìm kiếm dọc sông Hồng gần một tuần nay nhưng chưa thấy anh Thành, chị Hường đâu”, vừa nhìn thấy Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Phú Thọ, bà Sáu vội hỏi.
Nhận được câu trả lời: “Gia đình cứ yên tâm, chúng tôi đang tích cực tìm kiếm”, từ chiến sĩ cảnh sát, bà Sáu lại ngồi sụp xuống đất, hai tay ôm chặt đầu.
Sau ít phút trấn tĩnh, bà kể sáng 9/9, vợ chồng anh trai từ nhà đến xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) khám, chữa bệnh thoát vị đĩa đệm.
Đến 11h cùng ngày, khi biết tin về vụ sập cầu Phong Châu, gia đình nhiều lần tìm cách liên lạc với vợ chồng ông Thành nhưng không được.
Nghĩ có chuyện chẳng lành, người thân trong gia đình tỏa đi khắp nơi tìm kiếm, xác định khi cầu Phong Châu bị sập, vợ chồng ông Thành đi đến gần giữa cầu.
Ngày 14/9, các lực lượng chức năng tìm kiếm tung tích các nạn nhân mất tích (Ảnh: Nguyễn Hải).
“Từ camera hành trình, chúng tôi nhận ra vợ chồng anh Thành bị rơi xuống sông Hồng lúc cầu sập. Khi cầu sập anh Thành mặc áo trắng, cố bám vào thành cầu nhưng không được”, rưng rưng nước mắt, bà Sáu kể.
Những ngày qua, gia đình bà Sáu huy động hơn 40 người đi dọc sông Hồng để tìm kiếm. Đến nay đã tròn 6 ngày nhưng việc tìm kiếm vẫn vô vọng.
Với tâm niệm “còn hi vọng, còn tìm kiếm” gia đình bà Sáu đã nhờ thêm người thân, quen ở hạ lưu sông Hồng như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương,… nghe ngóng thêm thông tin.
“Hy vọng tìm thấy anh, chị là rất mong manh nhưng gia đình sẽ không bao giờ từ bỏ. Chỉ khi đưa được anh chị về chúng tôi mới yên lòng”, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ nhiều ngày, bà Sáu buồn bã nói.
Gần một tuần nay, quán nước của bà Thu – nằm cạnh cầu Phong Châu luôn có hàng chục người thân của các nạn nhân bị mất tích lui tới ngóng chờ tin tức.
Sáng sớm 14/9, nhiều người nhà của các nạn nhân đến chiếc bàn thờ “tạm” được đặt cạnh cầu để thay bình hoa, sắp xếp lại hoa quả và thắp hương cầu mong sớm tìm được người thân.
Có người mắc kẹt bên trong xe gặp nạn?
Từ sáng 9/9 đến nay, gia đình bà Dương Thị Hoa thay phiên nhau túc trực ở chân cầu Phong Châu để tìm kiếm, nghe ngóng thông tin về em trai là Dương Công Chiến (43 tuổi, trú xã Dân Quyền, huyện Tam Nông).
Bà Hoa kể, em trai làm nghề lái xe chở vật liệu xây dựng. Sáng 9/9, anh Chiến vừa điều khiển xe lên cầu Phong Châu bất ngờ cầu sập.
“Từ sáng qua, nước sông Hồng rút nhanh, lực lượng cứu hộ đã bắt đầu khảo sát, tìm kiếm nên gia đình rất mong ngóng sớm tìm thấy em để đưa về chôn cất”, bà Hoa nghẹn ngào nói.
Đại tá Nguyễn Đình Cương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn và công tác Phòng thủ dân sự tỉnh Phú Thọ, nhận định trong các phương tiện chìm dưới lòng sông có thể có người mắc kẹt bên trong.
Các đơn vị chức năng trong tỉnh đang huy động các phà có cần cẩu đủ khả năng trục vớt ô tô đang chìm dưới lòng sông.
Theo Đại tá Cương, quá trình trục vớt phương tiện dưới lòng sông chỉ diễn ra khi lưu tốc, dòng xoáy dòng chảy cho phép.