Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông sẽ mạnh lên thành bão số 4, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam vào chiều mai (19/9/2024). Cơn bão này tuy không mạnh, nhưng lượng mưa rất lớn, nguy cơ gây ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Tây Nguyên…
Chiều 18/9/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương từ Ninh Bình đến Bình Định để ứng phó bão số 4.
BÃO SẼ GÂY RA LƯỢNG MƯA LỚN
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết sáng 16/9, áp thấp nhiệt đới hình thành trên vùng biển phía Đông Philippin; sáng ngày 17/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển vào biển Đông với cường độ cấp 7, giật cấp 9. Đến 13 giờ chiều nay (18/9), cơn áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng khoảng 530km về phía Đông, tốc độ di chuyển chậm khoảng 15km/giờ. Qua theo dõi, tất cả các mô hình dự bảo của nước ta và quốc tế đều cho thấy, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội.
Dự báo đến 10 giờ ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị-Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110km về phía Đông Đông Nam. Đến chiều 19/9 bão đi vào đất liền Quảng Trị-Quảng Nam, sau đó suy yếu.
Từ 19 giờ ngày 17/9 đến 12 giờ ngày 18/9, Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to từ 50-150mm, riêng Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng mưa 150-250mm; một số trạm lớn hơn như: Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) 237mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 279mm, Suối Lương (Đà Nẵng) 254mm.
Dự báo từ chiều tối ngày 18/9 đến 19/9, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to từ 100 – 300mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa, Nghệ An từ 70-150mm, có nơi trên 250mm; Tây Nguyên từ 40-80mm, có nơi trên 150mm.
“Từ ngày 18-21/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-7m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Quảng Nam”.
TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia.
TS, Mai Văn Khiêm: “Dự báo từ chiều tối 18/9 đến 19/9, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to từ 100 – 300mm, có nơi trên 500mm”.
Về sản xuất nông nghiệp, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 80.024 ha, 22.152 lồng, bè, 684 chòi canh nuôi thuỷ sản.
Khu vực Bắc Trung Bộ đã thu hoạch xong 158.000ha lúa hè thu, diện tích lúa hè thu còn lại 12.000ha đang chuẩn bị thu hoạch; diện tích lúa mùa đã thu hoạch 25.000 ha, hiện diện tích chưa thu hoạch 113.000ha đang giai đoạn chín sáp – chín sữa, chuẩn bị thu hoạch.
Tại Khu vực Nam Trung Bộ, diện tích lúa hè thu đã thu hoạch 157.000 ha, diện tích lúa hè thu còn lại 19.000ha đang chuẩn bị thu hoạch; diện tích lúa mùa đã thu hoạch 39.000 ha, diện tích chưa thu hoạch 25.000ha đang giai đoạn chín sáp, chuẩn bị thu hoạch.
Lãnh đạo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, cho biết hiện ở Bắc Trung Bộ có 9 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn với lưu lượng từ 20-693m3/s trở lên; khu vực Nam Trung Bộ, các hồ vận hành bình thường, không điều tiết qua tràn.
Bắc Trung Bộ hiện có tổng số 2.323 hồ chứa, dung tích đạt 46-75% dung tích thiết kế; hiện có 145 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và 52 hồ chứa đang thi công.
Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ chứa, dung tích ở mức thấp đạt 30-57% dung tích thiết kết; hiện có 36 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và 19 hồ chứa đang thi công. Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 39 trọng điểm xung yếu cần phải quan tâm đề phòng.
HUY ĐỘNG TỐI ĐA CÁC LỰC LƯỢNG CHỐNG BÃO
Về tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 12 giờ trưa ngày 18/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 66.960 tàu/306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động chủ động di chuyển vòng tránh.
Hiện có 75 tàu/618 người hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (Nghệ An 10 tàu/40 người, Đà Nẵng 33 tàu/399 người; Quảng Nam 01 tàu/07 người; Quảng Ngãi 27 tàu/148 người; Phú Yên 04 tàu/24 người). Tỉnh Quảng Bình sẽ cấm biển từ 0 giờ ngày 19/9/2024.
Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn, cho biết Bộ Quốc phòng đã ban hành 2 công điện yêu cầu các cơ quan đơn vị trong toàn quân, đặc biệt Quân khu 3, 4, 5, 7 và các lực lượng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng và phương tiện để tham gia ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.
“Hơn 268 nghìn người, trong đó có hơn 56 nghìn bộ đội, cùng 211 nghìn dân quân tự vệ; hơn 4.000 phương tiện và 10 máy bay trực thăng sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và tiếp tế lương thực, thực phẩm khi có yêu cầu”, Đại tá Phạm Hải Châu thông tin.
Lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung tham gia họp trực tuyến.
Cũng theo đại diện Cục Cứu hộ – Cứu nạn, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 Yagi vừa qua, đề nghị các địa phương rà soát các khu vực dễ bị sạt lở. Bởi khi bão vào thì thiệt hại rất nhỏ nhưng hoàn lưu sau bão gây mưa, xảy ra sạt lở thì thiệt hại rất lớn.
“Cần phải có án thông báo, báo động đến từng hộ dân khi xảy ra các tình huống sạt lở. Cần có phương án báo động nhanh nhất để người dân kịp thời di chuyển đến nơi an toàn”.
Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Quốc Phòng.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu từ bài học của bão số 3, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 chỉ đạo các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Do đó, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện 97.
Trên biển, các tỉnh thành phải kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào bờ, khu tránh trú neo đậu an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu vận tải cỡ nhỏ, cỡ trung bình. Tập trung sơ tán dân, kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: “Quan ngại nhất hiện nay là ngập lụt, đặc biệt là ngập lụt đô thị”.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển, rà soát cụ thể, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ. Mặt khác, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng quan ngại nhất hiện nay là ngập lụt, đặc biệt là ngập lụt đô thị. Do đó, các địa phương bên cạnh sẵn sàng giải pháp ứng phó với ngập lụt, cần chủ động thu hoạch ngay diện tích lúa trên đồng.
Đối với miền núi, phải triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu các địa phương phải chủ động rà soát các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy điện, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành, có kế hoạch ứng phó ngay từ thời điểm hiện tại.
“Các địa phương phải tập trung các giải pháp chỉ đạo, huy động tối đa các lực lượng đảm bảo 4 tại chỗ, đặc biệt là công an, quân đội nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4″,Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.