Tin buồn về phần còn lại của cầu Phong Châu

Đây là nhận định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, trong quá điều tra nguyên nhân vụ sập cầu Phong Châu.

Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 27/9 đưa thông tin với tiêu đề: Phần còn lại của cầu Phong Châu có thể sập bất cứ lúc nào. Với nội dung như sau:

Ngày 27-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) Công an tỉnh Phú Thọ thông tin, đơn vị đang thụ lý, điều tra nguyên nhân vụ việc đổ trụ cầu T7 và 2 nhịp cầu N6, N7 của cầu Phong Châu thuộc Km18+300 Quốc lộ 32C nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành khảo sát phần cầu còn lại (phía nối với xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) nhận thấy, mặt cầu nhịp số 5 (N5) đã bị nghiêng ra ngoài phía lòng sông Hồng (có dấu hiệu trụ T6 bị sụt lún).

Theo đánh giá, các nhịp cầu số 4, 3, 2 có dấu hiệu bị vặn, nghiêng theo chiều dòng chảy của sông Hồng, các khe co giãn (nối giữa các nhịp cầu) bị dãn ra nhiều so với thiết kế ban đầu.

Công an tỉnh Phú Thọ nhận định, có khả năng phần còn lại của cầu Phong Châu sẽ bị sập bất cứ lúc nào.

Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh Phú Thọ cần thành lập tổ công tác đánh giá sự an toàn phần còn lại của cầu Phong Châu để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cơ quan công an cũng kiến nghị tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các ban, ngành liên quan áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ phần còn lại của cầu Phong Châu bị sụp đổ gây mất an toàn cho tính mạng, tài sản của quần chúng nhân dân; chỉ đạo thành lập tổ giám định xác định nguyên nhân đổ trụ cầu T7 và sập 2 nhịp cầu 6, 7 của cầu Phong Châu và phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Tiếp đến, báo Lao Động cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Phần còn lại của cầu Phong Châu có thể sập bất cứ lúc nào

Nội dung được báo đưa như sau:

Tỉnh Phú Thọ đề nghị xây dựng cầu mới thay cho Cầu Phong Châu cũ bị sập, kinh phí 865 tỉ đồng, do ngân sách trung ương hỗ trợ 100%.

Xây cầu Phong Châu, liệu sập cầu có phải chỉ do bão Yagi

Vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ xảy ra sáng 9.9. Ảnh: Tô Công

Cầu Phong Châu bị sập, đương nhiên phải xây mới để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân. Một chiếc cầu bắc qua sông hỗ trợ sinh hoạt, buôn bán, kinh doanh dịch vụ của hàng vạn người dân.

Nhiều ý kiến không ủng hộ sửa lại cầu cũ đã bị sập, mà xây mới hoàn toàn, bảo đảm các yếu tố hiện đại, mỹ thuật, chất lượng và an toàn.

Nhưng chuyện nào ra chuyện đó, xây cầu Phong Châu mới cứ triển khai, nhưng phải làm rõ nguyên nhân vụ sập cầu, để còn rút kinh nghiệm trong quản lý. Chưa kể, nếu có sai phạm, thì phải có cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm.

Ngay sau cầu Phong Châu sập, tỉnh Phú Thọ có báo cáo, là do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Do bão là rõ rồi, nhưng rất chung chung, nếu do bão thì tại sao nhiều chiếc cầu khác không sập.

Từ năm 2022, cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị, để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa và đi lại của nhân dân, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng hai cây cầu mới nhằm thay thế cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ. Kiến nghị này đã không được xem xét, hoặc không kịp thực hiện thì cầu sập.

Một thông tin quan trọng khác, đó là tình trạng khai thác cát lậu trên sông Hồng, khu vực cầu Phong Châu đã diễn ra lâu nay. Nạn khai thác cát gây ra xói mòn sâu, tác động xấu đến trụ cầu.

Báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh tình trạng cát tặc lộng hành thời gian dài trên sông Hồng. Các băng nhóm khai thác cát lậu ngang nhiên hoạt động, người dân rất bức xúc.

Trong bài “Yêu cầu dừng cùng lúc 35 mỏ cát trên sông tại Phú Thọ” đăng ngày 30.8.2024, Báo Lao Động nêu danh sách những đơn vị khai thác cát trên sông Hồng.

Vậy thì, nguyên nhân sập cầu liệu có phải chỉ do bão số 3 hay còn có những nguyên nhân khác. Thiên tai đủ sức làm sập cầu khi có sự “hỗ trợ” của nhân tai.

Phải làm rõ tình trạng khai thác cát lậu trên sông Hồng, đoạn sông ở khu vực cầu Phong Châu. Trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan nào, cá nhân nào.

Nạn khai thác cát lậu gây xói mòn, sạt lở phổ biến khắp cả nước. Nếu không chỉ đúng mặt, gọi đúng tên, xử lý đúng cá nhân, tổ chức, thì sẽ có thể có nguy cơ với các cây cầu khác sau vụ cây cầu Phong Châu bị sập.