Tôi năm nay mới 30t nhưng đã có 6 đời chồng, làm vợ chỉ vì 1 cân th;ịt lợn, cứ ở 2 tháng lại phải b;ỏ đi vì bố chồng, giờ đang yê;u anh thứ 7, định cưới nhau thì ngày về ra mắt bố chồng lại kéo vào phòng để…

Tôi năm nay mới 30t nhưng đã có 6 đời chồng, làm vợ chỉ vì 1 cân th;ịt lợn…

Cái bản Dao chỉ 55 gia đình nhưng có những phụ nữ nhiều lần lấy chồng mà bắt đầu chỉ 14, 15 tuổi và chồng là theo phong tục chứ không hẳn theo pháp luật…

Ngày 15/5/2021, báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Những phụ nữ 6, 7 lần lấy chồng ở Hin Đăm”. Nội dung cụ thể như sau:

Hồn nhiên như cây cỏ

Theo con đường rộng chỉ vừa đặt đủ bàn chân người chạy xuyên qua rừng thông rậm rạp, tôi tìm đến nhà của Hoàng Ủng Múi ở bản Hin Đăm (xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) – một cô gái sinh năm 1994 nhưng đã 6 lần lấy chồng. Đi vừa ướt lưng áo thì người dẫn dường chỉ cho tôi một mảnh bùa đan bằng tre, hình tựa cái cửa thu nhỏ, một cánh đã rời ra, cánh còn lại đen xì rêu mốc: “Chắc là để đề phòng con ma covid 19 vào bắt người hay con ma dịch tả Châu Phi vào bắt lợn!”.

Khuất sau khóm tre um tùm là một ngôi nhà trình tường bằng đấp, tường nứt toác, thấp lè tè, bên trong tối như hang con don, con dúi, từ đó vẳng ra tiếng ho khúng khoắng. Khi mắt đã quen với bóng tối tôi nhận ra đó là ông Hoàng Đức Long-bố của Múi, năm nay hơn 80 tuổi, bệnh tật nên suốt ngày ngồi ở góc nhà. Một lúc sau, Múi mới từ ngoài vườn vào tay vẫn cầm con dao phát nương.

Trong nhà, không xe máy hay ti vi, đồ đạc chẳng có gì ngoài hai chiếc giường ọp ẹp, cái hòm gỗ cũ kỹ và một bao tải đựng chừng 20 kg gạo. Mẹ của Múi bỏ đi đã lâu, bốn anh em thì một anh lang thang từ nhỏ chẳng biết sống hay chết, một anh lấy vợ ở xã khác, một chị lấy chồng ở tỉnh Yên Bái. Mỗi lần bỏ chồng hay bị chồng bỏ Múi đều trở về ở với người bố ốm yếu.

Nhà có mấy mảnh ruộng đều cho người khác cấy, có cỡ 300 cây thông cạo nhựa mỗi tháng được 1-2 triệu đồng, chỉ đủ đong gạo nên từ Tết tới giờ hai họ mới được ăn thịt hai lần. Lần đầu do Múi bị ốm, lần thứ hai do nhà hết mỡ nên lấy mỡ về rán để ăn dần.

Múi không biết chữ nhưng tiếng Kinh rất sõi vì đi ra ngoài nhiều: “Năm 14 tuổi, khi mình đi đến xã Đồng Thắng (cùng huyện) đốt than, có người thích, bảo: “Nhà anh nghèo, chẳng có gì đâu nhưng mấy hôm nữa bố mẹ sẽ lên hỏi em làm vợ, mua ít thịt để mời anh em đến ăn một bữa!”.

Thế là nó dẫn mình về. Bố mẹ nó hỏi: “Cháu về đây với thằng T.S để đi kiếm tiền hay vào chơi?”. Mình trả lời: “Cháu về đốt than, lấy tiền mua mỡ, mua gạo ăn thôi!”. Hôm sau, mẹ nó bảo mình đi bắt con gà thịt ăn, không biết vì sao, nhưng lúc thịt xong thấy có người lạ đến cúng. Chắc là báo ông cụ, bà cụ nó để mình về làm vợ.

Nhà có hai cái giường, bố mẹ nó ngủ một giường, mình với thằng T.S ngủ một giường. Ở được khoảng hai tháng, đến khi bố mẹ nó xem tuổi bảo không cưới được vì mình tuổi con chó, nó tuổi con gà, không hợp nhau, thế là bỏ.

Chồng thứ hai là thằng Q ở Còn Tằm còn xã nào mình không nhớ nhưng cùng huyện. Mình quen khi đến nhà cậu chơi, nó rủ sang, lúc định về thì trời mưa to quá không qua được suối nên mới ở lại để đi cấy, cạo nhựa thông giúp. Nó thịt một con lợn bảo anh em đến ăn, cúng rồi ở với nhau nửa năm. Khi có con ở trong bụng thì một hôm bố nó đi lấy củi lại đòi ngủ cùng, mình không chịu, thế là bỏ về.

Những đồ đạc trong nhà của bố con Múi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chồng thứ ba là thằng L ở xã Bắc Lãng (cùng huyện), chị Lan (cựu trưởng thôn) dẫn lên đây hỏi, lúc đó mình đang bụng to. Không biết thế nào, có khi nó thả bùa, mình thấy nó đẹp trai quá nên thích lấy. Sáng lên chơi, chiều nó về, bảo mẹ đến hỏi, bố mình bảo 17 triệu nhưng giảm cho 1 triệu để lấy chăn, lấy quần áo còn rượu không lấy, thịt không lấy (do trước đó Múi đã có con với người khác nên giảm giá, riêng chồng này có đăng ký kết hôn – PV).

Ngày cùng nhau đi làm cỏ nhưng tối nó cứ uống rượu, không cho mình nói mà toàn chửi, đánh và đuổi về. Hai con nó không cho mình một đứa nào mà để nuôi tất.

Chồng thứ tư tên Tr ở tỉnh Yên Bái, mình quen lúc lên nhà chị gái chơi rồi nó rủ về nhà, ngủ với nhau được một lần. Nó cứ đòi lấy mình nhưng do Covid không về đây để làm đám cưới được. Có lần nó gọi điện, mình kể là đang đi hát (vì không biết chữ nên Múi hát theo kiểu thuộc lời) cùng bạn dưới thị trấn nên nó ghen, bỏ đi lấy vợ rồi.

Chồng thứ năm tên là Th ở thôn Bình Chương mình không biết ở xã nào, đi phát nương thuê, rủ về ở trên lán nương 1 tháng rồi nó đòi lấy. Bố mình cũng đồng ý nhưng chồng thứ ba không cho ly hôn mà đòi phải góp 100 triệu lúc làm nhà, sắm đồ thì mới đồng ý. Nhà không được ở, đất rừng không được chia, con không được một đứa thì sao mình phải trả, mà mình lấy đâu ra tiền? Giờ thằng Th cũng không muốn lấy mình nữa.
Ngôi nhà trình tường mà bố con Múi đang ở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chồng thứ sáu gọi thế cũng được mà không cũng được. Nó tên là V ở xã Đồng Thắng, lúc mình đang ở nhà Th (chồng thứ năm), nó làm quen, rủ về nhà ở chung mấy ngày, ăn cùng nhau nhưng không ngủ cùng nhau. Lúc đầu nó bảo lấy nhưng sau lại không lấy mình nữa…”.

Chúng tôi đang ngồi nói chuyện thì có một cuộc gọi đến, Múi cười ngượng nghịu bảo: “Giờ mình đang có người yêu ở huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang. Quen nhau qua zalo được 20 ngày, gọi điện thoại vài lần, mấy hôm nữa thì nó lên đây để gặp mặt và cưới”. Rồi chị bắt máy, hỏi người yêu rằng: “Anh ơi, có nhà báo dưới Hà Nội đang hỏi chuyện em, thế anh họ gì, tên gì ấy nhỉ?”. Sau khi có tiếng trả lời, tôi lại nghe chàng trai kia hỏi vọng: “Thế còn em, họ gì, tên gì nhỉ?”.

Hôm nay sóng 4G khỏe chứ những khi kém, Múi phải chạy lên tận đỉnh đồi hay bắc thang lên cả mái nhà để “hứng”.

“Nhà mình không có gì ăn, người ta bảo là có nhiều đồi, nhiều ruộng, cứ xuống nhà anh không thiếu gạo ăn, không thiếu tiền tiêu nhưng chỉ lừa mình thôi”, lời của Múi.

“Người ta cứ bảo lấy mình thực sự”. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi không đi theo sau lưng nó mà biết rõ số chồng

Theo phong tục của người Dao, một phụ nữ được gọi là có chồng khi được cúng ma ở nhà chàng trai dù có thể chưa cưới. Đám cưới ngày xưa tốn rất nhiều thịt, lợn 5, 6, 7 con, gà 10 con, rượu 60-80 lít, gạo 60 – 80kg, đời bố mẹ tổ chức có khi đời con chưa trả hết nợ. Đó chỉ là chồng đầu, những chồng sau thì không cần rượu thịt gì cả mà chỉ cúng ma cho tổ tiên biết. Khi người phụ nữ đó chết không được những chồng trước cúng mà chỉ có chồng đang ở cùng cúng…Chị Lý Thị Lan – trưởng bản Him Đăm giai đoạn năm 2017 – 2020 bảo Hoàng Ủng Múi là em họ bên nhà chồng, có cho mình một đứa con làm cháu nuôi đặt tên là Vòng Kim Hình (6 tuổi) vì lúc đó con dâu chưa đẻ được trai: “Tôi hay trêu “Bà nhặt mày ở đồi thông về” nên gặp ai nó cũng bảo: “Bà nhặt tao ở đồi thông về”. Mẹ nó đã 6 lần lấy chồng, ngoài ra còn có thể có một số người nữa tôi không đi theo sau mà biết rõ dược…

Chị Lan đang bế đứa cháu nuôi và đùm bọc, thuê cả đứa con của chị Nải làm giúp việc nương rẫy. Ảnh: Dương Đình Tường.Triệu Thị Nải 7 lần lấy chồng là nhiều nhất bản nhưng giờ nó đã già rồi, không lấy thêm ai được còn Múi đang trẻ, không biết sẽ còn lấy thêm bao nhiêu lần chồng nữa”.

Nải năm nay khoảng 60 tuổi, gốc người ở xã Ái Quốc huyện Lộc Bình cùng tỉnh Lạng Sơn, do lấy anh họ của chồng nên chị Lan gọi là chị dâu: “Trước kia nó lấy bao nhiêu chồng tôi không rõ nhưng khi biết đến nay đã 7 lần. Anh họ của chồng tôi là Hoàng Sinh Thành đi làm thuê ở xã Ái Quốc gặp nó và lấy thì đã là chồng thứ tư. Anh ở rể luôn tại đó, có được hai người con, trong một lần đi uống rượu, say quá, lấy xe máy của một người nhưng không biết đi nên lao xuống ao chết”.
Ngôi nhà đất của mẹ con chị Nải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lo hai đứa con còn nhỏ của anh họ chồng sẽ bị bán nên chị Lan mới đón cả ba mẹ con về nuôi. Ở khoảng hơn 1 năm Nải còn muốn lấy luôn chồng chị Lan: “Nửa đêm đang ngủ, nó bảo anh Hếnh (chồng chị Lan) có con chuột kéo cái bẫy vào gầm giường của tao, mày bắt hộ đi. Nhưng thực ra không có con chuột nào cả mà nó chỉ giả vờ để cho anh đến ngủ cùng.

Về sau mẹ chồng tôi biết mới bảo: “Tao có con dâu rồi, không cho mày lấy con trai tao đâu”. Sợ nó lấy mất chồng nên tôi mới đuổi đi. Nó lên nhà bố chồng ở cùng mấy tháng, mẹ chồng cũng sợ con dâu lấy luôn chồng mình nên lại đuổi đi…”.

Hiện tại, nương không có, rừng không có, tóc đã bạc rồi mà chị Nải vẫn phải đi làm thuê xa nhà. Một đứa con chị đang đi làm thuê ở tận miền Trung còn thằng Hoàng Nho Phúc năm nay 19 tuổi thì làm thuê ngay tại nhà chị Lan, cơm nước chủ nuôi, làm buổi nào trả công theo buổi đó.

Dân tộc Dao nếu đẻ con gái thường đặt tên đứa đầu là Múi, đứa hai là Nảy, đứa ba là Pham, đứa tư là Phẩy; nếu đẻ con trai thì thằng đầu là A Tài, thằng hai là A Nhì, thằng ba là A Sam, thằng tư là A Xi. Bởi thế vào bản mà hỏi tên thì rất nhiều người trùng nên phải hỏi cả tuổi