Khi chúng tôi kết hôn, bố anh đã qua đời gần 10 năm. Mẹ anh là giáo viên trường làng, mức lương khiêm tốn nên chỉ cho chúng tôi 2 chỉ vàng làm vốn liếng.
Ngược lại, bố mẹ tôi làm ăn khá giả, nhà chỉ có mình tôi nên đã hỗ trợ hai vợ chồng rất nhiều trong cuộc sống. Nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ tôi, cuộc sống của vợ chồng tôi mới được như ngày hôm nay, bố giúp chúng tôi mua được căn nhà tập thể ở thành phố và có vốn để mở cửa hàng vật liệu xây dựng.
Chồng tôi lúc đó rất cảm kích và biết ơn bố mẹ vợ. Anh đối xử với bố mẹ tôi rất kính trọng và chu đáo. Mỗi lần được bố mẹ tôi giúp đỡ, anh đều về tận nhà để cảm ơn, mua quà và có lời lẽ ghi nhận tấm lòng của bố mẹ vợ. Chính anh cũng từng nói: Không có bố mẹ thì bọn con rất vất vả, vợ chồng con nhờ có sự giúp đỡ của bố mẹ mới có được ngày hôm nay!
Vậy nhưng, biến cố bất ngờ ập đến, bố mẹ tôi bị phá sản và nợ nần rất nhiều. Họ mất sạch tài sản, đến mức phải bán cả căn nhà đang ở để trả nợ. Sau đó, bố mẹ về quê, dựng nhà tạm trên mảnh đất của người chú đang sống ở nước ngoài.
Cú sốc tài chính khiến bố mẹ tôi suy sụp. Chỉ trong vòng 2 năm, cả 2 người đều lần lượt rời xa tôi.
Mất bố mẹ, tôi gần như gục ngã. Không chỉ là mất đi người đã từng nuôi nấng chăm sóc cả đời cho mình mà tôi còn mất đi chỗ dựa cả về tinh thần và kinh tế. Thời gian khi bố mẹ mới mất, tôi đã suy sụp tới mức tưởng như mình không thể gượng dậy nổi và tiếp tục cuộc hành trình dài của cuộc sống.
Vậy nhưng, nhìn vào 2 đứa con, tôi buộc phải vực dậy. Hai vợ chồng cùng nhau gắng sức làm ăn. May mắn thay, công việc kinh doanh sau đó thuận lợi và đem lại thành công cho chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu có của ăn của để, thậm chí, có thể gọi là khá giả. Tiền bạc không còn là vấn đề gì quá nghiêm trọng trong gia đình của tôi nữa!
Đầu năm nay, mẹ chồng tôi bị tai biến, chúng tôi quyết định bán căn nhà tập thể để mua đất, xây nhà rộng rãi hơn, đón bà về sống cùng.
Khi thiết kế ngôi nhà, tôi đã nhắc chồng bố trí không gian để thờ phụng bố mẹ vợ. Anh im lặng không đáp, tôi tưởng anh đã đồng ý và có sắp xếp của riêng mình rồi nên cũng không nhắc lại chuyện đó nữa.
Tuy nhiên, khi ngôi nhà sắp hoàn thiện, chồng tôi mới nói rõ quan điểm: Việc thờ bố mẹ vợ trong nhà là không thể, vì “từ xưa đến nay không ai làm thế”.
Khi tôi phản ứng, anh lớn tiếng: “Cô có thấy thông gia ở với nhau bao giờ không? Trần sao thì âm vậy”.
Tôi chưa bao giờ nghĩ chồng mình sẽ phản đối việc thờ cúng bố mẹ vợ, phải chăng tôi đã nhầm về con người thật của anh, ảnh: dSD
Anh đề xuất đưa bố mẹ tôi lên chùa để nương nhờ cửa Phật. Thấy tôi giận dữ, anh dùng cách trì hoãn, hứa sẽ hỏi thêm thầy cúng. Vài ngày sau, anh bảo tôi là sẽ lập một ban thờ nhỏ ở góc sân cho bố mẹ tôi.
Tôi không tin vào tai mình. Sau tất cả những gì bố mẹ đã làm cho hai vợ chồng, anh vẫn coi họ như người dưng, không để họ được bước chân vào nhà mình mặc dù họ đã không còn trên đời và tôi – vợ của anh lại là đứa con duy nhất có trách nhiệm thờ cúng bố mẹ!
Lúc đó, tôi không thể chịu đựng thêm. Vừa khóc, tôi vừa buông những lời cay đắng và tuyên bố sẽ ly hôn. Chồng tôi rất ngạc nhiên và yêu cầu tôi bình tĩnh lại, nói tôi nên hỏi thêm ý kiến mọi người để biết ai đúng, ai sai. Tôi bỏ đi và không muốn nghe thêm bất cứ điều gì từ anh nữa!
Ngay lúc này, tôi cảm thấy thất vọng quá mức về chồng mình. Tôi nhớ lại ngày đó, bố mẹ tôi đã mở rộng vòng tay chào đón anh, không phân biệt và luôn dành cho anh sự tôn trọng dù gia thế 2 bên có sự chênh lệch. Thế nhưng, sau khi bố mẹ tôi mất, chồng tôi lại tỏ ra thờ ơ, không muốn thờ cúng hay tưởng nhớ đến họ, điều này khiến tôi cảm thấy đau lòng vô cùng.
Tôi hiểu là theo truyền thống, con gái đi lấy chồng thường sẽ phải thích nghi với nếp sống và phong tục của gia đình nhà chồng, nơi việc thờ cúng bố mẹ chồng luôn được ưu tiên. Nhưng trong lòng tôi, khát vọng được thờ cúng bố mẹ đẻ vẫn luôn hiện hữu. Điều này đôi khi khiến tôi băn khoăn, không biết làm sao để hài hòa giữa việc làm tròn nghĩa vụ đối với nhà chồng mà vẫn giữ gìn được sự kết nối tâm linh với bố mẹ đẻ.
Giờ đây, tôi đứng trước quyết định khó khăn. Liệu sự khác biệt trong quan điểm thờ cúng và tôn trọng gia đình có đủ lớn để tôi nên nghĩ đến việc ly hôn? Tôi vẫn yêu chồng, nhưng sự thất vọng và nỗi đau trong lòng dường như không thể vượt qua. Tôi tự hỏi liệu mối quan hệ này có thể cứu vãn hay không khi mà sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau đã không còn?