(Ảnh: doisongphapluat.nguoiduatin.vn)
Chuyện “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” xưa nay luôn được đề cao trong hành trình sống và phát triển bản thân của mỗi con người. Việc ghi nhớ và đền đáp công ơn không chỉ là động lực để cố gắng vươn lên mà còn thể hiện bản thân là người sống đẹp và giúp cái tốt có cơ hội được nhân rộng.
Tôi từng đọc trên báo câu chuyện của một người đàn ông nước ngoài khi thoát nghèo liền quay về báo đáp công ơn của cả làng vì đã từng giúp đỡ mình. Người đàn ông đó chính là Trần Sinh, chủ tịch một tập đoàn đồ uống có tiếng, chủ chuỗi thịt lợn cao cấp và cũng là một đại gia bất động sản.
Ông Trần Sinh sinh trưởng trong một gia đình miền núi nghèo khó có 5 anh chị em, bố mất sớm. Vì nhà thiếu thốn cái ăn cái mặc nên cậu bé Trần Sinh khi ấy nhiều lần muốn bỏ học đi làm kiếm tiền đỡ đần gia đình. Tuy nhiên vì cậu học giỏi nên người mẹ ráng năn nỉ con tiếp tục đi học để cả nhà có cơ hội đổi đời về sau. Năm 1980, chàng thanh niên đỗ đại học nhưng đứng trước nguy cơ phải tạm dừng ước mơ vì nhà cạn tiền.
Trong khi người mẹ dần nản chí muốn buông xuôi chuyện của con thì người dân trong làng lại tập hợp nhau kéo đến nhà. Họ khuyên “đừng nghĩ ngắn mà phải nhìn dài ra”, còn đưa cho xấp tiền lẻ họ quyên góp được để chàng trai trẻ được lên thành phố học. Phải nói, Trần Sinh là thanh niên đầu tiên trong làng đậu đại học nên ai nấy đều tự hào, vui mừng khôn xiết, không thể không can thiệp để cho cậu được đi học.
Nhờ có sự giúp đỡ tuy nhỏ bé nhưng kịp thời, chàng trai nghèo được lên thành phố học. Sau khi tốt nghiệp, anh chàng đi làm với mức lương thấp nhưng ổn định khiến mẹ phần nào an lòng. Với chí lớn, Trần Sinh không chấp nhận công việc lặp lại nhàm chán đó mà mạnh dạn nghỉ việc rồi chuyển qua trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh bất động sản. Chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi, Trần Sinh xuất sắc trở thành tỷ phú. Công ty của anh chàng trở thành một trong số ba công ty bất động sản lớn nhất tại đó.
Lúc này, dẫu có tiền rồi nhưng Trần Sinh chưa thỏa mãn, ông tiếp tục dấn thân vào ngành giải khát và kinh doanh thịt lợn sạch, thu về kết quả mĩ mãn, ngày càng nổi danh. Nghe mà xuýt xoa nể phục quá phải không mọi người? Nhưng nói gì thì nói, điều tôi ngưỡng mộ nhất ở người đàn ông này là khi trở thành doanh nhân giàu có, ông không hề tỏ ra kênh kiệu chút nào, ngược lại rất bình dị và ghi nhớ công ơn những người từng giúp đỡ mình có được thành quả như hôm nay.
Cụ thể, vào năm 2013, Trần Sinh quay về ngôi làng nghèo khó của mình để trả ơn cho mọi người. Ông hào phóng chi số tiền khổng lồ xây loạt biệt thự đồ sộ tặng cho cả làng. 258 biệt thự được xây lên cho 258 hộ gia đình, nói chung nhà nào cũng có. Mỗi biệt thự có diện tích 280m2, gồm 5 phòng ngủ, 2 phòng khách, 1 nhà xe và sân vườn. Biệt thự cũng được trang bị nội thất chỉn chu chỉ cần dọn vào là ở được ngay không cần sắm sửa thêm gì. Trong khu dân cư mới này có công viên, cầu, suối, sân khấu để sinh hoạt chung. Nhờ loạt biệt thự của Trần Sinh mà bộ mặt của cả làng đã thay đổi hoàn toàn.
(Ảnh: doisongphapluat.nguoiduatin.vn)
Người con ghi nhớ ân huệ của quê hương này còn chi tiền xây lại trường học, trợ cấp lương cho giáo viên ở địa phương để thu hút lực lượng giáo viên giỏi về làng. Đồng thời, ông hỗ trợ người dân trồng vải thiều, nuôi lợn, đảm bảo đầu ra cho họ, hỗ trợ phát triển du lịch… để cải thiện kinh tế dài hạn cho làng. Ông thấm thía một chân lý rằng “dựa núi, núi lở; dựa sông, sông chảy; dựa người, người đi. Chỉ có dựa vào chính mình mới tồn tại lâu dài” nên không chỉ cho người dân nơi ăn chốn ở mà muốn chỉ đường, cung cấp phương tiện cho họ để khuyến khích họ tự lập trên đôi chân mình.
(Ảnh: doisongphapluat.nguoiduatin.vn)
“Tôi không thể có được thành công ngày hôm nay nếu không có sự ủng hộ của dân làng. Rồi mai đây tôi cũng sẽ già và về với tổ tiên. Với tôi, việc có thể xây dựng biệt thự cho mọi người, giúp người dân nuôi lợn là điều rất hạnh phúc. Tôi hy vọng mọi người có thể chăm lo cho thế hệ con cháu của mình, để họ có điều kiện học hành, phát triển, thành công”, ông từng phát biểu với truyền thông.
Tôi nghĩ thành công ngày hôm nay mà ông Trần Sinh có được không chỉ nhờ vào trí thông minh, sự nỗ lực, nhạy bén mà còn nhờ vào sự cổ vũ của gia đình, dân làng và lối sống trọng đạo đức của ông. Câu chuyện này hi vọng sẽ lan tỏa năng lượng tích cực đến với nhiều người.