Cô ấy đợi chờ cuộc ly hôn này 15 năm rồi. Khi cô lấy chồng, cô nghĩ nhất định mình sẽ là người vợ tốt, người mẹ đảm đang. Cô là cán bộ nhà nước, mức lương theo hệ số và cũng không dư dả gì. Chồng cô được đánh giá là người đàn ông có học thức, được cả họ nhà nội luôn đề cao là người có năng lực. Mọi người nói cô gặp được đám hời. Ừ thì gọi nôm na là: trai tài gái sắc. Lấy chồng rồi, cô cứ thấy mình nem nép với chồng. Bạn bè đến chơi thấy 2 vc ở nhà riêng ra chiều ngưỡng mộ, cô nói nhỏ nhà của chồng đấy tớ ko góp gì rồi liếc nhẹ nhìn chồng, thấy anh ta đưa ánh mắt khinh khỉnh nhìn cô. Cô sợ sệt cúi mặt nhìn xuống, từ bấy không dám mời ai đến chơi. Cô sinh con, phải ngửa tay xin tiền chồng. Sóng gió bắt đầu ập đến.

1161
Cô ấy đợi chờ cuộc ly hôn này 15 năm rồi. Khi cô lấy chồng, cô nghĩ nhất định mình sẽ là người vợ tốt, người mẹ đảm đang. Cô là cán bộ nhà nước, mức lương theo hệ số và cũng không dư dả gì. Chồng cô được đánh giá là người đàn ông có học thức, được cả họ nhà nội luôn đề cao là người có năng lực. Mọi người nói cô gặp được đám hời. Ừ thì gọi nôm na là: trai tài gái sắc.
Lấy chồng rồi, cô cứ thấy mình nem nép với chồng. Bạn bè đến chơi thấy 2 vc ở nhà riêng ra chiều ngưỡng mộ, cô nói nhỏ nhà của chồng đấy tớ ko góp gì rồi liếc nhẹ nhìn chồng, thấy anh ta đưa ánh mắt khinh khỉnh nhìn cô. Cô sợ sệt cúi mặt nhìn xuống, từ bấy không dám mời ai đến chơi.
Cô sinh con, phải ngửa tay xin tiền chồng. Sóng gió bắt đầu ập đến. Gái đẻ không ai giúp, chồng cô tuyên bố: đàn bà có mỗi việc sinh con chứ có gì mà kêu. Đêm cô thức trông con, ngày không được ngủ, còn lo cơm nước cho chồng và giặt giũ chăm con. Một lần cô hỏi tiền chồng, chồng cô chỉ mặt: đẻ ở nhà nằm ngửa mà ăn chẳng làm được cái gì. Từ bấy, đêm nào cô cũng nằm khóc. Con 3 tháng, cô thuê người trông con để lao đi làm. Cuộc hôn nhân không màu hồng như cô từng nghĩ. Chồng cô luôn cho rằng cô lấy được anh ấy là 3 đời phúc nhà cô, biết điều mà ăn ở, cung phụng chồng.
Cô nhẫn nhịn cố gắng để hy vọng nhất định chồng sẽ hiểu mà yêu thương cô.
Đứa con gái đầu được 5 tuổi thì cô sinh thêm đứa con gái thứ 2. Mới hơn 30 tuổi với 2 đứa con mà cô già nua, khắc khổ. Một tay cô 2 đứa con, thêm ông chồng chưa bao giờ động tay giúp cô bất kể việc gì: từ chăm sóc, đưa đón con đi học, con ốm đau một mình cô lo. Mỗi buổi chiều về cô lao vào cơm nước, dọn dẹp, tắm rửa cho con, giặt giũ đến 9-10h đêm mới xong. Chồng cô ngồi kia, giương mắt xem tivi và phủi mông mỗi khi ăn xong.
Mỗi tháng chồng đưa cô vài triệu, cộng với lương của cô. Cố gắng co kéo cũng đủ, cô không dám than một câu, có tháng thiếu thì vay đồng nghiệp rồi có khoản thưởng, làm thêm thì trả nợ. Bảy tám năm trời, cô quay cuồng việc gia đình con cái chẳng biết trời nắng, trời mưa, xuân hạ thu đông chẳng màng, ngày đẹp ngày u ám chẳng biết. Sáng lo việc chợ búa, con cái rồi cuống cuồng đi làm. Chiều ba chân bốn cẳng đi đón 2 đứa rồi về nhà cơm nước. Chồng cô kén ăn, phải nấu những món vừa miệng đúng khẩu vị anh ta chứ anh ta chẳng quan tâm 3 mẹ con thích ăn gì.
Một ngày anh ta mua ô tô, hỏi cô có tiền đóng góp. Cô ớ người ra: tiền lương của cô tiêu hết cho gia đình rồi lấy đâu mà góp. Chồng cô buông 1 câu: loại vô tích sự, chỉ ăn bám là giỏi. Cô đau điếng. Ngày mang xe về, chồng cô hãnh diện lắm, hai đứa con háo hức. Cả nhà đi liên hoan xe mới, cô vừa mở cửa bước lên chồng cô thở dài: ko góp gì mua xe leo lên ko thấy ngượng. Cô đắng họng ko nói gì, cô đã định bỏ bữa liên hoan, nhưng vì 2 đứa con mà cố kìm lòng.
Cái điệp khúc chê cô hãm tài, vô tích sự, ăn bám ngày càng dày đặc. Cô sống im lặng trong nhà như một cái bóng. Có lần cô ốm, chiều chồng đi làm về thấy cô nằm trên giường chưa cơm nước gì: cô làm cái gì mà ốm, chỉ lười giả vờ là giỏi. Cô cố nhổm người dậy đi nấu cơm, nhờ anh tắm cho 2 đứa con. Anh nói đang bận xem tivi, hai đứa con nóng quá khóc ré lên, anh lôi xềnh xệch hai đứa vào nhà tắm đóng rầm cửa lại rồi bỏ lên gác. Cô xót con không để đâu cho hết.
Anh luôn hãnh diện anh là trụ cột, nuôi cả 3 cái tàu há mồm, vất lắm. Vớ phải cái con vợ nhà quê, đi làm nhà nước 3 cọc 3 đồng chẳng nhờ vả được gì, đến não cả lòng.
Anh tuyên bố không có anh thì cái nhà này đói rã hỏng. Có giỏi ra khỏi cái nhà này xem sao. Cô chỉ im lặng ngước nhìn anh ta mà lòng tự hỏi: chồng mình đây sao. Nhất định một ngày cô sẽ phải giải thoát cho mình.
Khi đứa thứ con gái thứ hai được 3 tuổi, cơ quan có suất học nâng cao cô đã dành tâm sức để thi và đi học vào 3 buổi tối 1 tuần. Đứa 8 tuổi trông đứa 3 tuổi khi cô đi học, cô nói dối chồng cơ quan có dự án phải làm thêm giờ. Cô dành thời gian nhận việc bên ngoài làm thêm để kiếm thu nhập.
Hai năm sau cô có tấm bằng thạc sĩ kinh tế và có một lượng khách hàng nhất định, cô làm sổ sách kế toán cho một số doanh nghiệp. Do có trình độ và làm việc có trách nhiệm, khách hàng của cô ngày càng tăng. Ngoài làm ở cơ quan, cô kết hợp với một người bạn thuê một căn chung cư nhỏ ở trong khu tập thể cũ để làm thêm dịch vụ thuế, kế toán. Năm năm sau, cô lên trưởng phòng ở cơ quan và có 1 công ty bên ngoài mà chồng cô không biết. Cô vẫn giữ nếp sống như ngày nào. Chồng cô vẫn khinh khỉnh: tưởng cô lên được tý chức thì thế nào trông vẫn rách như con nhà quê, chắc ăn bám thằng này đến cuối đời. Cô vẫn giữ im lặng.
Cô xin nghỉ ở cơ quan để tập trung cho công ty mà không hề bàn bạc với chồng. Cô đi học lái xe và tự thưởng cho mình 1 chiếc ô tô mới, ngày cầm lái cô nhớ lại cảm giác chồng khinh miệt cô khi xưa, cô chỉ mỉm cười. Khi đứa con gái đầu đỗ vào lớp 10, đứa con gái thứ hai lên lớp 5 cô quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân của mình. Một buổi sáng, cô đặt đơn ly hôn lên bàn, chồng cô quắc mắt chỉ tay vào mặt cô dám hả. Cô để đấy và đi làm. Sáng hôm sau, chồng cô lôi cô dậy từ sớm cùng 2 đứa con, tống cổ cô và 2 đứa con gái ra khỏi nhà và ráo hoảnh: cút 3 mẹ con chúng mày đi, cấm quay về nhà chết đừng có gọi thằng này. Cô không nghĩ chồng cô cạn tình đến vậy, ít nhất còn 2 đứa con.
Cô cho 2 con đi học xong thì nhận được tin nhắn từ chồng: tao thay khóa không cho chúng mày vào nhà. Cô chỉ nhắn lại: Tùy anh. Cô không về nhà bố mẹ, không muốn phiền ông bà. Mấy ngày đầu ba mẹ con thuê khách sạn để ở. Sau đó cô thuê 1 căn chung cư nhỏ gần trường học để tiện hai con đi học. Ba mẹ con đi tay không khỏi nhà, cô mua sắm lại toàn bộ sách vở cho các con, quần áo đồ dùng cho ba mẹ con mà không có ý định quay về nhà cũ lấy đồ.
Mấy ngày đầu khá im ắng, không thấy chồng cô nhắn gọi gì. Cô nhắn tin đề nghị chồng ký đơn thuận tình ly hôn và để cô nuôi hai con, tài sản chia đôi. Chồng cô nhắn tin chửi rủa cô liên hồi, nói cô đéo có tiền chắc đi theo giai, chửi lây 2 đứa con và bảo sẽ không cho đồng nào cho biết mặt. Chồng cô không ký đơn, cô thấy khá nực cười, bình thường chửi mắng khó chịu với cô, coi cô không ra gì, cô là kẻ ăn hại ăn bám sao không ký đơn để rảnh nợ.
Chồng cô lồng lộn đến cơ quan cô để tìm thì thấy đồng nghiệp báo cô đã xin nghỉ việc và giờ làm gì không rõ. Chồng cô gọi điện cho bố mẹ cô nói ông bà không biết dạy con, cái loại đàn bà lăng loàn đã không biết điều mà sống còn bỏ chồng theo giai. Mẹ cô biết chuyện của cô từ lâu, bà chỉ nói với con rể quí: anh chị yêu đương tìm hiểu tự lấy nhau, giờ không ở được thì tự giải quyết bố mẹ không can thiệp. Anh ta chưng hửng cúp máy.

Cuộc chiến pháp lý ở toà – Phần 2

Kể từ ngày cô dắt hai con ra khỏi nhà, cứ vài ba ngày anh ta lại nhắn tin chửi bới cô, cô không nhắn lại chỉ im lặng. Anh ta nhắn những lời lẽ thậm tệ, ngoa ngoắt, bậy bạ đến mức cô không tưởng tượng được một người trông trí thức, có học vấn cao lại có thể làm vậy. Anh ta cho rằng chỉ anh ta mới được quyền ly hôn cô, chứ cô không được phép. Anh ta tìm đến nơi cô và hai con ở, hung hăng đòi đánh ba mẹ con.

Anh ta lao vào nhà vớ được cái ghế quăng vào mặt cô, hai đứa con sợ hãi khóc ầm lên. Cô phải gọi bảo vệ tòa nhà và cảnh sát khu vực đến lập biên bản và giải quyết. Hôm sau cảnh sát khu vực gọi cô lên để giải quyết. Phía công an giải thích sẽ xử lý chồng cô nếu cô yêu cầu, hoặc cô rút đơn thì gia đình tự hòa giải. Cô rút đơn không yêu cầu xử lý bởi cô biết chồng cô là đảng viên, có chút chức vụ và dẫu sao cũng là bố của các con cô. Mấy đứa bạn cô bảo cô ngu, cô kệ vì cô cũng chỉ cần ly hôn.

Cô nộp đơn ly hôn đơn phương ra Tòa án và đề nghị được nuôi hai con. Khi cô qua nộp án phí tại cơ quan thi hành án, chị cán bộ nhìn cô ái ngại hỏi han hoàn cảnh và động viên thôi rút đơn về. Cô cắn môi để khỏi rơi nước mắt, vẫn quyết tâm: chị cho em nộp án phí.

Rồi cũng đến ngày Tòa án gửi giấy để hai vợ chồng cô lên hòa giải, mấy lần chồng cô báo bận không lên đến nỗi Thẩm phán phải gọi điện nhắc nhở chồng cô mới chịu ra Tòa. Tại phiên hòa giải, trước mặt thẩm phán chồng cô mặt mũi sát khí đằng đằng liên tục hăm dọa chửi bới cô, thẩm phán phải nhắc mấy lần. Cô đề nghị được chia một nửa tài sản để nuôi hai con, chồng cô phát rồ lên và nói với Tòa: tất cả tài sản gây dựng là của anh ta, cô không có đóng góp gì. Về con cái, anh ta đòi nuôi đứa con gái lớn với lý do: anh ta nuôi con lớn bằng chừng đấy, chưa báo đáp gì thì giờ phải ở để lo nhà cửa cơm nước cho bố. Thật quá nực cười. Buổi hòa giải căng thẳng, hai bên chỉ thống nhất được việc ly hôn còn việc nuôi con và chia tài sản không thống nhất được. Cô thấy quá mệt mỏi, muốn buông tay cho nhẹ mà không buông được.

Ba tuần sau, tòa án tiếp tục gọi hai vợ chồng cô lên để tổ chức buổi hòa giải lần thứ 2. Lần này, chồng cô mang theo luật sư, cô cũng mặc. Thẩm phán công khai 2 đơn của 2 con gái đề nghị được ở với mẹ nếu bố mẹ ly hôn khiến chồng cô nghiến răng ken két. Về tài sản, chồng cô vẫn giữ nguyên ý kiến: không chia cho cô bất kỳ phần nào trong khối tài sản hiện có. Cô đề nghị Tòa xem xét số tài sản chung gồm: một nhà đất mang tên hai vợ chồng đang ở 45m2 xây bốn tầng giá khoảng 3,5 tỷ đồng. Một mảnh đất hơn 100m2 mua cách đây hơn 10 năm ở ngoại thành, mảnh đất này của bạn cô trước đây bán rẻ cho vợ chồng cô và được trả dần trong 3 năm. Giờ mảnh đất được giá khoảng 6-7 tỷ đồng. Còn chiếc ô tô anh ta đang đi, cô không yêu cầu giải quyết. Mặc dù cô không trực tiếp đóng góp mua nhà đất, nhưng cô bỏ công sức sinh đẻ nuôi dạy hai con, lo vẹn toàn việc nhà, việc hai bên gia đình. Tiền đóng góp sinh hoạt trong gia đình chồng cô chỉ đóng một phần, còn lại cô phải tự lo liệu cho đủ. Kể từ khi cô có công việc bên ngoài, cô còn chẳng màng tiền đóng góp của chồng. Luật sư của chồng cô cũng ra sức bảo vệ quyền tài sản cho chồng cô. Thẩm phán kết thúc buổi hòa giải và hai vợ chồng cô vẫn tranh chấp quyền nuôi con và tài sản. Cô ngồi nán lại trao đổi thêm với thẩm phán, chị thẩm phán khá đứng tuổi đã phải thốt lên:

“Chị đã muốn hòa giải để vợ chồng em đoàn tụ, nhưng qua 2 buổi làm việc chị nghĩ em xin ly hôn là sáng suốt; còn về con cái và tài sản thì em cứ yêu cầu Tòa sẽ giải quyết theo đúng qui định”.

Thật trong lòng lúc này, cô chỉ muốn yên ổn để nuôi con. Cô tha thiết nói với thẩm phán cô chỉ cần có một chỗ ở ổn định để nuôi con, mấy đứa bạn thân thì cương quyết khuyên cô đấu tranh đến cùng để chia tài sản, không sau này tài sản rơi vào tay vợ mới, con mình không được hưởng. Cô cũng chẳng muốn đấu tranh, cô muốn yên ổn. Cô làm đơn đề nghị Tòa án xem xét cho cô được chia ½ mảnh đất để cô bán đi mua 1 căn hộ chung cư cho 3 mẹ con; còn ngôi nhà bốn tầng và chiếc ô tô chồng cô đang sử dụng cô không yêu cầu chia và công nhận tài sản riêng của chồng. Việc chu cấp nuôi con, cô cũng không yêu cầu.

Đôi vợ chồng Pee Mak trong “Tình Người Duyên Ma” của Thái tái hợp

Rồi ngày xét xử cũng đến, cô ngồi lọt thỏm một bên trong phòng xử án. Chồng cô và luật sư ngồi một bên. Hội đồng xét xử làm việc, sau khi thẩm phán tuyên bố nội dung mà cô yêu cầu cũng như ý kiến của các bên tại các buổi làm việc. Tại phiên tòa các bên đều giữ nguyên ý kiến của mình, luật sư của chồng cô hùng hồn đọc bản luận cứ bảo vệ cho anh ta, thỉnh thoảng đánh mắt nhìn cô. Chưa bao giờ cô thấy thời gian trôi qua nặng nề bằng giây phút đợi hội đồng xét xử nghị án. Rồi cũng đến lúc hội đồng xét xử tuyên án: Xử ly hôn cho vợ chồng cô, giao 2 con gái cho cô nuôi dưỡng, chồng cô có trách nhiệm cấp dưỡng 2 con mỗi tháng 7 triệu đồng cho đến khi các con đủ 18 tuổi; về tài sản tòa chấp nhận yêu cầu của cô. Các bên được quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Cô thở phào nhẹ nhõm rời khỏi tòa, chồng cô nhìn theo cô với ánh mắt hằn học.

Cô vừa về đến nhà, mở máy điện thoại đã thấy tin nhắn của chồng cô: “Đừng có tưởng bở, thằng này theo đến cùng”. Quá mệt mỏi, cô tắt máy điện thoại ngủ một giấc đến chiều. Từ ngày mai cuộc đời cô sẽ sang một trang mới. Nhưng bản án vẫn đang treo trên đầu, chưa kết thúc. Bố mẹ cô gọi cho bố mẹ chồng cô về việc ở Tòa án của 2 vợ chồng cô. Chồng cô vung vít gọi điện thoại chửi cô một trận vì dám kéo bố mẹ chồng vào việc này. Anh ta tuyên bố đang nhờ luật sư kháng cáo. Ngay sau đó, anh ta nói đi công tác Sài Gòn và tắt máy không liên lạc được.

Mười ngày sau anh ta mới về, may thay bố mẹ chồng cô yêu cầu chồng cô bán ngay mảnh đất và chia cho cô 1 nửa, không được kháng cáo bản án nếu không từ nay đừng về nhà ông bà nữa. Bốn tuần sau, mảnh đất đã được bán và trước mặt bố mẹ cô và bố mẹ chồng, cô nhận được hơn 3 tỷ để mua 1 căn hộ mới.

Cuộc đời sang trang mới – Phần cuối

Thời gian theo đuổi vụ ly hôn, cô lơ là công việc, lơ là cuộc sống. Giờ mọi thứ đã xong, cô tập trung thời gian nuôi dạy hai con, đôn đốc công việc ở công ty, chăm sóc bản thân.

Mỗi buổi tối cô cảm thấy hơi trống vắng, à cô nhận ra ngày xưa cô tất bật cơm nước dọn dẹp đến 9-10 giờ đêm mới xong rồi lăn ra ngủ, chẳng kịp nghĩa gì. Giờ khoảng 7h30 tối, mấy mẹ con đã xong hết mọi việc, các con tự giác ngồi học. Cô chợt nhớ lại mấy thói quen thời con gái, cô lục tìm mấy quyển truyện chưa kịp đọc, cô nghe những bản nhạc Trịnh một thời say mê. Cô bắt đầu list ra những công việc sẽ làm cho bản thân mà vì cuộc hôn nhân này mà cô đã lãng quên chúng. Trồng mấy chậu hoa trên ban công để chiều chiều ngắm nghía.

Mỗi sáng, trước kia nào đi chợ, nào đưa con đi học cô quên mất bản thân. Vơ được bộ quần áo nào mặc bộ quần áo đó. Mặt mũi chẳng phấn son gì, quệt vội chút son qua môi. Chồng con rồi, ra đường còn đẹp với ai.

Giờ mỗi sáng hai đứa con cô tự đi xe đạp đến trường, cô không còn tất bật đau đầu đi chợ mua thức ăn để luôn luôn đổi món cho chồng nữa. Cô chỉ mua gọn nhẹ mấy thứ mà bọn trẻ thích. Cô cũng chẳng có nhu cầu ăn uống gì quá nhiều. Cô sắp xếp lại quần áo, chọn cho mình những bộ phù hợp, mua thêm váy áo, dày dép mới, dành thời gian trang điểm mỗi sáng. Bất giác cô nhớ lại: Ngày xưa khi mới sinh con xong cô có trót mua mấy bộ quần áo mới, chồng cô biết được nói cô đau đến giờ:

– Vừa có mấy đồng đã xí xớn mua quần áo.

Từ bấy, mỗi lần mua quần áo cô đều nói chị A, chị B ở cơ quan giàu lắm vừa cho mấy bộ quần áo để chồng cô khỏi kêu. Giờ thì ta tha hồ mua sắm.

Giờ mỗi tối, dù về sớm về muộn cô không còn cong mông lên nấu nướng nữa, cô thong thả làm mọi thứ mà không sợ bị lườm nguýt vì ăn cơm muộn, vì không đủ món, vì nấu không đúng món. Muộn thì mấy mẹ con đi ăn bên ngoài. Không còn bị hỏi mấy câu:

– Con cá này lúc mua còn bơi không?

– Tại sao con gà này lắm mỡ thế; rau có rửa sạch không?

Thỉnh thoảng ba mẹ con xanh mắt khi vừa ngồi xuống mâm cơm, chồng cô quăng đũa không ăn vì lý do nhìn không có món gì ra hồn:

– Nấu thế này từ mai đừng nấu nữa, tao đi ăn phở.

Mỗi sáng chủ nhật, trước kia cô không được ngủ nướng mà tranh thủ dậy sớm dọn dẹp, giặt giũ cho cả nhà, đi mua mấy món đồ trong nhà còn thiếu. Tranh thủ đi chợ mua đồ tươi về chế biến, tưởng ngày chủ nhật là ngày nghỉ nhưng là ngày mệt nhất trong tuần. Guồng quay cứ thế trôi qua, cô tưởng như đời chưa bao giờ dừng lại, như trái đất quay quanh mặt trời vậy và như thế mới đúng trách nhiệm làm mẹ, làm vợ.

Giờ, mỗi sáng chủ nhật cô có thể ngủ nướng đến sưng cả mắt để thỏa nỗi một tuần đi làm. Vươn vai thức dậy khi nắng rọi tận vào phòng, ba mẹ con nấu bữa sáng món gì đó hoặc thỉnh thoảng rủ nhau ăn ngoài đổi món. Xong dắt nhau đi uống cafe, ơ cuộc đời thật nên thơ. Có lúc hứng lên, ba mẹ con mua vé đi xem phim.

Hàng đêm cô không còn giật thót run bắn người vì tiếng bước chân của lão chồng quờ quạng cô, đè nghiến cô ra như thể cô bị hiếp dâm. Những ức chế trong cuộc sống, những lời xúc phạm như kim châm vào tim biến cô thành khúc gỗ trên giường, tay của chồng cô chạm đến đâu cô rùng mình nổi da gà đến đấy. Cô cứ mở mắt thao láo nhìn lên trần nhà, cắn chặt môi để mong cuộc hành hạ mau qua. Giờ thì cô thoát thân rồi.

Mới mấy tháng trôi qua mà trông cô nhuận hẳn, da dẻ mịn màng, phong thái thong thả khác hẳn khi xưa. Lắm khi ba mẹ con đi với nhau, khối người đùa tưởng 3 chị em. Khi các con không bận học, cuối tuần cô lái xe chở các con ra ngoại thành chơi hoặc đi đến mấy khu nghỉ dưỡng. Tranh thủ selphie, chụp mấy bông hoa, mấy con ong con bướm, ba mẹ con cười he he cũng vui đáo để.

Dạo này cô thoải mái, dành nhiều thời gian cho công ty, đi học thêm mấy kỹ năng để mở rộng khách hàng. Công việc của công ty ngày càng nhiều, cô phải tuyển thêm mấy nhân viên để làm, cô không quá lo lắng về thu nhập hàng tháng nữa. Cô sắp xếp nguồn thu hợp lý để dành cho hai con và cho bản thân khi về già. Cô cho hai con đi du lịch trong nước và nước ngoài. Tập trung cho các con học tiếng Anh, học thêm mấy môn bơi lội, vẽ, hát múa, nhạc để các con không thua bạn kém bè. Con gái lớn của cô được vào đội văn nghệ và chơi đàn Piano ở trường; con gái nhỏ thì vào câu lạc bộ vẽ ở trường.

Ngày xưa cô không có khái niệm về các mùa, chỉ thấy hai mùa nóng lạnh: nóng thì mặc đồ mùa hè, lạnh thì mặc đồ mùa đông. Sáng tất bật đi làm, chiều tất bật về nhà chẳng còn biết trời đất là gì, không biết đến cà phê cà pháo là gì, các cuộc vui gặp mặt gần như cô từ chối hết.

Giờ cô mới có thời gian quan sát, cảm nhận: ừ thì ra chẳng phải chỉ có hai mùa nóng, lạnh. Một năm không những có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Giao mùa mới là lúc đẹp nhất của trời đất mà lâu lắm rồi cô quên mất.

Cuối xuân đầu hè cô phát hiện ra những đợt thay lá của hàng xà cừ để rồi bật lên những tán lá xanh rợp cho mùa hè; là những bông bằng lăng tím ngắt dọc con phố đi làm về, thảng hoặc tiếng ve bất chợt vang lên chuẩn bị đánh thức dàn đồng ca, là những cơn mưa đổi mùa chợt lạnh chợt nóng, tiếng rao đêm bánh khúc nóng hôi hổi; những búp phượng xanh xanh hồng hồng đang nấp sau vòm lá; tranh thủ lượn vào Thung lũng hoa Hồ Tây chụp ảnh, đi ngắm hoa nở.

Cuối hè sang thu, bỗng một ngày ngó ra ban công thấy nắng dịu dàng hơn không còn nắng như đổ lửa nữa; tiết giao mùa này sao mà đáng yêu thế, bao nhiêu món quà vặt Hà Nội đang đợi: nào cốm vòng, chuối tiêu chín, na, bưởi, các loại chè mà thích nhất chè bưởi.

Cuối thu đầu đông, đã nghe tiếng gió xào xạc trên những vòm cây, có cơ hội mang chiếc khăn điệu điệu choàng qua cổ làm duyên; mùi hoa sữa vẫn thoang thoảng đâu đây; lại rủ nhau đi chụp hoa dã quỳ vàng rực trên vườn quốc gia Ba Vì. Tối tối, thỉnh thoảng đi xe vòng vòng ăn ốc, rồi xà vào hàng ngô, khoai nướng. Sáng chủ nhật dậy sớm, đi xe đạp quanh hồ Con Gà, thong thả gần trưa mới về nhà, thỉnh thoảng có cơn gió lạnh lạnh táp qua mặt thấy tỉnh táo hẳn.

Cuối đông đầu xuân, đây là lúc lạnh nhất trời cứ mưa mưa rả rích cả ngày chẳng thấy mặt trời đâu, mọi người đang háo hức chuẩn bị Tết. Thích nhất những ngày cuối đông, mặc quần áo ấm thò mỗi cái mặt ra, gió thổi lạnh tê tê. Xà vào quán chè ăn bát chè sắn, chè đen, bánh trôi tàu nóng là hết cả lạnh. Ba mẹ con đi chơi làng hoa, chợ Tết sớm ôm về bó hoa lớn cắm khắp nhà thật là vui.

Thỉnh thoảng cô vẫn cho hai con về thăm ông bà nội, chơi với các cháu bên chồng. Thăm nom, biếu chút quà khi ông bà ốm đau hay lễ Tết.

Vậy là đời đơn thân có đáng sống không nhỉ?

Bẵng đi một thời gian, cô tự quên rằng mình đã có một ông chồng cũ; cô cũng chẳng còn giận, chẳng oán trách, chẳng kêu ca chuyện cũ cho dù chồng cô không hề gọi điện hỏi thăm hai con và cũng lâu lắm rồi chẳng chuyển tiền chu cấp cho bọn trẻ; thôi không có người chồng cũ thì cô không thể có hai đứa con gái xinh thì mơn mởn thanh xuân kia. Cô đang tận hưởng cuộc sống, vậy vướng bận để làm chi.

Thỉnh thoảng cũng có đám ong bướm, lả lơi thả tiếng tơ lòng. Cô khinh ra mặt mấy lão có vợ con rồi mà còn ỡm ờ. Trái tim cô đã khép lại rồi, chỉ một cuộc hôn nhân cũng đủ làm cô sợ. Cô sợ những mối quan hệ với người mới, sợ các mối quan hệ với gia đình chồng mới, cô sợ nghĩa vụ lại đè nặng lên đôi vai, cô lo cho hai con gái cô bơ vơ, chẳng lẽ vì người dưng mà bỏ tất cả. Thôi, cô tự sưởi ấm lòng mình bằng nụ cười của hai đứa con gái cô.

Gói kỳ nghỉ gia đình

Bỗng một ngày, cô nhận được cuộc hẹn của một người bạn cũ chỉ là muốn biết về cuộc hôn nhân đã tan vỡ của cô. Cô bình thản đối với cuộc hẹn này, và tại sao lại phải từ chối? Chẳng là cậu ấy gửi lời hỏi thăm từ chồng cũ cho cô, ô hay cô cười nhẹ: sao không nhắn tin hay gọi mà phải nhờ. Ừ thì, nhìn cô có vẻ sống tốt quá nhỉ, cậu ấy hơi ngập ngừng.

Quán cafe giữa buổi chiều có vẻ vắng khách, bạn cô chợt hỏi:

– Cậu có hối tiếc cuộc hôn nhân đó không?

Như một phản xạ tự nhiên, cô đáp rất nhanh:

– Tôi không tiếc, không tiếc chút nào.

Cậu ấy hơi khựng lại:

– Dẫu gì cũng là vợ chồng 15 năm? Đúng, có thể một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng; nhưng có thể 15 năm không còn chút nghĩa vợ chồng?

– Ừ, tôi chưa từng bị ai đối xử tệ bạc và tàn nhẫn đến vậy, là chồng hay ông chủ, là vợ hay con ở? Hãy cho tôi một câu giải thích thì chính là câu trả lời rồi đó. Cô có giá trị của chính cô, còn với chồng cũ cô vô giá trị mà.

– Bạn có hận chồng cũ không?

– Tôi không hận, vì mọi thứ đã qua; có đi qua cuộc hôn nhân này, tôi mới phát hiện mình cũng đủ mạnh mẽ để đối đầu với thử thách.

– Hết hận sao không quay lại?

– Lòng tôi đã lạnh rồi, và một điều trong tôi đã cạn cảm xúc thì không ngọn lửa nào có thể sưởi ấm lại tôi, và chẳng thể khơi dòng cảm xúc khi đứng trước sự hèn hạ.

Bạn cô đột ngột nói:

– Anh ấy muốn quay lại.

Cô chồm lên:

– Điên à!

Cô chợt co người lại rồi nghĩ đến những tự do hôm nay mà sợ hãi cho những ngày xưa. Bất giác, cô nhìn ngón tay trái áp út và nhớ chiếc nhẫn cưới cô đã thả xuống dòng sông, giờ này nó đang trôi phương nào?. Dường như không còn nhận ra vết hằn của chiếc nhẫn 15 năm trên ngón tay cô, để thấy rằng hình như cô chưa từng đeo chiếc nhẫn cưới nào.

– Nếu bạn không quay lại anh ấy sẽ đi lấy vợ.

– Ồ, chúc mừng anh ấy, đó là chuyện cá nhân của anh ta tôi không can thiệp.

– Nhưng bạn có đảm bảo sẽ tìm một người chồng hơn anh ta???

– Bạn à, tôi ly hôn để tìm tự do cho mình và chứng minh giá trị của bản thân, chứ không phải đi tìm người mới. Mà nếu có tìm người mới, cũng là chuyện cá nhân của tôi. Và tôi không so sánh người mới với anh ta, mỗi người có giá trị riêng và tôi cũng có giá trị riêng.

– Anh ấy gửi cho bạn một lá thư.

– Tôi sẽ không nhận và không đọc, bởi có những thứ người ta có thể tha thứ, nhưng có những thứ thì không bao giờ. Anh ấy đã tự chặn hết đường lùi rồi, tôi đã từng mong ngóng một cái nhìn của anh ấy, hay thay đổi thái độ của anh ấy trong những phiên làm việc tại Tòa án; nhưng tất cả chỉ là sự bất nhẫn. À mà bạn hãy nghĩ mà xem, tôi đã vượt qua một cái đầm lầy để tìm đến mùa xuân ở bờ bên kia; vậy tôi có thể quay lại, dẫm lên những vết chân cũ để hoặc tôi sẽ thụt chân chết trên đầm lầy hay quay lại bờ cũ với những giá lạnh hơn cả mùa đông.

– Nói với anh ấy hãy coi tôi là một bản nháp hỏng, để anh ấy có một cuộc hôn nhân mới tốt hơn.

– Thôi duyên đã hết, nợ cũng không còn. Xin đừng gặp tôi để nhắc lại câu chuyện cũ này nữa nhé.

Và cô nhẹ đứng lên rời khỏi quán, bất giác một ánh nhìn dõi theo cô từ trên tầng 2 của quán cafe trong một buổi chiều ngập nắng thu vàng.

Lời kết: Phụ nữ à, hãy dũng cảm lên nhé. Cha mẹ đã sinh ra bạn, đã cho bạn thân thể này, tâm hồn này và bạn là niềm vui vô bờ của cha mẹ khi bạn được sinh ra. Không ai được xâm phạm, xúc phạm, hành hạ hay hủy hoại bạn. Hãy nhớ rằng, nếu bạn có mệnh hệ nào thì người đau đớn nhất là bố mẹ bạn, anh chị em bạn hữu của bạn, con cái bạn. Thời gian rồi cũng quên bạn, khi cuộc đời chỉ có một lần. Nhưng nỗi đau đối với người thân của bạn thì không bao giờ dứt. Đừng vì một cuộc hôn nhân hỏng mà cố níu kéo để hủy hại chính mình. Hôn nhân là bạn cảm thấy hạnh phúc, được chia sẻ và tôn trọng, cùng đồng cam cộng khổ lúc khó khăn và hưởng thụ khi thành công.

Đàn ông à, đàn ông cũng có bà, có mẹ, có chị em gái, có con gái. Xin hãy thử nghĩ lại rằng nếu bà mình, mẹ mình, chị em gái mình, con gái mình cũng từng bị bạo lực gia đình về tinh thần hay thể chất thì đàn ông có đau lòng không nhé. Xin hãy nghĩ đến người phụ nữ sẽ đi với mình suốt cuộc đời.