Người trồng cau bất ngờ hoang mang khi Trung Quốc quay xe ngừng nhập cau, giá đang rớt sâu thảm hại

Theo thương lái, do Trung Quốc ngừng nhập nên giá cau tươi đang trên đà lao dốc, ở Quảng Ngãi hiện các chủ lò sấy thu mua dè chừng, có lò đang tạm dừng mua.
Trung Quốc không nhập ồ át như trước, giá cau giảm

Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, một chủ lò cau ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) cho biết, “Trung Quốc không còn nhập nhiều như trước. Chúng tôi cũng hạn chế mua để dò giá. Giờ tiếp tục mua sấy mà nếu chẳng may giá giảm tiếp là ốm đòn”.

Tại huyện Sơn Tây – nơi được mệnh danh là xứ ngàn cau với hơn 1.000ha cau đang cho trái, người dân cho biết cách đây hai ngày giá cau tươi là 80.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 60.000 đồng/kg.

Do Trung Quốc hạn chế thu mua, giá cau đang giảm dần. Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Chị Nga, một người thu mua cau ở huyện Sơn Tây, nói không chỉ chị mà nhiều điểm thu mua hiện phải giảm nhập cau.

“Mấy hôm nay giá cứ giảm dần nên không ai dám mua”, chị Nga nói.

Tại các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi có diện tích trồng cau lớn như Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tịnh… giá cũng đang lao dốc.

Cách đây ba ngày, các lò sấy thu cau tươi giá 85.000 – 90.000 đồng/kg, nay còn 70.000 – 75.000 đồng/kg và có lò mua, lò ngừng.

Bà Lê Thị Vân (xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa) nói nhà có hơn 20 cây cau đang cho trái đến kỳ thu hoạch nhưng người hái cau lâu nay “bám vườn năn nỉ” không đến hái.

“Tôi có điện hỏi, thợ hái cau nói thông cảm để ít hôm nữa giá ổn định sẽ đến. Ông ấy nói hôm qua bẻ hơn ba tạ cau, chở đến lò bán thì lỗ 3.000 đồng/kg”, bà Vân nói.

Trung Quốc khả năng cao sẽ ngưng nhập do đã đủ nguyên liệu

Anh H., một thương lái làm việc trực tiếp với đối tác Trung Quốc, lý giải nguyên nhân Trung Quốc dừng nhập cau từ Việt Nam bởi nhiều công ty đã đủ nguyên liệu sản xuất, vài công ty chưa đủ vẫn nhập nhưng số lượng ít

“Phía Trung Quốc hiện đang ngừng nhập cau từ Việt Nam, họ chỉ còn nhập những lô cuối cùng mà họ đã cọc tiền cho các lò sấy cau ở Việt Nam trước đây. Những ngày tới khả năng cao là giá tiếp tục giảm hoặc Trung Quốc sẽ ngừng nhập”, anh H. nói.

Cũng theo anh H., nhiều người Trung Quốc đến trực tiếp vựa cau ở Quảng Ngãi thu mua cũng “ngồi chơi xơi nước”, liên tục cập nhật tình hình từ các công ty Trung Quốc.

“Cau hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên hên xui lắm. Ớn nhất là đang giá cao thì họ không mua”, anh H. thông tin.

Người dân không nên “chạy theo” trồng cau
Giá cau vẫn đang ở mức cao nhưng Ông Phùng Văn Chính (65 tuổi, trú xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) cho biết, không phải năm nào giá cũng tốt như năm nay. Năm 2023 giá cau đầu vụ khoảng 30.000 đồng/kg, tuy nhiên đến cuối vụ chỉ còn 3.000 đồng/kg.

Nhiều lò sấy cũng ngừng nhập cau hoặc hạn chế, chờ dò giá. Ảnh minh họa/ Dân Trí

Ông Chính cho biết, khi giá cau xuống thấp, nhiều gia đình ở huyện Tiên Phước chặt bỏ cây cau để trồng cây khác hoặc để cau chín đỏ trên cây.

“Dân họ thấy cau giá cao nên đổ xô chạy theo trồng, khi giá xuống thấp người dân lại chặt bỏ, trồng cây khác. Cách đây khoảng 7 năm đã xảy ra tình trạng dân chặt bỏ cây cau rồi”, ông Chính chia sẻ.

Chia sẻ trên báo Dân trí, ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước – cho biết, địa phương hiện có trên 2.000ha cây cau, trong đó có gần 1.100ha đang cho trái. Sản lượng hơn 17,5 tấn/ha, doanh thu từ cây cau năm nay đạt trên 670 tỷ đồng.

Vụ cau năm nay, huyện Tiên Phước có 10 gia đình có thu nhập trên 1 tỷ đồng từ cây cau, trong đó xã Tiên Ngọc 4 hộ, xã Tiên Lãnh 6 hộ.

Đối với việc trồng ồ ạt cau khi giá cao, chặt bỏ cau khi giá thấp, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, huyện khuyến cáo người dân trồng cau theo quy hoạch, không nên trồng quá nhiều trên một diện tích mà nên trồng xen canh.

Theo lãnh đạo huyện Tiên Phước, một số hộ trồng xen canh cây ăn quả và cây cau. Cây ăn quả trồng ở giữa, cây cau được trồng quanh bờ. Cau là loại cây khó ngã đổ khi gió bão, do đó, người dân trồng cau với mục đích kép, vừa cho quả vừa làm trụ cột dây néo bảo vệ cây ăn quả.