Đây là 5 khu vực Hà Nội dự kiến hạn chế xe xăng dầu vào năm sau, muốn vào phải trả phí

132

Hà Nội dự kiến triển khai Vùng phát thải thấp trong thời gian gần, sẽ thí điểm từ năm sau.

Báo Phụ nữ số ngày 29/10 đưa thông tin với tiêu đề: Đây là 5 khu vực Hà Nội dự kiến hạn chế xe xăng dầu vào năm sau, muốn vào phải trả phí. Với nội dung như sau:

Bảo vệ môi trường là một trong những trọng tâm mà Hà Nội sẽ dành nhiều nguồn lực thực hiện. Trong số các vấn đề được quan tâm, Hà Nội sẽ thành lập Vùng phát thải thấp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Vùng phát thải thấp tại Hà Nội

Khái niệm Vùng phát thải thấp (Low Emission Zone – LEZ) đã được đề cập trong Luật Thủ đô năm 2024 mà Quốc hội đã thông qua từ tháng 6. Vùng phát thải thấp được giải thích “là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí”.

Luật Thủ đô cũng nêu rằng Hội đồng nhân dân Thành phố là đơn vị có trách nhiệm “quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp”.

Hiện tại, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đang ghi nhận ý kiến phản hồi để tiếp tục lập Nghị quyết mà sẽ xác định rõ tiêu chí, điều kiện, trình tự, và thủ tục để có thể xác định các vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội.

5 vùng phát thải thấp được nêu ra như sau:

– Khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội.

– Khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông.

– Khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học.

– Khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện (có giải pháp giám sát, xử lý vi phạm về phát thải, chuyển đổi phương tiện, tổ chức giao thông phù hợp đảm bảo giao thông thông suốt).

– Khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Tại các vùng phát thải thấp, phương tiện gây ô nhiễm không khí, như xe chạy xăng hay dầu, sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phát thải cao. Nếu phương tiện không đạt chuẩn, dự kiến sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí để được đi vào.

Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND có nêu rằng Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tùy theo “cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng”. Việc hạn chế này “tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.”

Mô hình ULEZ tại Luân Đôn

Hiện nay, Luân Đôn – Thủ đô của Vương Quốc Anh – là một trong những thành phố đi đầu trong việc áp dụng vùng phát thải thấp, vùng phát thải siêu thấp (Ultra Low Emission Zone – ULEZ). Vùng ULEZ của Luân Đôn nay đã bao gồm toàn bộ 32 vùng tự quản của Luân Đôn và Thành phố Luân Đôn – tổng dân số lên tới hơn 400.000 người.

Tại Luân Đôn, lệnh cấm tại các khu vực ULEZ chỉ được dỡ bỏ trong ngày 25/12 – Lễ Giáng sinh; các ngày còn lại, lệnh cấm phương tiện gây ô nhiễm đều có hiệu lực. Nếu phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải ULEZ, người lái sẽ phải trả mức phí 12,50 bảng (khoảng 411 nghìn đồng) để có thể di chuyển trong khu vực ULEZ nhưng chỉ giới hạn trong vòng 24 giờ.

Cần lưu ý rằng mức phí này chỉ áp dụng với các phương tiện cá nhân như ô tô con, xe máy, mini buýt (tải trọng đến 5 tấn) và một số loại xe chuyên dụng (tải trọng đến 3,5 tấn).

Giao thông Hà Nội định hướng tới việc có nhiều phương tiện không phát thải, thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa

Tiêu chuẩn khí thải của ULEZ tại Luân Đôn dựa trên các cấp tiêu chuẩn khí thải Euro.

Cụ thể, các mẫu xe hai bánh, hoặc xe ba bánh / bốn bánh gắn động cơ áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3. Các mẫu xe ô tô con, xe van, xe mini buýt và một số xe chuyên dụng khác chạy xăng áp dụng Euro 4. Các mẫu xe ô tô, xe van, xe mini buýt và một số xe chuyên dụng khác chạy dầu diesel áp dụng mức cao nhất – Euro 6.

Việc trả phí để đi vào trong khu vực ULEZ áp dụng với toàn bộ phương tiện di chuyển ở trong khu vực này, bất kể chỉ di chuyển quãng đường hay thời gian ngắn, áp dụng với cả phương tiện thuộc sở hữu của người dân trong khu vực ULEZ. Tuy nhiên, nếu phương tiện không đạt chuẩn không được sử dụng trong ULEZ thì sẽ không phải trả phí.

Tại Việt Nam, toàn bộ các mẫu xe máy bán ra thị trường từ năm 2017 đều phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 3; với ô tô, mức tiêu chuẩn khí thải Euro 5 đã được áp dụng từ năm 2022.

Tiếp đến, báo Vietnamnet cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Hà Nội lên phương án cấm xe máy trong nội thành vào năm 2030

Nội dung được báo đưa như sau:

Thống kê của Sở GTVT TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10% nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,28%.

Sau rất nhiều cố gắng trong việc đầu tư hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt hơn 12%. Như vậy, vẫn còn kém xa so với quy hoạch giao thông của Thủ đô là từ 16-20%. Việc này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường vượt quá ngưỡng thiết kế.

Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HM

 

Những bất cập trên dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng. Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng, thành phố đang phát triển nên ùn tắc giao thông là vấn đề hiện hữu.

Để giải quyết những vấn đề trên, từ năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã đặt ra nghị quyết hạn chế phương tiện giao thông ở một số khu vực ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay hầu hết mục tiêu lớn trong nghị quyết chưa được triển khai, hoặc chưa có lộ trình cụ thể như cấm xe máy ở các quận, thu phí phương tiện vào nội đô.

Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua hồi tháng 6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu khái niệm ”vùng phát thải thấp” (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.

HĐND TP quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Thí điểm hạn chế phương tiện gây ô nhiễm từ năm 2025

Nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn.

Phương tiện giao thông (trừ xe điện, xe ưu tiên) hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

TP Hà Nội đưa ra 5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm.

Thứ nhất là khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mật độ dân cư cao.

Thứ hai là khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông.

Thứ ba là khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học.

Thứ tư là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện.

Thứ năm là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Theo dự thảo, các quận, huyện căn cứ vào 5 tiêu chí trên để khảo sát hiện trạng, thu thập dữ liệu về chất lượng không khí nhằm xác định ranh giới vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm.

Trong dự thảo, UBND TP cũng nêu rõ các biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp. Cụ thể, phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Rà soát, xác định các khu vực đủ điều kiện phát triển không gian đi bộ gắn với các khu vực danh lam thắng cảnh, khu vực bảo tồn, phát triển du lịch trên địa bàn các quận thuộc thành phố.

Cùng với đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thiện và thực thi cơ chế chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải không đạt quy chuẩn ra môi trường; quy định các khu vực cấm xe ô tô chạy dầu diesel; quy định các khu vực hạn chế xe máy, xe tải, xe taxi.

Tại buổi đối thoại với thanh niên Thủ đô ngày 14/10, Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Lê Thanh Nam cho hay, hiện nay mỗi ngày phương tiện giao thông tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu… “Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí”, ông Nam nói.

Để cải thiện môi trường nói chung và không khí nói riêng, ông Nam cho hay thành phố đang triển khai một số giải pháp, trong đó có chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển đô thị thông minh; phát triển giao thông thông minh, hiện đại; cải tạo, xây dựng không gian xanh tại nội đô.

“Từ năm 2025 thành phố sẽ thí điểm mô hình phát thải thấp tại một số khu vực đông đúc, là điểm nóng về ô nhiễm không khí. Tại khu vực này, phương tiện giao thông gây ô nhiễm bị hạn chế”, ông Nam nói.