Điều gì khiến chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể rơi thẳng đứng?

427

Giá vàng tăng quá nóng nên sẽ khó bứt phá tiếp, giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn 99,99 cũng ở vùng quá mua.

Ngày 29/10/2024, báo Người Lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Điều gì khiến chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể rơi thẳng đứng?”. Nội dung cụ thể như sau:

Chiều 29-10, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp giao dịch mua vào 87 triệu đồng/lượng, bán ra 89 triệu đồng/lượng, duy trì ở vùng đỉnh trong nhiều tháng qua. Giá vàng nhẫn 99,99 cũng được giao dịch cao nhất lên tới 87 triệu đồng/lượng mua vào, 88,98 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng thế giới cũng liên tục duy trì ở mức cao quanh 2.752 USD/ounce, đang tiến sát vùng đỉnh mọi thời đại ở mốc 2.758 USD/ounce vào tuần trước. Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng giá vàng đã tăng quá nóng và đang ở vùng quá mua, do vậy có thể xuất hiện những cú sụp bất ngờ 100-200 USD/ounce.

– Phóng viên: Dù liên tục có cảnh báo giá vàng tăng nóng nhưng những ngày qua giá vàng thế giới vẫn duy trì ở vùng đỉnh chưa từng có, vì sao thưa ông?

+ Chuyên gia vàng Trần Duy Phương: Giá vàng thế giới biến động mạnh trong những ngày qua, có thời điểm về sát mốc 2.700 USD/ounce nhưng cũng có lúc gần chạm mốc đỉnh mọi thời đại ở 2.758 USD/ounce. Nguyên nhân vẫn xuất phát từ tình hình xung đột ở Trung Đông căng thẳng; môi trường lãi suất thấp khi ngân hàng trung ương Mỹ và nhiều nước châu Âu giảm lãi suất… Trong lịch sử, lãi suất giảm thì vàng luôn tăng giá.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương

Đặc biệt, năm nay còn có yếu tố bầu cử tổng thống Mỹ – vốn luôn là tác nhân hỗ trợ giá vàng tăng. Bởi thông thường, những cuộc bầu cử này sẽ có sự thay đổi về chính sách điều hành kinh tế nên tâm lý của nhà đầu tư trên thế giới cảm thấy lo lắng, bất ổn và chọn vàng như kênh phòng ngừa rủi ro.

– Vậy giá vàng có thể tăng tiếp lên tới 3.000 USD/ounce như dự báo của một số tổ chức tài chính quốc tế?

+ Không hẳn vậy! Tôi dự đoán giá vàng cuối năm nay có thể lên tới 2.850 USD/ounce, thêm khoảng 100 USD/ounce so với mốc hiện tại nhờ những yếu tố vừa đề cập. Nhưng trong quá trình này, cũng sẽ có sự biến động, có thể là điều chỉnh giảm mạnh 100-200 USD/ounce trước khi có thể hướng tới mốc cao hơn.

Bởi môi trường lãi suất thấp vốn đã được phản ánh vào đà tăng giá của vàng thời gian qua; xung đột ở Trung Đông lắng dịu và bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có kết quả vào đầu tháng 11 tới… sẽ khiến giá vàng hạ nhiệt.

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn cùng ở mức cao chót vót. Ảnh: Lam Giang

Do đó, mốc 3.000 USD/ounce như dự báo của giá vàng thế giới nếu có thể đạt được sẽ vào nhiều tháng tiếp theo hoặc cho năm 2025, chứ không phải “một sớm một chiều”. Bởi tính từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 800 USD/ounce, tương đương khoảng 40%. Đây là mức tăng sốc của giá vàng trong nhiều năm qua, nên để có thể tăng mạnh tiếp là rất khó.

– Nói như ông, là giá vàng đã tăng quá nóng và đang ở vùng rủi ro? Nhận định này có đúng với vàng miếng SJC, vàng nhẫn 99,99?

+ Đúng vậy! Một yếu tố cần phân tích là các ngân hàng trung ương của Trung Quốc, Ấn Độ – vốn là những nước nhập khẩu vàng lớn nhất trên thế giới trong suốt hàng thập kỷ qua, đã ngưng hoặc giảm tỉ trọng mua vàng trong khoảng 6 tháng gần đây, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này cho thấy giá vàng hiện nay đang ở mức quá cao – mang yếu tố đầu cơ, tích trữ nhà đầu tư quốc tế. Khi tâm lý đầu cơ của nhà đùa tư quốc tế diễn ra nhiều hơn, rủi ro cũng sẽ nhiều hơn bao gồm cả việc “đu đỉnh” giá vàng.

Trong quá khứ, giai đoạn 2011-2012, giá vàng từng tăng một mạch lên tới 1.920 USD/ounce – đỉnh mọi thời đại lúc bấy giờ. Lúc đó cũng rất nhiều người nhận định giá vàng có thể lên tới 2.00 USD, thậm chí 2.500 USD/ounce nhưng sau đó giá vàng lao dốc xuống chỉ còn hơn 1.030 USD trong suốt 2-3 năm sau đó…

Chưa kể, mốc 3.000 USD/ounce của vàng là mốc tâm lý, kháng cự rất mạnh nên khó xảy ra trong ngắn hạn.

Ngay cả với nhà đầu tư trong nước, mua vàng miếng SJC hoặc vàng nhẫn 99,99 lúc này để “lướt sóng” cũng rất rủi ro.

Vì xác suất giá vàng nhẫn nếu tăng lên tới 94-95 triệu đồng/lượng (+5-6%) so với hiện tại là quá khó, có thể phải vài tháng đến cả năm mà mức sinh lời này cũng không cao hơn các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm…

Do đó, nếu mua để nắm giữ lâu dài thì có thể mua vàng miếng SJC hoặc vàng nhẫn nhưng cũng không nên đổ toàn bộ tiền nhàn rỗi vào vàng, chỉ nên mua từ từ khi giá vàng điều chỉnh giảm.

Tiếp đó, ngày 30/10/2024, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng nhẫn bật tăng”. Nội dung cụ thể như sau:

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn 88- 89 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

Công ty vàng Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 87,8 – 89 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 87,98 – 88,98 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC được nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) niêm yết 89 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 87 – 89 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

Giá vàng nhẫn lấy lại mốc 89 triệu đồng/lượng.

Giá bán ra của vàng nhẫn hiện ngang bằng giá bán của vàng miếng SJC. Trong khi đó, tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết giá mua vào vàng nhẫn cao hơn giá mua vào vàng miếng SJC từ 800.000 – 1 triệu đồng/lượng.

Riêng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua vào vàng nhẫn và vàng miếng SJC ngang nhau. Còn giá bán ra vàng nhẫn thấp hơn 400.000 đồng/lượng so với vàng miếng SJC ở mức 88,5 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá bán vàng nhẫn thấp nhất trên thị trường.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2.774 USD/ounce, tăng mạnh 30 USD/ounce số với sáng qua.

Trên thị trường tiền tệ sáng 30/10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.252 đồng/USD, không đổi so với hôm trước.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD giao dịch phổ biến ở mức 25.110 đồng/USD mua vào và 25.464 đồng/USD bán ra.

Như vậy, nếu tính từ ngày 24/10, thời điểm tỷ giá tăng nóng, đến nay, tỷ giá trung tâm đã giảm 12 đồng/USD. Còn giá thu mua USD tại các ngân hàng thương mại giảm 110 đồng/USD, từ 25.220 đồng xuống 25.110 đồng/USD.