1,4 triệu giáo viên cả nước “mất ngủ”: Vui mừng vì quyết định bỏ thi thăng hạng từ 15/12

777

Bộ Giáo dục bỏ thi, chuyển sang chỉ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, bắt đầu từ ngày 15/12.

Nội dung được nêu trong Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công bố ngày 1/11. Bộ cho biết việc này nhằm phù hợp với quyết định của Chính phủ về bãi bỏ thi thăng hạng viên chức, hồi cuối năm ngoái.

Từ ngày 15/12, thay vì phải thi, giáo viên được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác.

Chẳng hạn, giáo viên mầm non hạng III muốn được xét lên hạng II phải có hai năm liền trước được xếp loại “Hoàn thành tốt nghiệm vụ” trở lên. Giáo viên phổ thông và dự bị đại học phải ba năm đạt điều kiện này.

Để được xét từ hạng II lên hạng I, giáo viên cần có 5 năm liền trước “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít nhất hai năm “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Ngoài ra, họ cần có các danh hiệu thi đua, khen thưởng trong thời gian giữ hạng II. Việc này nhằm đảm bảo một danh hiệu, thành tích không được sử dụng đồng thời ở hai lần thăng hạng (từ hạng III lên II và từ II lên I).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các tiêu chuẩn trên sẽ giúp đảm bảo yêu cầu tỷ lệ giáo viên hạng I tối đa 10%, hạng II không quá 50%, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, cũng như lựa chọn được những người xứng đáng.

Giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP HCM trong một buổi dạy tháng 9/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP HCM trong một buổi dạy tháng 9/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Trước đó, giáo viên được thăng hạng thông qua hai hình thức là xét và thi (tùy địa phương), theo nghị định 115/2020 của Chính phủ. Nếu thi, giáo viên làm bốn bài, gồm phần kiến thức chung (60 câu hỏi); ngoại ngữ (30 câu); tin học (30 câu) và thi viết chuyên ngành.

Tuy nhiên, số đợt thi thăng hạng giáo viên mỗi năm ở mỗi tỉnh, thành khác nhau, dẫn đến tình trạng giáo viên có thâm niên, thành tích ngang nhau nhưng được xếp ở các hạng khác nhau.

Hạng chức danh nghề nghiệp là căn cứ để tính lương giáo viên hiện nay. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 1,05 triệu nhà giáo đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó có gần 2.800 giáo viên hạng I, hơn 401.500 người hạng II, còn lại là hạng III và IV (chưa được chuyển hạng theo các quy định mới).

Giáo viên mầm non từ hạng III nhận gần 6,6-28,2 triệu đồng; từ tiểu học đến THPT, hạng III trở lên, lương thực nhận là 7,4-30 triệu đồng. Giáo viên hạng I nhận mức cao nhất.

Đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức được Bộ Nội vụ nêu hồi tháng 5/2023. Lý do toàn quốc có 1,8 triệu viên chức khiến kỳ thi thăng hạng hàng năm tốn kém, có nhiều tiêu cực.