Cô của tôi lấy chồng năm 22 tuổi, khi vừa tốt nghiệp ĐH sư phạm. Hai gia đình rất môn đăng hộ đối. Hai vợ chồng đẹp đôi yêu thương nhau lắm. Họ sống với nhau gần 20 năm vô cùng hạnh phúc. Gia đình hai bên thành phần tư sản cũ nên có nhà cao cửa rộng đầy đủ hơn người ở thời chiến tranh bao cấp . Duy họ chỉ thiếu đứa con … nên cuối cùng phải chia tay nhau, mà trong lòng còn yêu thương nhau lắm lắm !
… Rồi người chồng lấy vợ mới, sinh ào ào được luôn hai đứa con, trai gái đủ cả !
Cô ấy đau buồn quá, nghĩ lỗi do mình nên chỉ ngậm ngùi mừng cho chồng cũ ! Vì còn yêu chồng lắm nên tự an ủi : “Cũng may, bỏ nhau thì anh mới được làm cha thế này !”
…Cô âm thầm sống trầm mặc buồn nản, gương mặt u sầu nụ cười buồn bã, trông thấy vậy ai cũng ái ngại vô cùng. Nhưng một số đàn ông lại bị hút hồn vì dáng vẻ ấy của cô. Và quanh cô lại bao ong bướm dập dìu …
Mấy năm trôi qua, một ngày cô đến tìm tôi. Cô ấm ức khóc chẳng nên lời bảo :
— Bao nhiêu năm mong chờ con cái thì nó chẳng đến, giờ thì không phải lúc, nên phải bỏ thai thôi không thì mất việc cả hai, biết làm gì mà sống qua thời bao cấp bây giờ . Anh ấy đã có vợ ở quê, cùng làm việc với nhau bao năm nay. Cháu giúp cô với, vì cô giấu cơ quan nên không có giấy giới thiệu chuyển tuyến. (Ngày xưa thời bao cấp, đi khám bệnh phải có giấy giới thiệu của CQ, nhất là nạo phá thai con so thì rất khó khăn. Và chuyện ngoại tình bị kỉ luật rất nặng)
Thế mới biết, đứa con nó đến đúng lúc thì hạnh phúc biết bao, còn đứa con ngoài ý muốn thì rắc rối quá nhỉ ? Ý cô đã quyết, chỉ là đến chỗ người quen nhờ làm giấu diếm cho đỡ tai tiếng và đỡ sợ thôi…
Tôi khuyên cô nên về đẻ đứa con này vì cô đã lớn tuổi, nạo thai to rất nguy hiểm. Khuyên cô cứ dũng cảm sinh con, dù có bị mất việc cũng không quan trọng bằng được thêm đứa con. Sau này cô già yếu còn có nơi mà nương tựa…
Sau khi quyết định để thai, cô bị kỉ luật không được đứng lớp dạy học nữa. Ông “bồ” thì bị chuyển đi tỉnh khác .
Cô sinh được bé gái kháu khỉnh khoẻ mạnh, mừng quá ! Cô còn mẹ già và gia đình em trai thương yêu giúp đỡ cô lúc khó khăn trứng nước, cũng mừng. Hơn một năm sau cô lấy ông chồng hơn cô gần 20 tuổi. Cô nói :” để con nó có bố cho đỡ bị bạn cười chê trêu chọc .” Họ ở trong căn nhà tập thể của cơ quan chồng cô.
Được mươi năm thì ông chồng mất. Cháu gái xinh xắn học giỏi lắm, toàn trường chuyên lớp chọn, rồi được học bổng du học bên Anh. Du học xong cháu về làm việc ở tổ chức Quốc tế, đã yêu anh tiến sĩ đẹp trai người Hà Nội cũng du học bên Anh cùng nhau mấy năm vừa qua …
Hai trẻ yêu nhau mấy năm bên Anh. Về VN thì nói chuyện cưới hỏi là lẽ thường tình . Tin tưởng ở sự lựa chọn của các con, mẹ chỉ còn cách : ” Con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy “, mong các con hòa hợp, yêu thương nhau cùng sống vui hạnh phúc là cha mẹ mãn nguyện lắm rồi !
Ngày nhà trai đến xin phép nhà gái cho hai cháu được qua lại tìm hiểu nhau, đã xảy ra một chuyện bất ngờ làm cả hai họ sững sờ ngạc nhiên hết sức.Mắt ai cũng trợn tròn, miệng không thốt được ra lời ( gọi là mắt chữ O miệng chữ A đúng thật không sai ).
Lúc chạm mặt hai họ…thì ra bố chú rể chính là chồng cũ của cô năm xưa …
Đúng là : “Em ơi trái đất vẫn tròn
Chúng mình hai đứa vẫn còn gặp nhau…”
Cô chú đã từng sống hạnh phúc bên nhau gần hai chục năm đầu xanh tuổi trẻ. Vì không có con nên phải chia tay nhau trong đau khổ luyến tiếc…
Nay được gặp lại nhau sau hơn ba chục năm chia phôi, ai ngờ lại được làm thông gia với nhau thế này, câu chuyện thật là hi hữu…
Đám cưới rất vui vẻ, hạnh phúc nhân đôi, hai bên gia đình ai cũng tươi cười rạng rỡ. Hạnh phúc hơn cả hai đứa trẻ chắc là ông bà thông gia đấy các bạn ạ !
Ngày con gái của cô sinh cháu đầu lòng, vì mẹ chồng em ấy mất sớm nên cô hay qua lại nhà thông gia để giúp đỡ cho con gái và cháu ngoại .
Nhìn cảnh ông thông gia mái đầu điểm bạc, tấm lưng không còn thẳng, lúng túng giúp việc nhà cho con cháu cô mủi lòng quá ! Hai người cũng ngoài 70 cả rồi, ốm đau bệnh tật
.. Con gái đi lấy chồng rồi cô cũng rất cô đơn. Cháu ngoại còn trứng nước mà mẹ cháu đã phải đi làm, cô tình nguyện làm người bảo mẫu cho mẹ cháu yên tâm công việc.Thế là cô cứ ngày đến giúp con gái và chăm sóc cháu ngoại, tối về nhà mình ngủ vì ngại điều tiếng với ông thông gia. Con cháu thấy hai cụ vẫn còn tình cảm với tác thành cho ông bà về chung một nhà.
Một thời gian sau cô chú có làm mấy mâm cơm mời họ hàng gần đến dự để mừng cho ông bà cháu “Tái hồi Kim – Trọng” . Mà ông nội – bà ngoại của cháu bảo là : ” Góp gạo thổi cơm chung “! Mừng quá, họ lại được về sống chung một nhà..
“Như chưa hề có cuộc chia ly !”