Một nhà phân tích khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng với kỳ vọng “đợt tăng giá Santa Claus” vì biến động gần đây có thể báo hiệu giá vàng đã chạm đỉnh năm nay.
Giá vàng tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn
“Đợt tăng giá Santa Claus” là một thuật ngữ trong tài chính, ám chỉ xu hướng giá cả (thường là cổ phiếu hoặc tài sản khác, bao gồm cả vàng) tăng vào khoảng thời gian cuối năm, đặc biệt trong tháng 12 hoặc đầu tháng 1. Hiện tượng này được đặt tên theo hình tượng hiện đại của ông già Noel (Santa Claus), biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng trong mùa lễ hội.
Trong báo cáo mới nhất, Ole Hansen – Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank – cho biết, giá vàng đã ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 12 suốt bảy năm liên tiếp.
Mặc dù đợt điều chỉnh gần đây của vàng có thể thu hút hoạt động săn hàng giá rẻ trong tháng cuối cùng của năm 2024, Hansen nhận định rằng mức giá cao hiện tại của kim loại quý này vẫn tiềm ẩn rủi ro.
“Rào cản lớn nhất của vàng trong năm nay là mức tăng mạnh tới 28,3%, gần đạt mức tăng 29,6% vào năm 2010 và 31% vào năm 2007. Mặc dù triển vọng cơ bản hỗ trợ đến năm 2025 không thay đổi, mức tăng đáng kể này có thể thu hút hoạt động chốt lời và tái cân bằng vị thế trước cuối năm” – Hansen viết trong báo cáo.
Triển vọng tích cực hơn trong dài hạn
Mặc dù vàng có thể khó đạt mức cao mới trong tháng 12, Hansen vẫn giữ quan điểm lạc quan cho năm 2025, dự báo giá sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào năm mới. Ông cũng cho rằng tình hình bất ổn địa chính trị sẽ tiếp tục hỗ trợ kim loại quý này.
“Thông tin Mỹ áp đặt thuế thương mại lên hàng nhập khẩu vào năm tới được cho là tích cực đối với đồng USD. Tuy nhiên, tác động dây chuyền của USD mạnh hơn có thể lan rộng qua nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt gây khó khăn cho các quốc gia phụ thuộc vào nợ, thương mại hàng hóa và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu bằng USD, điều này có thể tiếp tục hỗ trợ các khoản đầu tư thay thế như vàng và bạc.
Các kế hoạch áp thuế quan, cắt giảm thuế và trục xuất của Tổng thống đắc cử Donald Trump làm nổi bật rủi ro rằng lạm phát và nợ có thể tăng cao hơn dự kiến – hai yếu tố mà nhà đầu tư vàng tìm cách bảo vệ” – ông cho biết.
Hansen cũng lưu ý rằng vàng sẽ được hưởng lợi từ việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào và chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Quan điểm lạc quan dài hạn của Hansen xuất hiện khi giá vàng đã giữ được mức hỗ trợ quan trọng quanh 2.600 USD/ounce, bất chấp áp lực bán mạnh. Trong ngắn hạn, Hansen cho rằng vàng vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các chính sách tiềm năng của ông Donald Trump.
Hansen chỉ ra rằng, giá vàng đã giảm 3% vào đầu tuần sau khi ông Trump thông báo ý định đề cử Scott Bessent – một nhà tài chính truyền thống từ Phố Wall, làm người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ. Thị trường kỳ vọng ông Bessent sẽ là một lựa chọn an toàn và ổn định cho nền kinh tế Mỹ, điều này làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên sau đó, ông Trump công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với Mexico và Canada, cùng mức thuế 10% đối với tất cả sản phẩm từ Trung Quốc. Các nhà kinh tế nhận định rằng các cuộc chiến thương mại tiềm năng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
Theo đà tăng của kim loại quý quốc tế khi tình hình chính trị leo thang, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ 300.000-400.000 đồng mỗi lượng.
Vàng miếng, vàng nhẫn tăng giá
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 83,3-85,8 triệu đồng/lượng (mua – bán). Phiên hôm qua, mặt hàng này tăng 400.000 đồng ở cả 2 chiều. Chênh lệch giữa giá mua và bán duy trì ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn phiên hôm qua cũng được điều chỉnh tăng 300.000 đồng mỗi chiều, niêm yết tại 82,8-84,7 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Giá vàng trong nước tăng cùng diễn biến thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao dịch quanh 2.662 USD/ounce, tăng 25 USD so với trước đó. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 81,6 triệu đồng/lượng.