Những người có tên trong di chúc sẽ được nhận di sản thừa kế do người chết để lại. Tuy nhiên, vẫn có những người không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế. Vậy họ là ai?
1. Người không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế là ai?
Theo Bộ luật Dân sự 91/2015/QH13, nếu người chết để lại di chúc hợp pháp, tài sản của người đó sẽ được chia theo di chúc; nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp lệ… thì chia theo pháp luật.
Tuy vậy, Điều 644 của Bộ luật này quy định có 06 nhóm đối tượng được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, gồm:
– Con chưa thành niên của người để lại di sản;
– Cha của người để lại di sản;
– Mẹ của người để lại di sản;
– Vợ của người để lại di sản;
– Chồng của người để lại di sản;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản.
Theo đó, cho dù những người trên không có tên trong di chúc, nhưng vì mối quan hệ huyết thống, quan hệ vợ chồng gắn bó với người mất mà pháp luật quy định những người này vẫn được hưởng di sản thừa kế.
Lưu ý: Tuy nhiên, quy định này sẽ không áp dụng đối với những người thuộc đối tượng nêu trên nhưng từ chối nhận di sản thừa kế hoặc không có quyền nhận di sản thừa kế (Đã bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe người để lại di sản; Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản…).
2. Mức hưởng của người thừa kế không phụ thuộc di chúc
Cũng tại Điều 644 của Bộ luật Dân sự 2015, những người không có tên trong di chúc vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản thừa kế được chia theo pháp luật.
Tương tự, trường hợp người để lại di chúc chỉ cho họ hưởng di sản ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, thì những đối tượng này vẫn được hưởng bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
3. Thủ tục hưởng di sản thừa kế theo di chúc
Để hưởng di sản thừa kế theo di chúc thì người thừa kế phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc. Nếu di sản là bất động sản, động sản phải đăng ký thì cần phải thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Dưới đây là thủ tục tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng số 53/2014/QH13. Cụ thể:
– Giấy tờ cần chuẩn bị
- Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu)
- Giấy tờ chứng minh di sản thuộc sở hữu hợp pháp của người để lại di sản như Sổ đỏ, sổ hồng, giấy tờ về sổ tiết kiệm, giấy đăng ký xe…
- Giấy chứng tử của người để lại di sản hoặc bản sao trích lục khai tử…
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di chúc và người thừa kế (nếu có)…
– Cơ quan thực hiện: Tổ chức hành nghề công chứng gồm Văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng.
– Thời gian giải quyết: Từ 02 – 10 ngày làm việc không kể thời gian niêm yết công khai thông báo…
– Trình tự, thủ tục thực hiện:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Bước 2: Thực hiện công chứng văn bản. Tại bước này, sẽ phải thực hiện các công việc sau:
– Công chứng viên kiểm tra giấy tờ, dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế.
– Niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất… trong thời hạn 15 ngày.
– Công chứng viên thực hiện công chứng văn bản khai nhận thừa kế.
– Người thừa kế đọc lại dự thảo, ký tên vào văn bản dưới sự chứng kiến của công chứng viên.
– Người thừa kế nhận bản chính văn bản khai nhận di sản thừa kế đã công chứng và nộp phí, thù lao công chứng theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng…