Câu hỏi
Bố tôi mất và không để lại di chúc, trong khi sổ đỏ đất nhà chúng tôi đứng tên của cả bố và mẹ. Hiện giờ mẹ tôi muốn tách sổ cho các con (nhà em có 2 anh em), vậy thủ tục thực hiện thế nào?
Trả lời
Thứ nhất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đứng tên cả bố và mẹ bạn. Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Khi bố bạn qua đời mà không để lại di chúc thì 1/2 mảnh đất được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Hàng thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự bao gồm: hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bố.
Theo quy định trên, ông bà nội (nếu ông bà còn sống), mẹ của bạn, 2 anh em của bạn là các đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất. 1/2 tài sản trong khối tài sản chung của bố mẹ bạn là di sản thừa kế của bố bạn. Phần di sản của bố bạn sẽ được chia đều cho những người cùng hàng thừa kế, đó là: mẹ bạn, 2 anh em của bạn, (và ông nội, bà nội của bạn nếu còn sống)
Hai anh em bạn có thể từ chối quyền thừa kế, sau đó mẹ bạn sẽ làm thủ tục thoả thuận di sản thừa kế. Tiếp đó, mẹ bạn tiến hành sang tên sổ đỏ đứng tên mẹ bạn. Sau khi sổ đỏ đứng tên mẹ bạn, nếu đáp ứng các điều kiện về tách thửa thì mẹ bạn và các con làm thủ tục tách thửa.
Thủ tục thực hiện tách thửa như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ tại khoản 1 điều 2 và khoản 11 điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ tách thửa bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị tách thửa theo mẫu số 11/ĐK
- Bản gốc sổ đỏ
- CCCD chứng thực của mẹ bạn và anh em bạn
Bước 2 : Tiếp nhận hồ sơ
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 3 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ, trao phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).
Bước 3: Các công việc
Tách thửa khi chuyển nhượng, tặng cho thửa đất thì Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất và chuyển bản trích đo thửa đất mới tách cho người sử dụng đất để thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng một phần thửa đất mới tách.
- Thực hiện thủ tục đăng ký biến động đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào sổ đỏ đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền.
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Bước 4. Trả kết quả
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ trao sổ đỏ cho bạn hoặc gửi UBND cấp xã. Để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có kết quả giải quyết trường hợp tách thửa mảnh đất.
Căn cứ Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP, đối với lệ phí trước bạ thì trường hợp mẹ tặng cho con đất đai được miễn lệ phí trước bạ. Để được miễn nộp thì trong hồ sơ thực hiện sang tên, bạn cần có thêm giấy khai sinh (bản sao) để chứng minh quan hệ mẹ con. Đối với thuế thu nhập cá nhân thì mẹ tặng cho con cũng được miễn thuế.
Khi tiến hành thủ tục tách thửa, bạn nộp chi phí đo đạc, phí thẩm định, lệ phí cấp sổ mới.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: [email protected]