Tôi hốt hoảng chạy theo cái xe rác đã vòng vèo qua 2 đoạn phố, may mà vẫn kịp lấy lại cái chảo đắt tiền.
Nói ra thì bảo khoe, nhưng thực sự tôi có một thói quen rất khó bỏ. Ấy là mua sắm đồ gia dụng trong nhà lúc nào cũng phải chọn thứ đắt, bởi tôi thấy câu nói “tiền nào của nấy” không sai tí nào cả.
Ngày xưa hồi sinh viên nghèo túng, chi phí sinh hoạt chỉ có mỗi vài trăm nghìn nên tôi luôn phải chi tiêu tằn tiện. Cơm chẳng dám ăn, có những ngày tôi chỉ mua một cốc chè thập cẩm giá 10 nghìn rồi chia đôi 2 bữa để có sức đi học. Quần áo đồ đạc cái gì cũng rẻ tiền, biết là nhanh hỏng nhanh nát nên tôi luôn cố gắng dùng cẩn thận hết mức.
Đến khi ra trường đi làm tôi cũng không dám chi tiêu phung phí bởi khi đó lương chỉ có 3 triệu rưỡi. Tôi ở phòng trọ giá 800 nghìn, xa trung tâm, xa bến xe bus, mỗi ngày đi bộ ra bến xong chen chúc xe cộ đến công ty khiến tôi kiệt quệ.
Không bao giờ tôi quên những ngày tháng cực khổ đó nên bây giờ quan điểm sống của tôi rất cởi mở. Tôi chỉ tiết kiệm một khoản nhỏ phòng thân thôi, còn lại thì ăn uống hưởng thụ thoải mái. Cái gì hợp lý thì tôi đều không tiếc, đặc biệt là chi tiêu cho gia đình thì lúc nào tôi cũng chọn thứ tốt nhất chứ chẳng bao giờ chọn đồ tạm bợ rẻ tiền.
Lúc mới lấy chồng tôi cũng hay cân đối tính toán lắm. Sau 8 năm thì đời sống gia đình tôi đã dần khá hơn, 2 vợ chồng may mắn mua được một căn tập thể cũ giá rẻ từ người quen nên mọi thứ bây giờ đã ổn định nề nếp rồi. Công việc của vợ chồng tôi cũng thăng tiến tốt, thu nhập dư dả với một nhà 3 người. Hàng tháng tiêu thoải mái cũng không tới 25 triệu, thừa bao nhiêu tôi đem đi mua vàng hết.
Chồng tôi luôn nói rất yên tâm khi để vợ cầm kinh tế hộ. Anh ấy không giỏi việc cân đối chi tiêu, nhìn mớ hóa đơn sinh hoạt phí mỗi tháng tôi đứng ra trả thôi là anh ấy đã hết hồn rồi. Chồng biết tôi làm gì cũng vun vén hết cho gia đình nên yên tâm để tôi tiêu xài theo ý thích.
Tôi cứ duy trì thói quen mua sắm theo quan điểm riêng cũng vài năm nay rồi. Mấy thứ linh tinh kiểu thảm chùi chân, lau tay thì tôi mua cả lố rẻ dùng dần, còn đồ gia dụng quan trọng kiểu nồi niêu xoong chảo, robot hút bụi, máy rửa bát… thì tôi đầu tư loại xịn hết. Mua 1 lần mà dùng vài chục năm còn tốt hơn là tiếc tiền xong sắm đi sắm lại.
Đợt rồi trên các nhóm nội trợ mà tôi tham gia đều bàn tán rôm rả về cái chảo inox. Mọi người khen chảo này “thần kỳ”, không cần dầu ăn mà rán gì cũng giòn ngon đẹp mắt. Tôi cũng mê các món chiên đơn giản lắm, kiểu đậu lướt ván hoặc cá chiên giòn ấy. Thế là sau 7749 ngày nghiên cứu đọc review trên mạng, tôi chốt đặt mua một cái chảo inox nguyên khối chống dính giá hơn 3 triệu đồng để phục vụ đam mê nấu nướng
Khoe với mấy chị đồng nghiệp thì bà nào cũng giật mình kêu tôi “xài sang”. Với họ thì chảo mấy trăm nghìn hoặc cùng lắm 1 triệu là nấu tốt lắm rồi, thế mà tôi “chơi lớn” sắm hẳn cái 3 triệu! Nhưng nói thật là ngoài kia đầy chị nhà giàu còn khoe chảo inox nhập ngoại đắt hơn cơ. Với dòng chảo inox thì giá như tôi mua là bình thường rồi ấy.
Nay nhận hàng xong tôi hí hửng mở ra xem rồi để luôn trên bếp, định tối về sẽ thử xem công dụng có thần kỳ như quảng cáo không. Nhưng chưa kịp đi chợ thì lúc chiều tự dưng mẹ chồng nhắn tin bảo sang ăn tối với cháu nội. Mẹ xách cả thịt gà rau củ qua nên tôi nhờ bà nấu cơm luôn cho lẹ.
Tôi bận họp nên không để ý mấy cuộc gọi nhỡ từ mẹ chồng. Về đến cửa mới thấy cái bếp tanh bành còn mẹ chồng thì đang hì hục tắm cho cháu. Hình như mẹ làm món đậu rán như tôi mong muốn, tuy nhiên đống đậu ấy đã biến thành mớ nát bét nằm trên đĩa, lại còn văng vụn tung tóe trắng phớ cả mặt bếp từ.
Tôi vội xắn tay vào dọn dẹp lại và thay mẹ nấu nốt bữa cơm. Ngó nghiêng mãi không thấy cái chảo inox mới mua đâu, tôi hỏi mẹ chồng thì bà buông câu như sét đánh ngang tai: “Mẹ vứt ra sọt rác rồi, mày mua cái chảo gì mà đểu thế, đã không chống dính còn nóng khiếp lên được, rán đậu không thể lật được, chỗ cháy chỗ nát bực cả mình!” .
Thấy tôi ôm đầu lục thùng rác, mẹ chồng liền bảo bà quăng luôn ra xe rác lúc nãy rồi. Tôi mếu máo nói với bà rằng cái chảo ấy vừa mua giá 3 triệu, mẹ chồng sốc quá đánh rơi cả cục xà phòng xuống đất!
Thế là tôi chạy ào xuống dưới tìm xe rác. Trời ơi cái chảo đắt đỏ tôi chưa dùng lần nào, mẹ chồng tưởng chảo cũ đánh bóng lại mới khổ! Bác hàng nước dưới chân khu tập thể bảo xe rác vừa đi được một lúc rồi. Tôi sấp ngửa mượn xe đạp của bác chạy đuổi theo, vòng vèo qua 2-3 khu phố thì may quá thấy xe đang dừng hốt rác. Vội trình bày hoàn cảnh với các cô chú lao công, họ mắng cho mấy câu xong lấy gậy khều rác ra để tìm hộ tôi cái chảo.
Tôi cố gắng chịu đựng mùi thối xộc lên để căng mắt nhìn xem chảo ở đâu. May quá nó vừa bị vứt nên nằm ở chỗ nông, người ta bới mấy cái là thấy. Gửi ít tiền cảm ơn nhân viên gom rác xong tôi phải bịt mũi đem cái chảo về cọ rửa.
Về nhà tôi không dám hé răng trách mẹ chồng nửa lời, còn bị bà mắng thêm vì tội tiêu hoang. Bà kêu giời kêu đất lên, không hiểu tại sao con dâu lại “ăn chơi” đến mức bỏ mấy triệu ra để mua một cái chảo rán. Tôi nhức đầu lắm nhưng không dám cãi lại, sợ mẹ chồng tức giận lại tăng huyết áp.
Nhớ lại hình ảnh cái chảo nằm lẫn trong đống rác bẩn mà tôi rùng mình. Giờ có đem rửa sạch thì tôi cũng không dám nấu món gì cả, chẳng lẽ cái số tôi không có duyên với chảo inox hay sao?