Sống với nhau 7 năm, tôi chưa bao giờ thấy vợ chi một đồng tiền lương mà chỉ tìm cách bòn rút tiền mồ hôi nước mắt của chồng cho nhà ngoại
Nói chuyện này ra, chắc tôi sẽ bị nhiều người bảo rằng làm chồng mà tính toán thiệt hơn với cả vợ mình. Tuy nhiên, mọi thứ đều có giới hạn của nó. Cuộc sống của gia đình của là hai bên cùng vun đắp, nếu như dồn hết trách nhiệm về phía chồng thì vai trò của người vợ trong gia đình sẽ là gì?
Tôi và vợ cưới nhau đã 7 năm. Trước đây, vợ tôi sống ở nông thôn, còn tôi là trai Hà Nội. Sau đám cưới, bố mẹ tôi tặng một căn chung cư nhỏ vì muốn tạo điều kiện cho hai vợ chồng có không gian riêng. Rồi lần lượt 2 đứa con chào đời, cuộc sống của gia đình tôi cứ thế êm đềm trôi.
Biết vợ trước đây sống thiếu thốn nên tôi luôn cố gắng bù đắp, mong muốn cô ấy được hưởng một cuộc sống tốt hơn. Vợ tôi làm trong cơ quan nhà nước, tôi đoán lương chắc chỉ đủ mua sắm cho bản thân nên cũng không yêu cầu cô ấy phải đóng góp gì cho gia đình. Hàng tháng, tôi đưa cô ấy 30 triệu đồng để chi tiêu gia đình. Số thu nhập còn lại, tôi giữ một chút để tiêu vặt và gửi vào sổ tiết kiệm chung, để dành cho các khoản lớn phát sinh sau này.
Vợ tôi không phải lo bất cứ khoản chi nào cho gia đình. (Ảnh minh họa: AI)
Vợ tôi không bao giờ nói về thu nhập của mình. Tuy nhiên, sau này để ý thấy tháng nào cô ấy cũng gửi yến, gửi sâm và vài triệu đồng về biếu bố mẹ đẻ từ tiền riêng nên tôi nghĩ thu nhập của vợ không phải là quá thấp. Chỉ có điều, với bất cứ khoản chi nào của gia đình, vợ luôn mặc định đấy là nhiệm vụ của tôi và để mình tôi gánh vác. Bao năm nay, điều đó đã thành thói quen nên tôi cũng không có thắc mắc gì nhiều.
Chỉ có điều, gia đình vợ tôi có nhiều anh chị em, và thường xuyên có việc. Mỗi lần có phát sinh gì, vợ lại hỏi tôi tiền để lo cho gia đình, từ chuyện ông bà ngoại làm đám giỗ tới việc chị gái, anh trai, em út cần sửa nhà, mua xe… Những khoản chi đó quá thường xuyên khiến tôi thấy không thoải mái, nhưng không dám nói vì sợ vợ tự ái, chỉ biết tìm cách đáp ứng.
Với số tiền chục triệu đồng trở lại thì tôi không muốn tính toán nhiều, nhưng trong vòng 2 năm nay, cô ấy đã 2 lần bảo tôi trích tiền tiết kiệm ra cho nhà đẻ vay. Khi thì là anh trai muốn mua căn nhà 1,5 tỷ đồng nhưng mới chỉ có 800 triệu, gần đây nhất thì là lo đám cưới cho em út nhà cô ấy.
Vợ tôi bảo nhà thông gia tương đối khá giả nên cô ấy cũng muốn bố mẹ mình mình nở mày nở mặt chút, muốn tôi trích 200 triệu đồng từ tiền tiết kiệm cho bên ngoại vay tạm để tổ chức cho đàng hoàng.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như mới đây công ty tôi không có sự thay đổi về cơ cấu. Tôi được điều chuyển từ bộ phận văn phòng xuống bộ phận quản lý ở nhà máy, cách nhà tới hơn 20km. Nghĩ cảnh sáng nào cũng đưa con đi học rồi tới nhà máy trên một quãng đường quá xa, tôi thấy mệt mỏi nên bàn với vợ mua ô tô để tiện đi lại, điều đó đồng nghĩa với việc phải nhắc bên ngoạ trả lại hai khoản vay lớn kia mới đủ tiền.
Nghe tôi đưa ra ý kiến, vợ tỏ vẻ rất khó chịu, nói: “Anh nên khắc phục đi xe máy một thời gian xem, chứ mới cho vay được hai năm đã đòi tiền thì mang tiếng vợ chồng mình hẹp hòi với anh em”. Dù tôi phân tích hết nước hết cái về việc đi lại xa xôi, nguy hiểm, rồi có cái xe che mưa che nắng con đi học cũng đỡ khổ, nhưng cô ấy vẫn lắc đầu quầy quậy, bảo để vài năm nữa hẵng hay.
Điều tôi bực mình nhất là vợ không có động thái nào để nhắc nhà ngoại nghĩa vụ trả tiền. Trong khi đó, anh trai và em út cô ấy dù đang nợ nhưng vẫn không có ý thức tiết kiệm, thường xuyên khoe ảnh ăn uống nhà hàng, đi du lịch khắp nơi. Với cách sống hưởng thụ của họ thì không biết bao giờ tôi mới đòi lại được khoản vay.
Nói ra thì gây căng thẳng gia đình, rồi vợ tôi lại bảo tôi tính toán với nhà ngoại. Mà không nói thì tôi thấy rất khó chịu với việc mình nai lưng ra làm rồi cuối cùng khi có việc lại không thể dùng tiền của chính mình. Rất mong độc giả cho tôi lời khuyên để vợ tôi có thể chủ động nhắc nhà ngoại trong việc trả nợ thay vì cứ ung dung sống mà như quên mất khoản tiền tiết kiệm của tôi.