Sáng thứ sáu đông khách, không khí ở quầy giao dịch ngân hàng nhộn nhịp hơn hẳn. Mọi người qua lại tấp nập, kẻ rút tiền, người gửi tiền. Giữa dòng người ấy, một bà cụ bước vào, dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng đặc biệt khiến ai cũng phải chú ý. Bà cụ chừng hơn 70 tuổi, tóc đã bạc phơ, lưng còng rạp xuống đất. Bà mặc chiếc áo đã sờn cũ nhưng sạch sẽ, gọn gàng, tay xách chiếc làn nhựa đỏ bạc màu.
Bà rụt rè tiến tới quầy giao dịch nơi tôi đang làm việc. Cụ mỉm cười, nhẹ nhàng nói:
- Cô xem giúp bà cái sổ tiết kiệm 20 triệu này tới ngày chưa? Mắt bà kém quá, chẳng nhìn rõ được gì. Nếu tới ngày, cho bà gửi thêm 10 triệu nữa được không cô?
Nghe bà hỏi, tôi vui vẻ đáp:
- Dạ, được bà ạ. Để con kiểm tra giúp bà nhé.
Bà cụ gật đầu, rồi từ trong chiếc làn nhựa, bà cẩn thận lấy ra một cuốn sổ tiết kiệm được bọc kỹ trong túi vải nâu và thêm một lớp túi nhựa bên ngoài. Tôi mở sổ ra kiểm tra, đúng là sổ đã tới hạn. Trong khi tôi làm phiếu gửi tiền mới, bà lại lục túi quần, lấy ra một cuộn tiền nhỏ được cuốn tròn chặt. Đưa cuộn tiền cho tôi, bà khẽ nói:
- Đây là 10 triệu. Tiền thằng út cho đấy.
Cuộn tiền nhỏ, nhưng các tờ tiền bên trong đều thẳng thớm và sạch sẽ. Tuy nhiên, do được cuộn lại lâu ngày, chúng hơi xoăn. Khi tôi cẩn thận xếp lại từng tờ để kiểm đếm, bà cụ ngồi bên, như chợt nhớ điều gì, liền kể:
- Thằng út cho bà cả 100 triệu cơ. Nhưng mà mấy đứa lớn trong nhà khó khăn, nay đứa mượn 10 triệu, mai đứa mượn 5 triệu, thành ra giờ bà chỉ còn chừng này. Hôm qua thằng cả trả lại 10 triệu, bà phải mang ra đây gửi ngay kẻo chúng nó lại hỏi vay.
Nghe bà kể, tôi vừa xót xa, vừa thầm cảm phục. Một người mẹ lớn tuổi, cả đời tần tảo nuôi con, nay vẫn cố giữ chút tiền ít ỏi cho bản thân, không muốn làm phiền con cái. Tôi hỏi thêm:
- Thế hôm nay có ai chở bà đi không? Bà giữ tiền làm gì mà không để mua gì ngon mà ăn cho khỏe?
Bà cười buồn, rồi nói như tâm sự:
- Ừ, thằng út cũng bảo thế đấy. Nó cho tiền để mẹ ăn uống, bảo mẹ không phải lo gì cả. Nhưng cô biết không, bà không dám tiêu. Bà đem gửi, để sau này lỡ có làm sao thì con cháu không phải góp tiền làm đám ma cho bà.
Tôi hơi sững người, không ngờ một người già như bà lại suy nghĩ sâu xa đến vậy. Bà tiếp tục kể, giọng thoáng chút lo âu:
- Có hôm mệt, bà không ra ngân hàng được, lại phải bỏ tiền vào lọ đem chôn ngoài vườn. Nhưng chôn xong lại sợ, lỡ bà chết đi không ai biết mà đào lên, thế thì mất hết.
Tôi nghe xong vừa thương, vừa thấy buồn cười vì sự cẩn thận của bà. Tôi nhẹ nhàng trấn an:
- Dạ, bà cứ mang ra ngân hàng gửi cho yên tâm. Để tiền ở đây vừa an toàn, lại có sổ sách rõ ràng.
Bà cụ ngập ngừng, rồi hỏi:
- Thế nếu bà chết, con cái bà có lấy được không?
Tôi gật đầu, giải thích thêm:
- Dạ được bà. Nếu con cái bà cầm sổ tiết kiệm ra, chúng con sẽ hướng dẫn thủ tục rút tiền.
Nhưng bà lập tức xua tay:
- Không. Không. Bây giờ chưa đâu. Bà phải giấu chúng nó. Để sau này lúc bà làm đám ma, không đứa nào phải góp. Chứ giờ mà chúng nó biết, lại xâu xé nhau. Nhà bà nghèo, của cải không có để chia, bà sợ đến cả tiền góp đám ma cũng làm các con tranh cãi.
Nói đến đây, bà cụ như lảng tránh ánh mắt của tôi, ánh mắt bà buồn rười rượi, thở dài thườn thượt. Tôi cũng chẳng biết nói gì hơn, chỉ lặng lẽ hoàn thành nốt các thủ tục gửi tiền cho bà.
Bà ký tên lên giấy tờ, cẩn thận nhận lại cuốn sổ tiết kiệm được tôi bọc kỹ càng như lúc đầu. Trước khi rời đi, bà cảm ơn tôi rối rít, rồi lại khẽ nói:
- Cô giúp bà giữ bí mật nhé. Đừng kể ai nghe, nhất là mấy đứa con bà.
Tôi mỉm cười, gật đầu, nhìn theo dáng bà bước ra khỏi cửa ngân hàng. Một người mẹ già nua, lưng còng, với tình yêu thương con cái vô bờ bến. Tôi cứ tự hỏi, liệu những người con của bà có biết, đằng sau sự tằn tiện của mẹ là cả một tấm lòng hy sinh thầm lặng?
Câu chuyện ấy, mãi mãi khiến tôi khắc ghi. Không chỉ là câu chuyện về tiền bạc, mà còn là bài học về tình yêu thương và sự hy sinh. Người mẹ ấy, dù già yếu, vẫn cố gắng làm tất cả để con cái không phải khổ thêm vì mình. Và cũng là để giữ trọn vẹn sự bình yên cho gia đình nhỏ bé của bà.