Mẹ muốn ly hôn, tôi mắc kẹt giữa “cuộc chiến” của bố mẹ chồng
Tôi biết, bố sợ điều tiếng. Xóm làng luôn để ý rồi bàn tán rằng, ông bạc đãi vợ nên bà mới phải tới nhà con ở nhờ.
Đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh mẹ chồng đứng ở cửa nhà vợ chồng tôi, tay xách túi nhỏ, ánh mắt buồn bã. Mẹ không nói nhiều, chỉ bảo: “Mẹ ra Hà Nội ở với các con một thời gian”. Sau đó, tôi mới biết bố mẹ chồng tôi lại cãi nhau.
Dù bà không bộc lộ cảm xúc ra ngoài, tôi biết bà rất buồn. Căn nhà bà đã dành cả thanh xuân để vun vén, giờ phải rời xa chỉ vì những trận cãi vã.
Với nhiều người, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu thường là “cơm không lành, canh không ngọt”. Nhưng tôi và mẹ chồng lại rất thân thiết.
Từ trước đến giờ, tôi luôn kính trọng mẹ chồng. Mẹ hiền lành, chịu thương chịu khó, cả đời chỉ biết lo cho chồng con. Tính bố gia trưởng, song mẹ luôn nhẫn nhịn.
Lần này, khi bố gắt gỏng, quát tháo rồi thẳng thừng đuổi mẹ đi, mẹ không nói lại nửa lời, chỉ lặng lẽ thu dọn đồ đạc. Tôi biết, sự im lặng ấy không phải vì mẹ cam chịu, mà vì mẹ đã quá mệt mỏi.
Nhà tôi ở Hà Nội không lớn, nhưng vẫn đủ chỗ cho mẹ. Ngày mẹ lên, tôi và chồng cố gắng làm mẹ vui, đưa mẹ đi đây đi đó để quên đi nỗi buồn. Mẹ cũng cố gắng cười, nhưng đôi lúc tôi vẫn thấy mẹ ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm. Chắc mẹ nhớ nhà, nhớ góc sân quen thuộc, nhớ những buổi chiều tự tay mẹ nấu cơm cho cả gia đình.
Thời gian trôi qua, tôi cứ nghĩ mọi chuyện sẽ ổn, nhưng rồi lại nghe những lời bóng gió từ bố. Ông không gọi cho mẹ chồng tôi, mà lại gọi cho vợ chồng tôi để nói chuyện.
Ông kể về những bàn tán của hàng xóm, rằng “thiếu mẹ, nhà cửa trông như nhà hoang” hay “Tết nhất tới nơi mà mẹ của anh chị còn ở Hà Nội chơi chưa về”.
Tôi biết, bố sợ điều tiếng. Xóm làng luôn để ý, bàn tán rằng, ông bạc đãi vợ nên bà mới phải tới nhà con ở. Điều khiến tôi buồn là bố chưa một lần nhìn nhận lại bản thân hay nói một lời xin lỗi với mẹ chồng tôi.
Chồng tôi cũng khó xử. Anh là người con hiếu thảo, luôn muốn gia đình hòa thuận. Anh bảo tôi khuyên mẹ về nói chuyện với bố, nhưng tôi hiểu mẹ hơn. Mẹ có thể về nhưng không phải vì bố, hay vì những lời bóng gió. Mẹ chỉ muốn về khi lòng mẹ thực sự nhẹ nhõm, khi cảm thấy mình được trân trọng.
Mỗi tối, tôi ngồi nói chuyện với mẹ, nghe mẹ tâm sự về những kỷ niệm cũ, về thời bố mẹ còn trẻ, cùng nhau xây dựng mọi thứ từ bàn tay trắng. Tôi hỏi mẹ có muốn về không, mẹ cười buồn rồi lại bật khóc. Mẹ bảo lần này đã nghĩ đến chuyện ly hôn.
Suốt nhiều năm qua, bà đã quá mệt mỏi khi phải sống với một người chồng gia trưởng. Ly hôn ở tuổi xế chiều là điều không ai mong muốn, song bà lại không ngừng nghĩ đến “lối thoát” này.
Khi tôi tâm sự với chồng, anh lại tỏ ra không đồng tình với phương án ly hôn và cho rằng, mâu thuẫn của hai bố mẹ bao nhiêu năm vẫn vậy. Đến tuổi gần đất xa trời mà lôi nhau ra tòa thì còn ra thể thống gì?
Tôi hiểu, anh lo ngại chuyện bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến danh dự của anh với bạn bè, các mối quan hệ khác. Bố chồng thì liên tục nhắn tin cho tôi, bóng gió nói khuyên bà về. Ông còn nghĩ, tôi đang cố tình giữ bà ở lại để đỡ đần tôi việc nhà, chăm sóc con cái.
Tôi không muốn đứng giữa để giải quyết mọi thứ, nhưng tôi cũng không thể làm ngơ trước sự bất công mà mẹ chồng phải chịu đựng. Có điều, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu?