Xe máy đi lên vỉa hè và ôtô dừng đỗ sai quy định trên vỉa hè đều là nguyên nhân khiến hè phố xuống cấp, hư hỏng. Tuy nhiên, hiện mức xử phạt với 2 hành vi này lại đang có sự chênh lệch quá lớn.
Phạt nặng xe máy leo vỉa hè
Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực từ 1.1.2025. Theo Nghị định mới, nhiều hành vi, nhóm hành vi được tăng nặng mức xử phạt, có hành vi tăng mức phạt lên nhiều lần so với Nghị định 100/2019.
Đơn cử như người điều khiển xe máy trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan) sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng. Đây là mức phạt được cho là rất cao, đủ tính răn đe để người dân hạn chế leo lề đường, vỉa hè, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Lao Động trên đường Nguyễn Xiển hướng về nút giao Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho thấy, vỉa hè lởm chởm đá, gồ ghề, lồi lõm… dòng xe máy nối đuôi nhau đi trên vỉa hè, luồn lách qua những chiếc ôtô cũng đang đỗ san sát trên đó. Có thời điểm người đi bộ hoàn toàn không còn lối đi ngay trên phần đường của mình.
Tỏ ra ngao ngán trước cảnh bụi bặm, chị Nguyễn Thị Chóng – chủ một cửa hàng kinh doanh trên đường Nguyễn Xiển cho hay, vỉa hè trên trục đường này xuống cấp đã lâu nhưng chưa được sửa chữa. Chia sẻ với PV, chị Chóng mong muốn cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm trường hợp xe máy đi lên vỉa hè đồng thời phải xử nghiêm các trường hợp ôtô đỗ sai quy định trên vỉa hè, bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vỉa hè hư hỏng.
Cần tăng mức phạt ôtô đỗ sai quy định trên vỉa hè
Theo ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam), việc xử phạt người đi xe máy trên vỉa hè chiếm chỗ của người đi bộ, mất an toàn giao thông sẽ phải phạt cả ôtô ở mức tương đương hoặc cao hơn.
Cũng theo ông Thanh, phải xử lý nghiêm và công bằng giữa các phương tiện vi phạm, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, trong Nghị định 168 mức xử phạt ôtô đỗ trên vỉa hè không đúng quy định vẫn còn nhẹ, bất hợp lý do đó cơ quan chức năng cần tiếp thu, sửa đổi để hợp lý.
“Việc sử dụng vỉa hè, làm nơi trông giữ xe ôtô rất lãng phí vì Hà Nội đã chi hàng nghìn tỉ đồng để tôn tạo, sửa chữa và lát mới vỉa hè nhưng lại làm nơi trông giữ xe” – ông Thanh cho hay.
Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi đi xe máy trên vỉa hè và ôtô dừng đỗ trên vỉa hè theo Nghị định 168 là “nghiêm khắc với xe máy nhưng nương nhẹ với ôtô”, bởi đây đều là hành vi gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người đi bộ, làm hư hỏng hạ tầng giao thông.
“Thực tế là phải xử phạt để đảm bảo sự công bằng, sự nghiêm minh của pháp luật đối với các đối tượng, các hành vi tham gia giao thông đều phải có trách nhiệm về pháp lý như nhau. Việc người đi xe máy đi trên bị phạt nặng thì đương nhiên ôtô đỗ ở vỉa hè lòng đường cũng phải xử phạt và phải xử phạt nghiêm khắc. Đó là đảm bảo tính công minh, sẽ giúp giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, sử dụng vào mục đích riêng” – ông Ánh nói.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái – Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải – cho rằng, về nguyên tắc vỉa hè dành cho người đi bộ và có thể cả người đi xe đạp. Nhưng một thời gian dài trong quá trình phát triển chúng ta đã quên giao thông tĩnh (chỗ đỗ phương tiện), nhiều khu vực tại nội thành không biết đỗ xe ở đâu.
Khi các phương tiện bùng nổ, chúng ta mới phát hiện không có chỗ đỗ xe, trong khi tỉ lệ giao thông tĩnh phải chiếm đến trên 30%, trong khi ở Hà Nội cực kỳ thấp. Để giải quyết vấn đề bất cập này cần phải quy hoạch lại việc đỗ ở tuyến đường nào cho phép đỗ và đỗ ở mức độ nào, cần phải công khai.
Việc lưu thông trên vỉa hè gây cản trở và mất an toàn giao thông cần phải xử lý nghiêm. Mức phạt nặng mới đủ sức răn đe vì tại rất nhiều tuyến phố của Hà Nội vào giờ cao điểm xe máy đi lên vỉa hè, đi ngược chiều là điều không hiếm. Do đó, chúng ta cần có quy hoạch các đoạn tuyến vỉa hè nào và điều kiện gì thì được đỗ xe ôtô trên vỉa hè. Vỉa hè mục đích là để cho người đi bộ và phương tiện thô sơ lưu thông, nhưng ở một số nước vỉa hè cũng để kinh doanh, nhưng phải phù hợp với từng điều kiện, phải nộp thuế, phí và đảm đảm môi trường.
“Mục đích cuối cùng là vỉa hè dành cho người đi bộ, không phải vỉa hè nào cũng có thể kinh doanh, việc kinh doanh cũng phải có phần đường cho người đi bộ” – PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đối với hành vi đỗ, để xe ôtô ở vỉa hè trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” bị xử phạt từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng.