Ô tô không dám vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu hoả vì sợ bay 20 củ … Nếu cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ phạt tiền 6-8 triệu ..LS giải đáp Phải đi thế nào cho đúng ??

Ô tô không dám vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu hoả vì sợ bay 20 củ
Mới đây, trên nhóm mạng xã hội xuất hiện đoạn clip xe ô tô và xe máy phía trước không nhường đường cho xe cứu hỏa đang hú còi khiến cảnh sát PCCC phải xuống xe nhắc nhở. Sau đó, người đi xe máy phía trước chạy tới, ô tô con cho xe lách qua trái thì xe cứu hỏa mới tiếp tục di chuyển.
Theo Nghị định 168/2024, mức phạt lỗi vi phạm vượt đèn đỏ lên tới 20 triệu đồng đối với ô tô và 6 triệu đồng đối với xe máy. Bên cạnh đó, việc người dân có thể ghi hình xe vi phạm gửi CSGT cũng khiến người tham gia giao thông thắc mắc làm sao để chứng minh vượt đèn đỏ để nhường đường xe ưu tiên.
Đoạn clip nhận nhiều ý kiến tranh luận. Tài khoản Henry Tran viết: “20 triệu đấy” mở đầu cho các ý kiến. Nickname Lê Quốc Thịnh phản bác: “Trường hợp vượt đèn đỏ nhường xe ưu tiên, không phạm luật”.
Facebooker LK Lam phản hồi: “Nhưng không có bằng chứng thì vẫn ăn phạt. Lúc trước có vụ ở tỉnh nào rồi, xe hơi né xe cấp cứu nên lên hơn nửa xe đánh lái lấn làn xe máy, 40 giây sau CSGT lên. Ban đầu đoán này nọ hồi có người nói biết vụ đó và đã bị phạt rồi”.
Đồng quan điểm, anh Hoàng Thắng bình luận: “Phải đi chứng minh mới không bị phạt 20 triệu nhé”.
Ý kiến của tài khoản Vuong Lam: “Vượt đèn nhường xe ưu tiên không bao giờ bị phạt” nhận được sự tương tác khá cao từ cư dân mạng. Nickname Long Ca cho rằng, lúc bị phạt phải lưu video để chứng minh mới an toàn được vì phạt nguội là camera AI không phải con người.

(Dân trí) – Theo luật sư, hành vi vượt đèn đỏ là lỗi vi phạm hành chính, nhưng xảy ra trong tình thế cấp thiết thì người vi phạm sẽ không bị xử phạt.

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông tăng gấp nhiều lần so với quy định cũ, trong đó có mức phạt với hành vi vượt đèn đỏ. Theo đó, người vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với xe máy và 8-20 triệu đồng đối với ô tô.

Tuy nhiên, có một vấn đề được nhiều người đặt ra, đó là trong trường hợp buộc phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên, người điều khiển phương tiện có bị xử phạt hay không?

Luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Khoản 3, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định người điều khiển phương tiện không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt về hành vi “Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ”.

Mức phạt cho người lái ô tô vi phạm là phạt tiền 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng còn với người lái xe máy là 1-2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt cho ôtô hiện nay tăng lên thành 8-20 triệu đồng, còn xe máy là 4-6 triệu đồng.

Theo tâm lý thông thường, việc nhiều người lo sợ, không dám vượt đèn đỏ dù phía sau là xe ưu tiên là tâm lý thông thường khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, căn cứ quy định của pháp luật, người vượt đèn đỏ trong trường hợp này sẽ không bị xử phạt.

Theo Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết là trường hợp không xử phạt vi phạm hành chínhĐiều 12 Luật này quy định tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Như vậy, đối với trường hợp buộc phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho các xe ưu tiên, có thể thấy đây là việc làm cần thiết. Đây là hành động vi phạm, song chỉ gây thiệt hại cho trật tự quản lý hành chính, an toàn giao thông. Thiệt hại này nhỏ hơn so với thiệt hại sức khỏe, tính mạng của người trên phương tiện xe cấp cứu. Do đó, đây là trường hợp vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết, thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm, người vi phạm không bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính.