Đồng tiền càng dễ dàng có được, càng dễ mất. Thế nên muốn làm chủ thì trước hết phải quản lý được việc chi tiêu của bản thân.
Từ ngày đi học, anh tôi luôn đứng đầu lớp, anh học ở trường đại học lớn. Vừa tốt nghiệp, anh đã được công ty mời gọi đến làm với mức lương khởi điểm 30 triệu. Từ một nhân viên, anh trở thành quản lý và giờ là phó tổng giám đốc.
Gia đình chị dâu có công ty riêng, chị luôn hối thúc anh nghỉ việc về làm cùng nhưng anh chỉ muốn trung thành với nơi đã dìu dắt anh những năm đầu đời. Chưa bao giờ anh chị tiết lộ thu nhập mỗi tháng, tôi chỉ biết 2 người sống trong ngôi biệt thự có đầy đủ tiện nghi và có 4 suất đất cho người ta thuê làm xưởng sản xuất.
Trái với sự giàu có của anh chị là sự nghèo túng của vợ chồng tôi. Do ham chơi lười học nên giờ đây chúng tôi phải chật vật kiếm tiền nuôi các con. Những lần con đi bệnh viện không có tiền, tôi lại hỏi vay tiền anh trai. Nói là vay cho oai, chứ thật tình là anh cho, bởi tôi trả, anh cũng chẳng lấy.
Từ đầu năm đến nay, tần suất vay tiền của vợ chồng tôi càng nhiều hơn. Cứ khó khăn chút hay thiếu thốn gì là tôi lại nghĩ ngay đến anh trai. Tổng số tiền có lẽ hơn 100 triệu.
Tuần vừa rồi, chồng tôi nói chán công nhân, muốn ra ngoài làm ăn và gợi ý vợ xin anh trai một khoản tiền. Chồng bảo năm nay cũng hơn 40 tuổi, sức khỏe yếu, năng suất giảm, sớm muộn gì cũng phải thay đổi việc, bây giờ đổi nghề là hợp lý nhất.
Hôm kia, vợ chồng tôi qua nhà anh trai chơi. Chị dâu đi làm chưa về nên chúng tôi nói chuyện rất thoải mái. Trước tiên, tôi than phiền cuộc sống khó khăn, công việc vất vả và mong anh trai cho một khoản tiền để chúng tôi làm ăn.
Ảnh minh họa
Anh ấy chỉ vào chiếc điện thoại của chồng tôi và nói cho một tràng. Anh bảo vợ chồng tôi miệng lúc nào cũng kêu nghèo khổ khó khăn nhưng nhìn bên ngoài không ai bảo khổ. Xe thì đi SH, quần áo hết mốt này đến mốt kia, điện thoại của chồng tôi đang dùng có giá hơn 20 triệu. Trong khi anh làm ra tiền mà chỉ dùng chiếc 10 triệu.
Anh nói sẵn sàng cho tiền để làm ăn nhưng hiện tại chúng tôi chưa biết quản lý tiền, chi tiêu hoang phí, có cho tiền tỷ rồi cũng hết. Anh bảo chồng tôi không có khiếu kinh doanh, chỉ phù hợp với nghề làm công ăn lương, đừng bỏ nghề rồi gia đình bất ổn.
Chồng tôi bực tức nói:
“Anh không muốn cho tiền em thì thôi, đừng nói những lời coi thường xúc phạm thế”.
Anh tôi nói những người làm chủ phải có nhiều tố chất như gan lỳ, bản lĩnh, đầu óc tính toán nhạy bén, chịu khổ chịu nhục và có duyên. Anh trai tự nhận bản thân chưa đủ những yếu tố đó nên chỉ dám đi làm thuê cho người ta, đâu dám làm chủ.
Nghe anh trai nói thế, tôi như được mở mang đầu óc và khuyên chồng từ bỏ ý định ra ngoài làm. Nhưng chồng tôi tự tin khẳng định bản thân có tố chất làm chủ và nói sau khi nhận lương tháng thứ 13 sẽ nghỉ làm luôn. Đứng giữa 2 người đàn ông, tôi không biết nghe ai nữa?