Giá vàng hôm nay 10.4: Vàng trong nước tăng mạnh sau khi thị trường thế giới ghi nhận mức tăng hơn 85 USD/ounce chỉ sau một ngày.
Cập nhật giá vàng SJC
Tính đến 9h00, giá vàng miếng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết ở ngưỡng 100,4-103,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 3,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 3 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 100,4-103,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 3,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 3 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở ngưỡng 100,4-103,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 3,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn 9999
Tính đến 9h00 hôm nay, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 100,4-103,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 3,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 3 triệu đồng/lượng.

Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 100,5-103,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 3,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch mua vào – bán ra ở mức 3 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước biến động mạnh, khoảng cách mua – bán bị đẩy lên mức quá cao, khiến rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân tăng cao.
Trong bối cảnh thị trường vàng thế giới có nhiều biến động, mức chênh lệch mua vào – bán ra lớn của thị trường trong nước là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Nếu giá vàng quay đầu giảm, người mua sẽ đối diện với mức lỗ rất lớn. Nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người có tâm lý “lướt sóng”, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.
Giá vàng thế giới
Lúc 8h54, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco quanh ngưỡng 3.092,7 USD/ounce, tăng 85,8 USD so với đầu phiên giao dịch sáng qua.

Dự báo giá vàng
Theo Kitco, thị trường chứng kiến một đợt tăng giá mạnh mẽ. Tất cả các tài sản bị ảnh hưởng trong các phiên giao dịch trước đó đều tăng mạnh. Điều này xảy ra sau khi có tin tức về việc các mức thuế của Mỹ, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ được tạm hoãn trong vòng 90 ngày.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên mạng xã hội lúc 13h30 chiều 9.4 (giờ địa phương) về quyết định hoãn áp thuế 90 ngày vì hơn 75 đối tác thương mại đã không trả đũa và đã liên hệ với Mỹ để “thảo luận” một số vấn đề mà ông đã nêu ra.
Giá kim loại quý đã tăng mạnh trước thông báo bất ngờ của ông Trump. Giá vàng đã tăng hơn 3% để đạt mức cao kỷ lục 3.099 USD/ounce ngay trước khi tin tức được công bố.
Tuy nhiên, ngay cả khi sự tìm kiếm nơi trú ẩn giảm bớt, khiến vàng giảm 50 USD trong vài phút. Sau đó dòng tiền đổ vào thị trường nhanh chóng đưa giá vàng quay lại gần mức 3.100 USD/ounce vào lúc 3h40 giờ EDT.
Theo một số nhà phân tích, vàng vẫn đang trong xu hướng tăng mạnh và dự kiến sẽ không gặp phải áp lực bán mạnh, vì một số nhà đầu tư vẫn muốn giữ tài sản an toàn ngay cả khi tâm lý thị trường đã cải thiện.
“Thị trường hiện đang ở trong tình huống chưa từng có, và các nhà giao dịch sẽ hành động nhanh chóng khi tin tức mới tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý của họ. Trong bối cảnh này, khi lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ gia tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ cắt giảm lãi suất thêm 4 lần nữa, nhu cầu đối với vàng như một tài sản an toàn có thể vẫn duy trì ở mức cao” – Ricardo Evangelista, nhà phân tích cao cấp tại ActivTrades, cho biết trong một ghi chú.
Biên bản cuộc họp gần nhất của FED cho thấy các nhà hoạch định chính sách cảnh báo về rủi ro lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ vào thứ Năm để làm rõ các cảnh báo này.
Theo Công cụ FEDwatch, các nhà giao dịch đang định giá 55% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5, điều này có thể hỗ trợ giá vàng.
Cùng ngày, báo Dân Trí cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Phản ứng của thế giới khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày”. Cụ thể như sau:

Hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/4 quyết định tạm hoãn một phần chính sách thuế đối ứng nhằm vào các đối tác thương mại của Mỹ.
Theo đó, thay vì áp dụng thuế đối ứng từ ngày 9/4, Mỹ sẽ hoãn thi hành 90 ngày để tạo không gian đàm phán nhằm hạ thấp các rào cản thương mại. Các đối tác thương mại của Mỹ sẽ chịu chung mức thuế 10% trong thời gian đó.
Mức thuế cơ sở 10% với các đối tác thương mại từ 5/4 cũng vẫn có hiệu lực trong 90 ngày tới.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%. “Dựa trên sự thiếu tôn trọng mà Trung Quốc đã thể hiện đối với thị trường thế giới, tôi sẽ tăng thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc lên 125%, có hiệu lực ngay lập tức”, ông Trump thông báo.
Ngoài ra, thuế quan 25% đối với thép, nhôm (có hiệu lực từ tháng 3) và với ô tô (có hiệu lực từ ngày 3/4) vẫn có hiệu lực. Trong khi thuế 25% với linh kiện ô tô có hiệu lực từ ngày 3/5.
Sau quyết định hoãn thuế của Tổng thống Trump, thị trường thế giới đã có phiên bùng nổ. Chỉ số S&P500 của Mỹ tăng 9,5%, Nasdaq tăng hơn 12,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2001. Giá dầu tăng hơn 4% từ mức thấp nhất 4 năm.
Nói về quyết định hoãn thuế, ông Trump cho biết: “Vài ngày qua, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc này. Tôi đã làm việc với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại và một số nhân vật chuyên nghiệp khác… Chúng tôi không muốn gây tổn hại đến những quốc gia không đáng bị tổn hại, tất cả họ đều muốn đàm phán”.
Chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh thêm: “Thực ra, mọi người đều muốn đạt được thỏa thuận. Chúng tôi muốn làm điều đúng đắn cho đất nước mình, chúng tôi cũng muốn làm điều đúng đắn cho thế giới”.
Phản ứng của quan chức Mỹ và quốc tế
Các quan chức Nhà Trắng và các đồng minh Cộng hòa của Tổng thống Trump nhanh chóng khẳng định rằng động thái hoãn áp thuế đối ứng là một phần trong chiến lược đàm phán của ông.
Stephen Miller, phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách, bình luận: “Chiến lược tổng thể của Tổng thống Trump, sự lãnh đạo táo bạo và kế hoạch chiến thuật xuất sắc đã làm được nhiều điều để cải cách hệ thống thương mại quốc tế đổ vỡ chỉ trong vài ngày, nhiều hơn bất kỳ ai đạt được trong nhiều thập niên”.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng bình luận: “Tổng thống Trump đã tạo ra lợi thế, đưa nhiều quốc gia vào bàn đàm phán”.
Thủ tướng Canada Mark Carney ca ngợi quyết định của Tổng thống Trump: “Việc tạm dừng áp dụng thuế quan đối ứng là sự hoãn lại đáng hoan nghênh đối với nền kinh tế toàn cầu”.
Một người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết, Anh sẽ “bình tĩnh và điềm đạm” tiếp tục đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại sau khi Tổng thống Trump hoãn áp thuế quan đối ứng.
“Một cuộc chiến thương mại không có lợi cho bất kỳ ai. Chúng tôi không muốn bất kỳ mức thuế quan nào, vì vậy đối với việc làm và sinh kế trên khắp Vương quốc Anh, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán một cách bình tĩnh và điềm đạm”, người phát ngôn cho biết.
Trong khi đó, các nhà phân tích vẫn bày tỏ lo ngại về tác động từ căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Joe Brusuelas, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty tư vấn RSM US, cảnh báo sự thay đổi trong chính sách thuế quan có thể không đủ để ngăn chặn suy thoái. Trong một lưu ý gửi đến khách hàng, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cũng dự đoán có 45% nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 80% thương mại hàng hóa giữa 2 nước và tác động nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế toàn cầu.
Bà kêu gọi tất cả các thành viên WTO “giải quyết thách thức này thông qua hợp tác và đối thoại”.