Thôi miên trên cao tốc dễ xảy ra khi lái xe đường dài, ít cảnh vật, khiến tài xế bị buồn ngủ hoặc quên sự vật sự việc trên đường.
Hồng Thái thường xuyên di chuyển bằng ôtô từ TP HCM đến Rạch Giá, trên đường có liên tiếp 3 đoạn đường cao tốc, với độ dài khác nhau và chiếm khoảng 80% hành trình. Anh cho biết đã nhiều lần gặp phải tình trạng buồn ngủ, đi quá lối ra vì quãng đường đi quá “chán”.
“Tôi đi cao tốc đoạn TP HCM – Trung Lương thì còn đỡ vì có nhiều xe di chuyển, nhưng đến đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận thì rất dễ buồn ngủ, vì đường vắng không nhiều xe chạy vào, và cao tốc này cảnh vật xung quanh hơi chán, lại đi chuyển liên tục với tốc độ cố định, nhiều khi khiến tôi rơi vào trạng thái vô thức, quên để ý cả biển báo lối ra”, Thái chia sẻ.
Những đoạn đường dài, ít cảnh vật dễ khiến tài xế bị “thôi miên cao tốc”. Ảnh: Tân Phan
Hiện tượng buồn ngủ, quên sự vật sự việc trên đường khi đang lái xe được các nhà khoa học gọi là “thôi miên cao tốc” (Highway hypnosis), lần đầu được đề cập bởi giáo sư Griffith Wynne Williams vào năm 1963. Hội chứng này dễ xảy ra hơn khi tài xế thiếu ngủ, mệt mỏi, hoặc khi lái xe vào buổi tối.
Bên cạnh đó, có lý do khách quan khác cho việc này: quãng đường di chuyển đơn điệu và kéo dài. Các nghiên cứu chỉ ra rằng con đường dài, không có cảnh vật, không có điểm thu vị để thu hút mắt tài xế, ít ngã rẽ sẽ khiến tài xế dễ bị thôi miên cao tốc, cho dù tài xế đã ngủ đủ và nhiều kinh nghiệm.
Nhà tâm lý trị liệu Natacha Duke, giải thích về lý do trên Cleveland Clinic, rằng bộ não con người luôn cần phải được “kích thích” về mặt thị giác khi lái xe, nhằm giữ độ phản xạ ở mức cao nhất. Nếu không có sự kích thích, tức quãng đường di chuyển không có cảnh vật, dài, ít thay đổi địa hình, não giờ đây không còn phản ứng nhanh nhạy nữa, qua đó giảm khả năng phản xạ, khiến tài xế giảm sự chú ý. Mặc dù tài xế vẫn làm chủ được vô-lăng , nhưng có thể bị quên sự việc hoặc sự vật trên đường như biển báo hiệu, lối ra.
Đó cũng là lý do hầu hết các cao tốc được thiết kế hạn chế tối đa các đường thẳng dài. Tại Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729/2012 về đường cao tốc ghi rõ không nên thiết kế các đoạn tuyến thẳng trên đường cao tốc dài quá 4 km, nên thay các đoạn thẳng quá dài bằng các đường vòng có góc chuyển hướng nhỏ với bán kính lớn (5-15 m) để chống đơn điệu và lóa mắt do pha đèn về ban đêm. Đây là cách giúp hạn chế sự đơn điệu của quãng đường, buộc tài xế phải tập trung đánh lái, qua đó ngăn buồn ngủ.
Để phòng tránh hiện tượng thôi miên trên cao tốc, tài xế cần ngủ đủ trước mỗi hành trình. Ở những đoạn đường dài và không có cảnh vật, nên chạy liên tục tối đa 2 giờ, sau đó nghỉ ngơi khoảng 15 phút rồi tiếp tục.
Ngoài ra nên duy trì đủ nước, song song với cà phê hoặc trà. Nếu cảm thấy buồn ngủ và mất tập trung khi lái xe, thay vì nghe nhạc với giai điệu đều đều, tài xế có thể nghe podcast, ebook để não bộ luôn kích thích theo sự thay đổi của nội dung tác phẩm. Bên cạnh đó có thể mở cửa sổ để lấy khí tươi. Cuối cùng, không nên ăn quá no trong những chuyến hành trình dài.