Vượt qua bao thị phi, điều tiếng, cuối cùng em chồng cũng thuyết phục được chị dâu cùng mình xây dựng gia đình hạnh phúc
Ảnh minh họa
Ngay sau khi người chồng qua đời vì một tai nạn, chị sống cảnh mẹ góa con côi, còn người em chồng đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có vợ. Vượt qua bao thị phi, điều tiếng, cuối cùng em chồng cũng thuyết phục được chị dâu cùng mình xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hồng nhan bạc phận
Chị Nguyễn Thị Thắm sinh năm 1973, trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, còn người chồng hiện tại của chị tên là Bùi Văn Quân sinh năm 1971. Chúng tôi gặp chị tại một xưởng sản xuất nằm trên đường 10 của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Nhắc đến hạnh phúc hiện tại của chị Thắm ít ai biết được rằng chị đã phải trải qua biết bao đau khổ mới có được ngày hôm nay. Thậm chí, đã có lúc chị nghĩ đến việc bỏ nhà ra đi để mọi chuyện được yên lặng. Kể về cuộc đời mình, chị Thắm không muốn nhắc nhiều tới người chồng đầu tiên của chị đã qua đời.
Phải rất lâu sau khi chúng tôi trò chuyện về cuộc sống, về những chuyện bi hài vẫn có thể xảy ra, chị mới bắt đầu tâm sự những câu chuyện đã giữ trong lòng từ lâu đó. Chị sinh ra trong một gia đình 5 anh chị em. Thời thiếu nữ, chị Thắm xinh xắn, trắng trẻo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị phải vào Nam kiếm việc làm.
Cũng từ đây chị và người chồng đầu tiên quen nhau. Anh và chị có một thời gian dài yêu nhau rồi mới đi đến kết hôn. Họ tổ chức đám cưới ở Bình Dương. Sau khi sinh con đầu lòng vì cuộc sống xứ người quá vất vả nên anh chị ra ngoài miền Bắc sống.
Bao năm hai vợ chồng không có một điều tiếng gì, chưa một ngày người chồng mắng mỏ chị Thắm. Chị sinh cho anh được hai thiên thần nhỏ. Hai cô con gái cứ thế lớn lên trong tình yêu của mẹ và cha. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình nghèo nhưng trong nhà lúc nào cũng tràn ngập niềm vui. Chị Thắm kể, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng.
Có lúc, anh chị còn phải để con ở nhà cho ông bà để đi tìm việc ở xa làm. Được tiếng là chịu khó nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn đeo bám anh chị mãi không thôi. Nhiều hôm hai vợ chồng đội mưa tầm tã, oằn lưng trên chiếc xe đạp đi buôn đồng nát, rồi chuyển sang buôn vải, mang đi khắp nơi bán lẻ.
Cách đây 10 năm, anh chị dùng khoản tiền chắt góp bao năm để xây căn nhàche mưa, che nắng. Nhà gần đến ngày hoàn thiện thì người chồng của chị Thắm bị ngã từ tầng 2 xuống đất. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện một tuần thì anh qua đời.
Căn nhà vừa được xây mới còn nguyên mùi vôi vữa, lại thiếu vắng hơi người nên nó trở nên lạnh lẽo đến ghê người. Bao đêm, ba mẹ con chị nằm ôm nhau khóc trong tuyệt vọng. Cảnh mẹ góa, con côi vô cùng khó khăn. Hai cô con gái cũng dần ý thức được mình đã mất đi người cha thân yêu nên các cháu rất ngoan và chịu khó học hành.
Lúc đó, người em chồng của chị Thắm từ miền Nam về. Anh hơn tuổi chị Thắm nhưng chưa một lần nói lời yêu với ai. Những năm trước, nhiều lần gia đình đã giục anh cưới vợ nhưng anh chỉ gãi đầu, gãi tai, vì chưa tìm được người mình yêu thương thật sự.
Chị Thắm kể: “Ngày chồng chị mất, chú Quân về. Chị cũng bảo thôi anh đã không còn, giờ chú lấy vợ an cư đi để bố mẹ già bớt lo”. Lúc đó, cậu em chồng chỉ cười trừ: ’Cứ từ từ đã chị’. Ngoài 30 tuổi nhưng chú Quân vẫn nghĩ mình còn trẻ và đòi phải lấy người người phụ nữ anh thực lòng yêu thương”.
Những ngày đó, trong cuộc sống của mẹ con chị luôn có sự giúp đỡ của chú. Bão bùng, mưa gió, hay những chuyến xe chở lúa nặng anh Quân đều xông pha làm hết cho mẹ con chị Thắm. Họ vẫn xưng hô chú – chị. Hai đứa con của chị Thắm đều do anh Quân chăm sóc đưa đi đón về khi đến trường.
Biết không thể trông cậy mãi vào em chồng, chị Thắm khuyên chú Quân nên lấy vợ. Chị đã tìm người mai mối cho Quân nhưng anh không ưng ý ai. Cứ giới thiệu đến, anh lại chê già hoặc xấu. Những lúc đó chị lại trách: “Chú đòi người trẻ mà xinh thì làm gì có. Người thì chú chê già, còn người xinh thì họ chẳng lấy người nhà mình, vì nghèo quá”. Khi ấy, chú em chồng chỉ cười xòa: “Em lấy người như chị thôi”. Câu nói đùa của anh Quân cũng chẳng lưu lại trong trí nhớ của chị nhiều lắm.
Khi hết tang chồng, anh Quân ngỏ lời yêu chị Thắm và muốn được làm chỗ dựa cho cuộc đời còn lại của chị. Nghe lời “cầu hôn” đó, chị Thắm không tin vào tai mình, nhưng với anh Quân thì khác. Anh thổ lộ, anh đã yêu chị nhiều hơn khi chứng kiến nghị lực sống phi thường của chị. Anh chỉ muốn chở che cho chị và những đứa cháu bất hạnh vì thiếu cha.
Khi đó, chị Thắm bối rối không biết nên nói thế nào. Chị chưa kịp trả lời thì anh Quân mang tâm sự của mình nói với bố mẹ của anh. Chị không nghe rõ anh Quân nói gì nhưng lúc đó mẹ anh khóc lóc van xin: “Mẹ xin con đừng làm chuyện loạּn luâּn như thế”. Còn cha anh không nói không rằng mà chỉ vỗ ngực vì bất lực không dạy được con trai.
Cả gia đình họp nhau lại, trong đó có cả mẹ con chị Thắm. Lúc đó, chị Thắm cũng không biết mình nên làm sao, thì anh Quân liên tiếp nắm chặt tay chị xin chị đồng ý lấy anh làm chồng. Hai má chị đỏ ửng lên vì xấu hổ, bối rối, còn bố mẹ hai bên thì chỉ xin “hai đứa đừng làm điều đó, thiên hạ họ cười cho”.
Bỏ nhà đi vì cả xã phản đối
Sau cuộc họp gia đình tối hôm đó, cái tin anh Quân muốn lấy chị dâu được cả xã đồn ầm lên. Người thông cảm chỉ gật gù “lọt sàng xuống nia” còn người không hiểu thì cho rằng “gia đình nhà anh Quân vô phúc nên mới xảy ra chuyện như ngày hôm nay”. Về phần mình, chị Thắm phải hứng bão dư luận khi bố mẹ đẻ của chị kiên quyết phản đối.
Mẹ chị đã khóc: “Con có thể lấy bất cứ ai cũng được nhưng không được lấy em chồng. Có ai làm như vậy đâu”. Để mẹ mình yên tâm, chị Thắm cũng tự hứa sẽ nói thẳng với anh Quân. Hai đứa con của chị bị bạn bè chê cười, trêu trọc. Con gái lớn bé đều khóc xin mẹ hãy chuyển nhà đi nơi khác.
Đối với anh Quân, vì có sự chuẩn bị tâm lý từ trước nên anh vẫn vững tâm về tình cảm anh dành cho chị dâu mình. Hai đứa cháu từ yêu quý chú thành ghét chú. Có hôm anh đến nhà chơi, chúng đuổi anh về vì sợ “mang tiếng với người ta”. Còn chị Thắm, đến lúc này chị mới hiểu mình thực sự yêu chú em chồng kia. Từ ngày chồng mất, với chị, người em chồng này như bờ vai của chị. Đấu tranh với chính mình, chị cố gắng giấu tình cảm để nói lời từ chối anh Quân.
Bị từ chối, Quân bỏ nhà vào miền Nam. Khi đi, anh đã hẹn sẽ quay về khi “bát nước nguội dần”. Còn với mẹ con chị Thắm thì nước chẳng bao giờ nguội được vì nỗi nhớ của họ dành cho anh Quân ngày càng lớn. Lúc đó, hai con của chị mới thấy sự cần thiết có chú Quân ở trong nhà. Cô con gái lớn đã giục mẹ: “Mẹ gọi chú về đi. Chúng con nhớ chú lắm. Chúng con nhận chú làm bố được không?”.
Nghe con nói thế, nước mắt người mẹ lăn dài trên má. Nhớ là thế, yêu là thế, nhưng làm sao mà thành người một nhà được khi cả làng, cả xã họ đàm tiếu, cha mẹ hai bên phản đối.
Hơn một năm sau, hai đứa trẻ xin ông bà nội, ngoại cho mẹ chúng lấy chú. Hai bên gia đình cũng thông cảm và hiểu được tình cảm họ dành cho nhau nên mọi người đồng ý để hai người đến với nhau. Hai người vẫn phải trải qua một thời gian thử thách của dư luận nữa. Nhưng rồi đám cưới của họ vẫn được tổ chức đơn sơ trước sự chứng kiến của hai bên gia đình.
Đã 6 năm qua, anh chị vẫn sống bên nhau hạnh phúc. Chị Thắm sinh thêm một đứa con trai kháu khỉnh. Nhắc lại những ngày tháng đã qua, chị Thắm chỉ cười. Cuộc sống kinh tế cũng dần vào ổn định khi anh Quân xin vào làm việc sửa chữa máy móc ở một nhà máy gần nhà, còn chị Thắm làm phụ bếp trong một bếp ăn công nhân. Hai đứa con gái lớn của chị Thắm cũng xin đi học ở Hà Nội và thành phố Thái Bình.
Câu chuyện về chị dâu lấy em chồng từng “gây bão” ở làng quê bé nhỏ đó giờ đã không còn. Hai vợ chồng họ vẫn sống bên nhau hạnh phúc. Nói về người chồng hiện tại, chị Thắm ánh lên đầy tự hào: “Anh ấy là bản sao chồng cũ của tôi”. Còn anh Quân không chỉ làm tròn trách nhiệm với vợ con mình, anh còn gánh cả công việc của người anh xấu số để lại, nên trách nhiệm của anh càng lớn hơn.
Bao năm anh chị sống chung, anh cố gắng không để bố mẹ hai bên buồn lòng. Đến ngày giỗ chồng cũ của vợ, cũng là anh ruột của mình, anh lại sắp cơm mời hai gia đình nội ngoại đến. Nỗi đau mất người thân của họ cũng nguội lạnh dần. Chị Thắm thở phào: “Nó là cái số cả. Nếu tôi không lấy anh ấy không biết giờ mẹ con tôi sẽ thế nào nữa. Bây giờ, nhà tràn ngập tiếng cười hạnh phúc”.