Mực nước trên sông Hồng đang ở mức cao trên báo động 2. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông, nguy cơ mất an toàn cho nhiều tuyến đê.
Ngày 11/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát đi bản tin thông báo lũ trên sông Hồng ở TP Hà Nội.
Mực nước lúc 7h ngày 11/9 trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,86m, trên báo động 2 là 0,36m.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa ngày 11/9, trên mức BĐ2 và dưới BĐ3.
Cảnh báo trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng – Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông của các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Sáng 11/9/2024, theo ghi nhận của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà, lưu lượng nước đổ về hồ Thác Bà đã giảm xuống mức 3.180 m3/s (giảm hơn 1.000 m3/s so với chiều hôm qua). Mức nước hồ hiện tại là 59,84m, tổng lưu lượng xả qua công trình là 3.201 m3/s, dự kiến sẽ không tăng nữa. Công trình, nhà máy và hồ chứa vẫn an toàn.
09:28 ngày 11/09/2024
Hải Dương: Phát lệnh báo động III trên hệ thống sông Thái Bình
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số 3 trên hệ thống sông Thái Bình.
Theo tin cảnh báo lũ của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương vào lúc 6 giờ sáng 11/9, mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê đạt mức báo động 3 và tiếp tục lên; trong 12 – 24 giờ tới mực nước các sông tiếp tục lên nhanh.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương, các cấp, ngành triển khai lực lượng tuần tra đê điều theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu…
Hải Dương cũng yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, các cấp ủy Đảng và chính quyền phải coi công tác phòng, chống lụt là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất để chỉ đạo, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Tỉnh hiện có 267 điếm canh đê thì trên hệ thống sông Thái Bình có 243 điếm, khoảng cách giữa các điếm canh đê từ 1 – 2km.
Ở cấp báo động 1, lực lượng chức năng duy trì ngày 2 người và đêm 4 người canh gác, tuần tra đê; báo động 2 thì ngày 4 người, đêm 6 người; báo động 3 thì ngày 6 người, đêm 12 người.
09:00 ngày 11/09/2024
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đoạn Km191-Km192m ngập sâu, phương tiện hạn chế đi qua
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, vào lúc 6 giờ sáng 11/9, tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đoạn Km191 đến Km192m ngập sâu cả hai chiều. Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo các phương tiện hạn chế qua khu vực này, đặc biệt là xe gầm thấp.
Các phương tiện chọn lộ trình như sau:
Các phương tiện đi từ Hà Nội đi vào Quốc lộ 1A ra lại cao tốc ở nút giao Thường Tín.
Các phương tiện đi từ Hà Nam vào Hà Nội đi ra ở nút giao Vạn Điểm (Km204), nút giao Thường Tín (Km193).
08:54 ngày 11/09/2024
Nước đã lên cao ở phố Chương Dương Độ sáng 11/9
Đường Chương Dương Độ là vùng trũng thấp thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Từ sáng qua (10/9), nước sông Hồng đã mấp mé đường Chương Dương Độ, lực lượng chức năng lên phương án di dời người dân.
Để hạn chế người dân đi lại và đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã lập hàng rào ở đầu đường Chương Dương Độ.
07:56 ngày 11/09/2024
Hải Dương: Phát lệnh báo động 2 trên hệ thống sông Luộc
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số 2 trên sông Luộc, yêu cầu các địa phương, các cấp, ngành triển khai lực lượng tuần tra đê điều theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè ngay từ giờ đầu.
Trong đêm 10/9, huyện Thanh Miện đã tổ chức di chuyển 103 hộ dân với 344 nhân khẩu ngoài đê bối sông Luộc. Các hộ dân này được bố trí vào ở nhờ nhà người thân, hàng xóm. Chính quyền địa phương đang tiến hành đóng bao cát để chống tràn và rò rỉ cống qua đê. Nếu nước lũ tiếp tục dâng cao, Thanh Miện sẽ di chuyển toàn bộ 700 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu ngoài đê chính vào các trường học, nhà văn hóa để đảm bảo an toàn.
Hiện, 267 điếm canh đê của Hải Dương đã bố trí nghiêm túc tuần tra, canh gác, đảm bảo từng vị trí đê đều có người kiểm tra, chịu trách nhiệm theo đúng quy định.
06:44 ngày 11/09/2024
Tuần tra xuyên đêm trên sông Hồng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn
Mực nước sông Hồng dâng cao đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Lực lượng CSGT đường thủy Hà Nội tuần tra 24/24h để kịp thời ứng cứu, giúp đỡ người dân khi cần.
Trong tối 10/9, Đội CSGT Đường thủy số 2 đã huy động 2 xuồng máy, 6 chiến sĩ tổ chức tuần tra kiểm soát dọc tuyến sông Hồng nhằm nắm tình hình, hỗ trợ người dân chằng chống tàu thuyền, đồng thời cung cấp lương thực và áo phao (thay thế những áo cũ, không đảm bảo an toàn).
Theo Phòng CSGT Hà Nội, công tác hỗ trợ lương thực đối với người dân tại các làng chài ven sông Hồng sẽ được các đơn vị thực hiện liên tục đến khi nước rút. Ngoài ra, vào nhiều thời điểm trong ngày, lực lượng chức năng sẽ đến từng tàu, từng bè, nhà nổi để kiểm tra tình hình, nhắc nhở người dân.
0:00
Cảnh sát giao thông Đường thủy Hà Nội tuần tra sông Hồng, đảm bảo an toàn cho người dân.
Hỗ trợ cho người dân vùng ven sông hàng trăm thùng mỳ tôm, hàng chục bộ áo phao mới.
Được biết, chỉ riêng trong ngày 10/9, Đội CSGT đường thuỷ số 2 đã hỗ trợ cho người dân vùng ven sông hàng trăm thùng mỳ tôm, hàng chục bộ áo phao mới. Trước sự quan tâm của lực lượng chức năng, người dân sinh sống ở làng chài cho biết sẽ chủ động các phương án đảm bảo an toàn khi nước dâng, đồng thời liên hệ ngay tới CSGT, Công an và chính quyền khi xảy ra sự cố hoặc cần hỗ trợ.
05:54 ngày 11/09/2024
Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội vượt báo động 2, cảnh báo độ rủi ro thiên tai cấp 2
Ngày 11/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát đi bản tin thông báo lũ trên sông Hồng ở thành phố Hà Nội.
Mực nước sông Hồng đang lên nhanh. Lúc 0 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,54m, trên báo động 2 là 0,04m.
Dự báo, mực nước sông Hồng tiếp tục lên. Đến 1 giờ ngày 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 10,60m, trên báo động 2 là 0,10m. Lúc 7 giờ ngày 11/9, trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,70m, trên báo động 2 là 0,20m.
Lúc 13 giờ ngày 11/9, trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,75m, trên báo động 2 là 0,25m. Đến 19 giờ ngày 11/9, trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,75m, trên báo động 2 là 0,25m.
Các chuyên gia cảnh báo, lũ trên sông đang lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận/huyện: Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…
Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2. Mực nước trong sông đang ở mức cao, mực nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại một số khu vực thuộc các quận/huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…
23:26 ngày 10/09/2024
Hoàn thành di dời hơn 1.000 người dân phường Phúc Xá
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đã hoàn thành di dời 276 hộ với 1.059 nhân khẩu dọc bờ sông Hồng thuộc phường Phúc Xá lúc 22h.
Để bảo đảm các trường hợp người dân (chủ yếu là người cao tuổi) phải di dời tránh lũ yên tâm khi đến nơi ở tạm thời, các cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Trúc Bạch đã ủng hộ chăn gối, các hội đoàn thể, tổ dân phố tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm, đặc biệt lực lượng cán bộ UBND, công an, y tế, dân quân thường trực sẽ ứng trực 24/24h để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt; khách sạn 5 sao Pan Pacific sẽ bảo đảm các suất ăn trong ngày đầy đủ dinh dưỡng…
20:54 ngày 10/09/2024
Hà Nội cấm phương tiện đi lại trên cầu Đuống từ 22h
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có thông báo về phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Đuống (quận Long Biên và huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).
Theo đó, cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng lưu thông qua cầu Đuống (Km9+667), tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng (quận Long Biên và huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Thời gian thực hiện bắt đầu từ 22h ngày 10/9 đến khi có thông báo thay thế.
Sở GTVT Hà Nội vừa ra quyết định cấm người đi bộ và phương tiện đi lại trên cầu Đuống từ 22h đêm nay (10/9). Ảnh: Vietnamnet
Các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua cầu Đuống đi theo các hướng sau:
Phân luồng tại chỗ:
– Hà Huy Tập – Đặng Phúc Thông – Tỉnh lộ 179 – cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – cầu Phù Đổng – cầu Thanh Trì và ngược lại.
– Hà Huy Tập – Đặng Phúc Thông – Tỉnh lộ 295 – Quốc lộ 18 – Võ Nguyên Giáp – cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long và ngược lại.
– Ngô Gia Tự – QL5 – Lý Sơn – cầu Đông Trù – Trường Sa – Quốc lộ 3 hoặc Trường Sa – Hoàng Sa để đi cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và ngược lại.
– Ngô Gia Tự – QL5 – Vành đai 3 – đi cầu Thanh Trì hoặc cao tốc Hà Nội – Bắc Giang.
Phân luồng từ xa:
– Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên hoặc QL 18 – Võ Nguyên Giáp – cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long và ngược lại.
– Quốc lộ 5 – Lý Sơn – cầu Đông Trù – Trường Sa – Quốc lộ 3 hoặc Trường Sa – Hoàng Sa để đi cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và ngược lại.
20:04 ngày 10/09/2024
Lũ sông Hồng sát báo động 2, khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà
Tính đến 17 giờ chiều nay, theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, lũ trên sông Hồng tại trạm Hà Nội đang ở mức 10,1 m, dưới báo động 2 là 0,4 m và đang có xu thế lên nhanh.
Dự báo trong 12 – 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Lào Cai, Yên Bái tiếp tục xuống. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên chậm và ở dưới mức báo động 2.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Công điện nêu rõ, hiện nay, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức rất cao, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ. Để đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, triển khai thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu dòng chảy về hồ thủy điện Thác Bà.
19:31 ngày 10/09/2024
Vỡ một đoạn bờ bao tại Sóc Sơn
Chiều 10/9, UBND huyện Sóc Sơn phát thông tin tình hình sự cố tràn, sạt lở, vỡ bờ bao Đầm Khoai, xóm Cầu Lai, thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn.
Theo đó, sự cố xảy ra vào khoảng 13h30 ngày 10/9. Bề rộng điểm vỡ khoảng 5-6m. Thời điểm xảy ra sự cố, nước trong suối Cầu Lai tràn vào gây úng ngập khoảng 12ha lúa và hoa màu.
Bờ bao Đầm Khoai, xã Bắc Sơn bị vỡ trưa 10/9.
Nguyên nhân sơ bộ, do mực nước sông Công dâng rất cao, chênh mực nước lớn dẫn đến chảy tràn qua suối Cầu Lai gây tràn bờ bao, sạt lở và vỡ bờ bao. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo huy động lực lượng tại chỗ xử lý giờ đầu, khoanh vùng ngập xử lý, ngăn chặn sự cố. Đồng thời, thực hiện biện pháp cấp bách gia cố, đắp ngăn chặn bờ bao để dùng máy bơm tiêu úng.
Bộ đội thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 cũng đã được huy động hỗ trợ giúp người dân tập trung thu hoạch, ứng phó sự cố kịp thời, đảm bảo an toàn. Được biết, đến chiều tối cùng ngày công tác khắc phục vụ vỡ đê bao Đầm Khoai sắp hoàn thành. Theo đó, chính quyền sở tại đã tiến hành đổ đá hộc, đắp bao tải đất để gia cố đê.
18:27 ngày 10/09/2024
Hà Nội phát lệnh báo động lũ cấp III trên sông Nhuệ
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội vừa ra lệnh báo động lũ cấp III trên sông Nhuệ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội vừa có lệnh báo động cấp độ III trên sông Nhuệ tại địa phận các xã ven đê thuộc các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa.
18:07 ngày 10/09/2024
Hồ Văn Quán thành ‘biển’ nước tràn ngập các ngả đường
Mực nước sông Nhuệ dâng cao ở mức báo động. Mưa lớn kéo dài khiến nhiều hồ khu vực Hà Đông dâng cao, tràn lên đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân.
Nước dâng cao khiến hồ Văn Quán, hồ Than Thở các đường xung quanh hồ “hòa làm một”.
Nước hồ tràn ngập vỉa hè đường Văn Quán.
Giúp đỡ đẩy xe máy qua vùng ngập sâu.
17:54 ngày 10/09/2024
Cấm qua cầu Long Biên; hạn chế lưu thông trên cầu Chương Dương
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên Cầu Long Biên, Thành phố Hà Nội như sau:
Cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên.
Các phương tiện có nhu cầu đi qua cầu Long Biên lưu thông theo các cầu: Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.
Thời gian thực hiện từ 15h00 ngày 10/9/2024 (thứ Ba) đến khi có thông báo thay thế.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải thông báo phương án phân luồng: Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.
Trong chiều 10/9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo hạn chế phương tiện qua cầu Đuống.
16:27 ngày 10/09/2024
Cấm đi vào đường gom Đại lộ Thăng Long do ngập sâu
Sở GTVT Hà Nội vừa có thông báo về việc tổ chức phân luồng cho các phương tiện trên Đại lộ Thăng Long do tuyến đường này hiện đang bị ngập sâu nhiều đoạn, tiềm ẩn nguy hiểm nếu người dân tiếp tục lưu thông.
Theo đó, Sở GTVT Hà Nội cấm các phương tiện lưu thông trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, cụ thể:
Bên phải tuyến từ Km7+00 (Lối vào nút giao hầm chui đường sắt) đến Km10+350 (lối ra nút giao Khu đô thị An Khánh); Từ Km20+00 (lối vào nút giao tỉnh lộ 80) đến Km28+300 (lối ra nút giao Khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc).
Bên trái tuyến từ Km16+500 (lối vào nút giao cầu vượt Sài Sơn) đến Km7+00 (lối ra nút giao hầm chui đường sắt); Từ Km28+300 (lối vào nút giao Khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc) đến Km20+00 (lối ra nút giao Tỉnh lộ 80).
Đồng thời, hạn chế tốc độ tối đa cho phép 60km/h đối với tất cả các phương tiện ô tô lưu thông trên đường cao tốc của Đại lộ Thăng Long tại các lý trình (phải tuyến: Km7+00 – Km10+350, Km20+00 – Km28+300; trái tuyến: Km16+500 – Km7+00, Km28+300 – Km20+00).
Cấm đi vào đường gom Đại lộ Thăng long do có nhiều đoạn ngập sâu tiềm ẩn nguy hiểm, xe máy sẽ được phép đi vào đường cao tốc phía trong.
15:48 ngày 10/09/2024
Các trường Hà Nội được linh hoạt hình thức dạy học do mưa lũ
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các trường học đã linh hoạt hình thức tổ chức dạy học nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh.
Tính đến 11h sáng nay 10/9, Hà Nội có 118 trường không thể tổ chức dạy học. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chỉ đạo các nhà trường chú trọng triển khai phương án với tinh thần phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp. Đồng thời, cần chủ động, sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến, không để ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học 2024-2025.
15:23 ngày 10/09/2024
Nhiều tuyến xe khách Hà Nội đi các tỉnh tạm dừng hoạt động
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều địa phương phía Bắc đang bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Do đó, nhiều tuyến xe từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại đã tạm dừng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện do lưu thông trên các tuyến đường bị ảnh hưởng do bão, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông.
Một số tuyến khác hoạt động vận tải tuy không bị đứt đoạn nhưng cũng chỉ cầm chừng.
15:08 ngày 10/09/2024
Đảm bảo cung ứng đủ thuốc trong mùa mưa lũ
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho công tác phòng, chống bệnh, dịch có thể phát sinh trong mùa mưa bão, lũ lụt.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra vật tư y tế, thuốc men phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, kịp thời lập kế hoạch, chủ động liên hệ với các cơ sở cung ứng, triển khai đặt hàng, mua sắm, dự trữ, đảm bảo có đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, điều trị và đáp ứng các tình huống y tế bị ảnh hưởng do bão, lũ, dịch bệnh…; không để xảy ra thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị các bệnh có thể phát sinh sau mưa bão, lũ lụt, các đơn vị báo cáo kịp thời về Sở Y tế để có phương án xử lý kịp thời.
Đối với các cơ sở kinh doanh thuốc cần chủ động kế hoạch dự trữ, chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, đảm bảo cung ứng đủ thuốc theo đơn hàng, theo hợp đồng cung ứng đã ký kết với cơ sở khám chữa bệnh và cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt đảm bảo thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch, bệnh có thể phát sinh trong mùa mưa bão, lũ lụt; tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc…
15:07 ngày 10/09/2024
Lực lượng dân quân giúp người dân ngõ 76 An Dương chạy lũ
Đêm ngày 9/9, nước dâng cao ở cuối ngõ 76 An Dương (quận Tây Hồ). Càng tiến sâu vào ngõ, nước càng dâng cao đến quá nửa người. Nước ngập nhanh vào buổi tối khiến người dân không kịp trở tay.
Trong ngõ 76 An Dương, nhiều hộ gia đình hối hả “chạy ngập” trong đêm. Một gia đình thuê xe tải, 6 thành viên thay phiên vận chuyển đồ đạc, thú cưng chất lên xe để đưa đến nơi cao hơn.
Hiện tại, toàn bộ người dân khu vực cuối ngõ 76 An Dương đã được đưa ra ngoài an toàn. Cơ quan chức năng tiếp tục bố trí xuồng máy để di dời tài sản có giá trị.
Người dân di chuyển đồ đạc, tài sản bằng thuyền đến khu vực cao hơn.
Lực lượng chức năng có mặt từ sáng sớm để giúp người dân di chuyển đồ đạc chạy lũ.
14:52 ngày 10/09/2024
Hà Nội có hàng chục nghìn ha lúa bị đổ và ngập sâu trong nước
Mưa bão ở Hà Nội làm 4.046ha rau màu bị ngập, 3.924ha cây ăn quả bị ngập, 453ha thủy sản bị ảnh hưởng; nhà lưới bị ảnh hưởng 69.550m2; gia súc bị chết 29 con; gia cầm chết 37.508 con; 110.133 cây xanh gãy đổ.
Hiện nay, mực nước sông Bùi đang trên báo động 3, mực nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng từ 10-40cm các khu dân cư trong vùng đê bao bảo vệ bị ngập úng khi nước tràn qua đê và dâng cao như xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ.
Trước tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, các địa phương đã sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo đời sống, cứu trợ nhân dân, phương án hỗ trợ di dời nhân dân.
14:43 ngày 10/09/2024
Di dời 6 hộ dân ở ngõ 661 Bạch Đằng
Do nước sông Hồng lên nhanh, sáng ngày 10/9, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng vận động các hộ dân trong diện phải di dời trong ngõ 661 đường Bạch Đằng (phường Chương Dương).
Hiện tại, nhà 6 hộ dân ở ngõ 661 Bạch Đằng có nguy cơ đổ, người dân đang chủ động chuyển đồ đến ở tạm số 2 Bạch Đằng.
Chia sẻ với báo chí, anh Dương Văn Thái cho biết, nhà nằm mép sông Hồng, trong ngõ 661 Bạch Đằng, sáng nay, gia đình anh đã tập trung di chuyển đồ đạc lên tầng 2. “Sáng nay, nước sông Hồng lên rất nhanh, cùng với sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình tôi cũng như các hộ dân trong ngõ đã chủ động di dời người và đồ đạc đến nơi an toàn“, anh Thái nói.
0:00
6 hộ dân ở ngõ 661 Bạch Đằng chủ động di dời đến nơi an toàn.
14:32 ngày 10/09/2024
Hà Nội tiếp tục có mưa, nước lũ trên sông Hồng vượt mức báo động 1 tới 12 cm
Dự báo, trong chiều 10/9, Hà Nội tiếp tục có mưa rào và dông gây mưa lớn, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mực nước lũ trên sông Hồng tiếp tục dâng cao, đã vượt mức báo động 1 là 12 cm.
Dự báo, mực nước lũ sông Hồng còn tiếp tục dâng cao với biên độ 10-20cm/giờ, hoàn toàn có thể đạt mức báo động II (10,5m) và không loại trừ khả năng lên báo động III (12m) trong những ngày tới.
Các chuyên gia cảnh báo, người dân khu vực ven sông Hồng tại Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Gia Lâm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm,… cần có phương án phòng, khẩn trương di dời, để tránh việc nước lên cao tràn vào sâu trong nhà dân.
Thời điểm 10h sáng 10/9, nước sông vẫn chưa tràn lên đường dân sinh nhưng đến trưa, nước đã lên đến mặt đường.
Một người dân cho biết: “Nước dâng nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Bây giờ muốn vào nhà phải bơi, gia đình tôi đang phải ở nhờ nhà người thân”.
Người dân dùng thuyền để chuyển đồ đạc ra khỏi vùng ngập lũ.