Có thể thấy rằng có rất nhiều loại màu của biển số xe như màu trắng, màu xanh, màu vàng. Như cũng ta đã biết thì biển số xe màu trắng là loại biển số xe thông dụng nhất vì nó được cấp cho hầu hết mọi người như cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn lợi dụng biển số xe trắng của mình để kinh doanh, chạy xe dịch vụ. Vậy hành vi chạy xe dịch vụ với biển số xe màu trắng có được pháp luật cho phép không? Nếu không được phép thì xe biển trắng chạy dịch vụ bị phạt bao nhiêu tiền? Sau đây hãy cùng LSX đi tìm hiểu vấn đề pháp lý này nhé!
Thông tư 58/2020/TT-BCA
Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Xe biển trắng có được chạy dịch vụ không?
Pháp luật quy định về từng loại biển số xe như sau:
Biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 11 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M cấp cho xe của các cơ quan của Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các Ban chỉ đạo Trung ương; Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức chính trị – xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam); đơn vị sự nghiệp công lập, trừ Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập; Ban quản lý dự án có chức năng quản lý nhà nước;
Biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng có ký hiệu “CD” cấp cho xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân sử dụng vào mục đích an ninh;
Biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe của doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp cổ phần của công an, quân đội), Ban quản lý dự án thuộc doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp, xe của đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, xe của Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập, xe của cá nhân;
Biển số nền màu vàng, chữ và số màu đỏ, có ký hiệu địa phương đăng ký và hai chữ cái viết tắt của khu kinh tế – thương mại đặc biệt, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế, cấp cho xe của khu kinh tế – thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ;
Biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải.
Như vậy xe biển trắng không được thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải tức là không được chạy dịch vụ.
Muốn chạy dịch vụ xe biển trắng phải làm gì?
Đối tượng cấp đổi, cấp lại biển số xe: Biển số bị mờ, gẫy, hỏng hoặc bị mất hoặc chủ xe có nhu cầu đổi biển số 3, 4 số sang biển số 5 số; xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được đăng ký cấp biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen.
Như vậy muốn chạy dịch vụ xe biển trắng phải thực hiện thủ tục cấp lại biển số xe để có biển số xe màu vàng. Hồ sơ cấp lại biển số xe gồm có những nội dung sau:
– Giấy đăng ký khai xe
Đăng ký, cấp biển số xe lần đầu; đăng ký sang tên; đổi lại, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia: Chủ xe đăng nhập cổng dịch vụ công kê khai các thông tin vào Giấy khai đăng ký xe điện tử (theo mẫu số 01A/58) và nhận mã số thứ tự, lịch hẹn giải quyết hồ sơ qua địa chỉ thư điện tử hoặc qua tin nhắn điện thoại để làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe.
Trường hợp chủ xe đến trực tiếp cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký, cấp biển số xe lần đầu; đăng ký sang tên; đổi lại, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe: Chủ xe có trách nhiệm kê khai các thông tin vào Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).
– Giấy tờ của chủ xe
Chủ xe là người Việt Nam: Xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Sổ hộ khẩu. Đối với lực lượng vũ trang: Xuất trình Chứng minh Công an nhân dân hoặc Chứng minh Quân đội nhân dân hoặc giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác từ cấp trung đoàn, Phòng, Công an cấp huyện hoặc tương đương trở lên (trường hợp không có giấy chứng minh của lực lượng vũ trang).
Chủ xe là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về sinh sống, làm việc tại Việt Nam: Xuất trình Sổ tạm trú hoặc Sổ hộ khẩu hoặc Hộ chiếu (còn giá trị sử dụng) hoặc giấy tờ khác có giá trị thay Hộ chiếu.
– Giấy chứng nhận đăng ký xe (trường hợp đổi giấy chứng nhận đăng ký xe) hoặc biển số xe (trường hợp đổi biển số xe), trường hợp xe cải tạo thay tổng thành máy, tổng thành khung thì phải có thêm: Giấy tờ lệ phí trước bạ theo quy định, giấy tờ chuyển quyền sở hữu (thay động cơ, khung) theo quy định, giấy tờ nguồn gốc của tổng thành máy, tổng thành khung.
Xe biển trắng chạy dịch vụ bị phạt bao nhiêu tiền
Xe biển trắng chạy dịch vụ bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô khi kiểm định;
Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông;
Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định này;
Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23; điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23; điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này;
Đưa phương tiện quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 6 Điều 28 Nghị định này;
Đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông; đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không đúng với số khung số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông;
Không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc), trừ các hành vi vi phạm quy định tại: điểm i khoản 9 Điều này và các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 28; điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định này (khoản này được sửa đổi bởi điểm h khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)’
Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1 Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);
Lắp đặt, sử dụng thiết bị thay đổi biển số trên xe trái quy định (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Như vậy, xe biển trắng chạy dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.