Không có người chống lưng, sinh ra phải nỗ lực để bước vào vạch xuất phát, chàng trai trẻ ấy đã kiếm tiền bằng sự nhạy bén, thông minh và linh hoạt của mình.
Dư Văn, sinh năm 1998, tới từ một vùng quê nhỏ thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Từ nhỏ anh sống với bà ngoại do bố mẹ đều đi làm ở bên ngoài. Mỗi năm bố mẹ anh đều sẽ chỉ về thăm nhà một ngày vào dịp Tết. Cứ như vậy, “từ nhỏ tôi đã sống theo kiểu tự do, không có người quản“, anh nhớ lại.
“Năm 15 tuổi tôi tới Ôn Châu (thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) học nghề sửa xe, làm được nửa năm, mỗi ngày đều tăng ca tới hơn 3 giờ sáng, lúc đó chỉ dùng nước lạnh, kể cả vào mùa đông, mỗi ngày hầu như ngày nào người cũng ướt. Nhưng khoảng thời gian đó thực ra lại là khoảng thời gian khá hạnh phúc, vui hơn việc đi học vì tôi nghĩ mình kiếm được ra tiền“, Dư Văn bộc bạch.
01
Bén duyên với con đường làm giàu nhờ thương mại điện tử
Chàng trai sinh năm 1998 bén duyên với thương mại điện tử thông qua người quen, “tôi có một người chú làm xưởng gia công quần áo, một khách hàng của chú ấy làm bên mảng thương mại điện tử kiếm được hơn 570 nghìn tệ (khoảng 2 tỷ đồng) mỗi năm. Sau đó chú giới thiệu tôi theo người khách hàng đó học việc, người đó vừa hay cũng đồng ý cho tôi theo, khi đó tôi phụ trách khâu vận chuyển hàng.”
Trong quá trình theo học nghề, Dư Văn thường dành thời gian nghiên cứu về cách thức vận hành công việc kinh doanh mà theo anh là “mọi thay đổi mỗi ngày tôi đều ghi chép lại, ghi chép của tôi thậm chí còn chi tiết hơn cả ghi chép của ông chủ về công việc vận hành công ty của mình.”
Làm được một khoảng thời gian, Dư Văn tách ra làm riêng. Sau khi theo học một khóa học trên mạng, anh bắt đầu hình thức kinh doanh một loạt gian hàng trên các sàn thương mại điện tử theo hình thức liên kết bằng cách tập hợp các liên kết sản phẩm thông qua phần mềm, “Chẳng hạn, nếu muốn tập hợp liên kết của một shop nào đó, vậy thì phần mềm này sẽ tự động giúp tôi tìm kiếm và thu thập liên kết sản phẩm có lượng bán ra cao của shop, thông qua phần mềm đó, tôi copy lại các liên kết, sau đó đăng lên shop của mình. Nếu hôm nay tôi muốn đăng 10.000 sản phẩm lên sàn, cả quá trình thu thập liên kết và đăng sản phẩm chỉ mất 3-4 tiếng đồng hồ.”
Lấy một ví dụ, giấy ăn trên một gian hàng nào đó trên sàn có lượng bán ra cao, có giá 10 tệ (khoảng 34 ngàn đồng), thông qua phần mềm, tới cửa hàng của Dư Văn, nó sẽ được bán với giá gấp đôi. Sở dĩ có thể kinh doanh theo hình thức này là bởi theo anh, “mỗi một mức giá đều sẽ có một nhóm tiêu dùng nhất định. Tôi nhớ rất rõ, ngày đầu tiền làm vậy đã có người đặt đơn, tôi kiếm được hơn 60 tệ với đơn hàng đó. Ngày thứ hai tôi bán được mười mấy đơn, ngày thứ 3 tôi bán được hơn 100 đơn, chỉ riêng ngày hôm đó tôi kiếm được 3000 tệ (khoảng 10 triệu đồng) tiền lãi. Cảm giác lúc đó là ‘Wow, không thể tin được’.”
Kiên trì hình thức kiếm tiền thông qua liên kết sản phẩm và bán với giá cao hơn như này từ năm 2016 tới năm 2020, chỉ tính riêng trong năm 2020, Dư Văn kiếm được 20 – 30 triệu tệ tiền lợi nhuận (khoảng 70 tỷ -104 tỷ đồng). Trong thời kì đỉnh cao, anh sở hữu hơn 80 gian hàng trên sàn thương mại điện tử với các sản phẩm chủ yếu như đồ điện, đồ điện gia dụng, đồ dùng gia đình, đồ dùng tập gym, bách hóa….
Bàn về việc vì sao có thể thông qua hình thức này kiếm được nhiều tiền tới như vậy, Dư Văn bộc bạch, “Nhiều người hỏi tôi có kĩ thuật gì không? Tôi không có. Nhiều người hỏi vì sao sản phẩm của tôi lại phổ biến như vậy, tôi cũng không biết. Suy cho cùng, lý do duy nhất tôi có thể giải thích là gian hàng trên các sàn thương mại điện tử là vô cùng phong phú. Đằng sau mỗi một gian hàng là một nhóm tiêu dùng khác nhau, phụ thuộc vào bình quân giá hàng hóa trên gian hàng của bạn. Một miếng thảm nhiệt của người khác bán 12,9 tệ, khi được bày bán trên gian hàng của tôi, nó có giá 58,9 tệ, cùng một sản phẩm, bày bán trên các gian hàng khác nhau sẽ có giá khác nhau. Khi mức tiêu dùng của khách hàng trong khoảng 500 tệ, họ sẽ không muốn mua món đồ mười mấy tệ, vì sao? Nếu tôi là khách hàng, năm nay dù không có tiền, tôi cũng sẽ không thể mua một miếng thảm nhiệt có giá mười mấy tệ, dù thế nào tôi cũng sẽ chọn loại hơn 50 tệ, vì dùng loại mười mấy tệ tôi dùng cũng không an tâm.”
Logic bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là “chọn sản phẩm” và “làm đẹp số lượng sản phẩm bán ra”, đây là việc có thể can thiệp thao tác. Chẳng hạn, “sản phẩm mà chúng tôi tìm kiếm là sản phẩm có nhiều người tìm kiếm, nhưng số lượng sản phẩm trên sàn ít. Lấy ví dụ mỹ phẩm, một sản phẩm nào đó, lượt người tìm kiếm là 200.000, nhưng nếu số lượng sản phẩm đang bán trên sàn là 1.000.000 chẳng hạn, vậy thì đây không phải sản phẩm chúng tôi sẽ lựa chọn. Lượt người tìm kiếm là 200.000 nhưng nếu số lượng sản phẩm đang bán trên sàn chỉ là 100.000 hoặc thậm chí 50.000, đây sẽ là sản phẩm mà chúng tôi chọn. Có một phần mềm phân tích số liệu gọi là ‘tham mưu kinh doanh’, sẽ đưa ra 1000 dòng dữ liệu, chúng tôi gọi là ‘từ khóa’, sau khi gõ từ khóa, phần mềm sẽ đi thu thập thông tin, chẳng hạn như áo lông, phần mềm sẽ thu thập được toàn bộ liên kết của áo lông, sau đó chúng tôi sẽ chạy qua phần mềm giới hạn lượng tiêu thụ trong khoảng 500-10.000, giá cả trong khoảng 50-200 tệ, đánh giá có bao nhiêu, đánh giá không cao có thể loại bỏ, sau đó lọc thêm một vài thương hiệu.”
“Vì rất nhiều người đều biết cách làm rồi nền mô thức kiếm tiền này không còn dễ kiếm như trước nữa, hiện tại chỉ còn những người đã làm lâu năm rồi vẫn cố gắng trụ lại“, Dư Văn thẳng thắn.
Phát hiện ra cơ hội này, học được phương thức vận hành, nhanh chóng mở rộng kinh doanh, chàng thanh niên 25 tuổi thực hiện tất cả chỉ trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ là một con đường bằng phẳng luôn suôn sẻ. Năm 2018, anh đối mặt với một vấn đề lớn, “Công ty của tôi có 5 nhân viên xin nghỉ việc, khoảnh khắc họ xin nghỉ việc tôi đã biết họ sẽ tách ra làm riêng, hơn nữa hiện tại họ đều rất thành công. Họ nhìn thấy lợi nhuận từ hình thức này nên đã vay tiền làm và đều đã thành công.”
Năm 2020, khi dịch bệnh xuất hiện, rất nhiều cửa hàng không xuất được hàng, đây cũng là giai đoạn nền tảng hạn chế hình thức kinh doanh liên kết này.
Năm 2019, Dư Văn kiêm thêm mảng kinh doanh theo hình thức liên kết video, anh lập ra hơn 400 tài khoản, mỗi ngày đăng 800 video. Đây là hình thức tập hợp nhiều tài khoản thành một tổng thể nhằm nâng cao độ phổ biến cũng như mức tiêu thụ của sản phẩm, “Chẳng hạn, hôm nay muốn bán nước khoáng, tôi sẽ đăng liên kết nước khoáng lên, cả 400 tài khoản đều đăng liên kết nước khoáng, giúp liên kết này tăng độ phổ biến“. Giai đoạn này, một video nhiều nhất có thể đạt tới hơn 40.000.000 lượt xem, bởi lẽ “thời đó về cơ bản là đăng gì lên cũng đều có thể trở nên phổ biến, được nhiều lượt xem“. Hình thức này đem lại cho anh lợi nhuận 40.000.000 tệ một năm (khoảng hơn 139 tỷ đồng).
Sau khi những hình thức trên bị hạn chế, anh chuyển sang livestream bán hàng, “năm 2022, hình thức livestream giúp tôi kiếm được không ít tiền. Một sản phẩm giúp tôi kiếm được 28.000.000 tệ lợi nhuận (khoảng 97 tỷ đồng).”
Rất nhiều người hay nói rằng để làm nghề này, Dư Văn có lẽ phải có một cái đầu vô cùng nhạy bén với thương mại điện tử, tuy nhiên bản thân anh lại cho rằng, “Các sàn thương mại điện tử mỗi năm đều xảy ra biến động, mỗi một lần biến động có thể tạo ra rất nhiều cơ hội. Chẳng hạn năm nay Meituan dồn lực vào mảng B2C, ai đang làm trong mảng thương mại điện tử sẽ có thể nhắm lấy cơ hội này.” Điều quan trọng là cần có sự linh hoạt, biết nắm bắt thời cơ và dám làm.
03
Tiền và cuộc sống
Khi được hỏi về ý nghĩa của tiền bạc, Dư Văn chia sẻ khi mới kiếm được tiền, anh cũng giống như nhiều người, không giữ được tiền, suy nghĩ đầu tiên là muốn hưởng thụ, muốn tiêu tiền và tiêu xài khá hoang phí, “bởi vì chúng tôi bước vào xã hội đi làm từ độ tuổi quá sớm, thế giới hào nhoáng bên ngoài, có thể nhìn thấy nó, nhưng lại không thể bước vào đó vì không có tiền. Có những người người ta không nhìn thấy, vậy thì người ta sẽ không nghĩ tới. Còn chúng tôi, nhìn thấy thế giới đó một cách trực quan vậy cho nên sau khi vừa kiếm được tiền, lập tức có suy nghĩ muốn tận hưởng, đơn giản nhất là đi mát xa chân, chẳng hạn trước đây một lần đi rửa chân chỉ mất 69 tệ, nhưng sau khi có tiền rồi lại muốn thử loại có giá 300 tệ một lần.”
Còn ở hiện tại, khi đã ở một độ tuổi chín chắn hơn, trải nghiệm nhiều sóng gió cuộc đời hơn, Dư Văn của độ tuổi 25 lại cho rằng “có tiền rồi chưa chắc là chuyện có ý nghĩa, nhưng vẫn là suy nghĩ đó, ít nhất về mặt cuộc sống vật chất tôi không cần lo lắng. Tự do có rất nhiều loại, tự do tài chính là một kiểu, tự do chi tiêu về mặt ăn uống cũng là một kiểu, tự do trong việc nghỉ ngơi, tự do trong hôn nhân, trong việc lựa chọn bạn đời cũng là một loại tự do.”
Khi được hỏi việc tuyệt vời nhất mà mình đã làm được là gì, Dư Văn tự hào, “tôi nghĩ đó là mình phát triển văn hóa của công ty hiện tại lên mức cao nhất, mô thức kinh doanh của nhóm tôi hiện tại chính là khiến tất cả mọi người đều kiếm được tiền, mười mấy người đồng hành đều cùng nhau kiếm được tiền.”
Với Dư Văn, một người có xuất thân nông thôn lên thành phố lớn lập nghiệp thì “tiền có thể cho người ta sự tự tin, ở quê chúng tôi là như vậy, không cần biết quá trình bạn nỗ lực tới đâu, họ chỉ quan tâm kết quả, quan tâm số tiền mà bạn cầm về. Ở quê chúng tôi không giống như ở thành phố, mọi người xung quanh đều biết nhau, đây là con trai con gái nhà ai. Năm đầu tiên tôi kiếm được tiền, lái một chiếc xe sang trọng về nhà, ai cũng biết, người nhà được nở mày nở mặt, bản thân cũng được nở mày nở mặt. Ban đầu kiếm tiền chỉ đơn giản vì muốn có đủ miếng ăn, sau đó thì kiếm tiền là vì muốn kiếm tiền, đến hiện tại vẫn là như vậy, tôi nhất định phải kiếm tiền.”
Ở anh, dù đã kiếm được rất nhiều tiền, cũng có thể xem là một tâm gương điển hình về thành công ở độ tuổi còn rất trẻ, nhưng vẫn phảng phất đâu đó một khoảng cách giữa cái gọi là những đứa trẻ ở nông thôn và những đứa trẻ ở thành phố, “Từ nhỏ thông tin tiếp nhận được và giá trị quan là không giống nhau. Thông tin những người ở thành phố nghe được là ai thi được bao nhiêu điểm, thi được vào đại học nào rồi, con cô chú nào được nhận học bổng đi đâu, nhưng thông tin mà những đứa trẻ ở nông thôn như chúng tôi nghe được lại là, con cái nhà ai ở ngoài kiếm được bao nhiêu tiền, đi xe hiệu gì về nhà. Hai người vốn chẳng hề quen biết nhau, thứ đầu tiên chúng tôi nhìn là họ lái xe hiệu gì, sau đó nhìn xem họ mặc quần áo hiệu gì.”
Khi được hỏi về vấn đề giáo dục con cái, Dư Văn thẳng thắn, “sau này tôi không muốn con giống mình, tôi muốn con được đi học đàng hoàng, học tới năm 22 tuổi, trang bị cho mình một lượng tri thức đầy đủ, sau đó ra làm một cái nghề, tôi muốn con mở mang đầu óc, muốn con biết rằng ngoài tiền ra, cuộc sống còn nhiều giá trị đáng trân trọng khác, tôi không muốn con giống như tôi hiện tại, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới tiền, nếu hướng đi là đúng đắn, vậy thì sẽ thành người có ích, nhưng chỉ cần đi lệch một chút thôi, chắc chắn sẽ rơi xuống vực.”
04
Trong một chương trình, Tiến sỹ Bùi Trân Phượng, một nhà thực hành về giáo dục từng đặt ra một câu hỏi như vậy: “Bây giờ người ta nói học để thành công chứ không phải nói học để nên người, nhưng mà thành công nghĩa là gì? Tiền và quyền có phải là dấu hiệu duy nhất của thành công hay không?”
Liệu có phải đã đến lúc mỗi người trong chúng ta, thay vì định nghĩa thành công gói gọn trong hai chữ “tiền bạc”, cần thừa nhận một điều rằng “thành công có vô vàn định nghĩa và định nghĩa của mỗi người về thành công là không giống nhau”, đã đến lúc ngừng xem một yếu tố là tiêu chuẩn về thành công. Warren Buffett từng nói, “Sau khi bạn 65 hoặc 70 tuổi, bạn sẽ mong những người bạn yêu thương thực sự yêu thương bạn, chỉ vậy thôi, bạn đã là một người thành công.”
Tác gia người Trung Quốc, Dư Hoa, trong một cuốn sách của mình từng viết, “Con người là để yêu thương, tiền bạc là để sử dụng, thế giới này sở dĩ trở nên hỗn loạn, đó là vì tiền được dùng để yêu thương, còn con người được dùng để lợi dụng, vậy mới có cái người ta gọi là qua cầu rút ván, yêu tiền hơn cả mạng sống, cái tâm lạc mất xuất phát điểm, mọi thứ đều biến chất.”
Mong rằng tất cả chúng ta đều được sống với tiết tấu của bản thân giữa thời đại vội vã này.