Dù mỗi tháng gửi tiền đủ nhưng nàng dâu vẫn không được ăn ngon. Ngày nào nhìn mâm cơm cũng bực mình. Nói ra thì bảo khó dễ nhưng không nói thì lâu ngày dồn nén.
Kể sao hết những chuyện khúc mắc giữa mẹ chồng nàng dâu. Dù sống chung hay riêng, mối quan hệ này cũng hiếm khi hòa thuận. Nhưng đối với phụ nữ chúng mình mà nói, người chồng nếu không biết cách dung hòa, tháo gỡ khúc mắc thì càng đẩy sự việc trở nên căng thẳng hơn. Tôi đã nghe nhiều trường hợp, dù họ cố gắng, mẹ chồng cũng chẳng khó khăn nhưng càng ngày mối quan hệ này càng trở nên tệ hơn.
Hôm nay lướt trên trang Vietnamnet tôi có thấy tâm sự của một nàng dâu. Đang mang bầu, nàng dâu này không biết phải làm gì khi ngày nào cũng ăn mâm cơm sơ sài, nguội lạnh do mẹ chồng nấu. Dù nói ra sẽ bị đánh giá là khó dễ, nhưng nếu không nói thì không thể chịu nổi. Đi làm cả ngày về đã mệt, bụng lại đang mang bầu mà mâm cơm mẹ chồng nấu không có chất dinh dưỡng, không ngon thì làm sao nuốt cho trôi, dù mỗi tháng chị đều đưa mẹ chồng 4 triệu:
“Mỗi tháng, mình đưa bà 4 triệu để đưa chi tiêu ăn uống rồi điện nước. Nhà có mẹ chồng, 2 bé nhỏ (2 tuổi và 6 tuổi) và mình đang bầu 5 tháng.
Mình đi làm công ty ăn mỗi bữa tối. 2 bé nhà mình đi học bán trú cũng chỉ ăn bữa tối. Vậy mà mẹ chồng mình cho con cháu ăn như này đó”.
Tâm sự của nàng dâu. Ảnh Vietnamnet
Đăng kèm là hình ảnh mâm cơm ít ỏi, chỉ là tô canh lèo tèo vài sợi rau, vài quả cà muối xổi, chén nước mắm, chút cá. Người bình thường trẻ khỏe gặp mâm cơm này còn thấy ái ngại chứ huống gì phụ nữ mang thai. Có thể không cần mâm cao cỗ đầy, nhưng ít nhất vẫn phải có thịt cá, chế biến ngon lành, bày biện chỉn chu chứ không phải tuềnh toàng như thế này.
Mẹ chồng tằn tiện trong chuyện ăn uống nên nàng dâu thấy vô cùng mệt mỏi. Mỗi tháng chị đưa mẹ 4 triệu để lo ăn uống và sinh hoạt, tuy không nhiều nhưng chí ít thì mỗi bữa ăn cũng không phải khổ sở tới mức này cơ chứ.
Ảnh trái: Mâm cơm mẹ chồng nấu cho dâu, Vietnamnet. Ảnh phải minh họa, Phunutoday
Cư dân mạng bàn tán rôm rả, nói rằng sẽ từ chối ăn mâm cơm này vì không chỉ là chuyện ngon dở mà thông qua đây có thể thấy mẹ chồng có phần không tôn trọng con dâu:
– Gặp mình, mình không ăn luôn. Không thể nuốt nổi ấy.
– Ăn vậy sao nuốt nổi. Tội các bé luôn, mẹ bầu mà nghén thì ăn kiểu gì. Chán thật luôn.
– Nhìn mâm cơm này hoàn cảnh thì bảo còn cố nuốt, nhưng đấy tháng bạn đưa 4 triệu mà phải ăn bữa cơm thế này thật sự quá uất. Nếu riêng bạn với mẹ chồng thì không nói, nhưng mẹ bầu rồi còn 2 bé nữa.
– Gặp mẹ chồng bần tiện ăn uống không ra gì đúng stress thật. Mua về lười cũng không nấu, có người còn phải đợi nấu xong mới gọi ăn cơ. Cố lên bạn.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái ngược với nàng dâu. Họ cho rằng 4 triệu để lo đủ thứ sinh hoạt trong nhà là không đủ. Nếu cảm thấy nghi ngờ, nàng dâu nên tự đi chợ nấu ăn mới hiểu được khó khăn của mẹ chồng: “Được 4 triệu điện nước gas, ăn uống, sinh hoạt cả hộ gia đình thì ăn vậy là đúng còn gì. Đừng nói mà tội bà. Bạn cầm 4 triệu chi tiêu 1 tháng thử xem có đủ không mà nói bà”.
Thật ra, trong câu chuyện này tôi thấy nàng dâu bất mãn bữa ăn là đúng. Tiền sinh hoạt 4 triệu, mỗi tháng thiếu đủ như thế nào mẹ chồng nên chia sẻ để con dâu cân nhắc. Con dâu đi làm vất vả, lương bổng cũng có hạn, có thể cô ấy không thể gửi được nhiều hơn. Bà nên thông cảm và vun vén, tiền điện nước có thể cố định nhưng chuyện ăn uống hoàn toàn linh hoạt được mà.
Mẹ chồng im lặng không nói, mỗi ngày đều cho dâu và các cháu ăn uống kham khổ, bà biết con dâu có bầu mà vẫn không cho con ăn đủ chất thì trực tiếp gây ảnh hưởng đến cháu rồi còn gì? 2 đứa nhỏ ăn cực như thế làm sao chúng phát triển cao lớn, thông minh được? Con dâu đi làm đã mệt, ăn không ngon thì sức đâu kiếm tiền? Có thể mẹ chồng tiết kiệm cũng vì gia đình, nhưng ăn uống là chuyện quan trọng, tằn tiện quá không hay.
Nói chung, đã sống trong một nhà, 2-3 thế hệ chắc chắn có sự khác biệt không ít về quan điểm sống, cách sống, cách chi tiêu… Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự trao đổi, tìm ra sự thống nhất chung. Còn nếu mỗi người mỗi ý, không ai chịu chia sẻ hay lắng nghe ai thì mỗi ngày trôi qua chỉ thêm nặng nề, chạm mặt cũng thấy không vui.